Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Cần nhận ra, còn có lý do, có điều kiện tác động để đưa đến tư duy thì tư duy ấy chưa phải chân lý. Phải từ nơi “không vì bất cứ gì”, tĩnh lặng lại, trí sáng suốt để nhìn về tất cả mà khoan vội theo điều gì thì tâm ta sẽ tự sáng ra, sẽ có cái nhìn khách quan, đúng chân lý.

1. THÂN NÀY SAI BẢO: 

Khoa học chứng minh, một em bé còn nhỏ, chưa biết nói nhiều. Khi đưa mẩu bút chì và tờ giấy, cháu vẽ hình quả trứng, hoặc trái cam thì biết cơ thể cháu đang bị thiếu và cần ăn những chất có trong các hình vẽ ấy. Đó là cơ thể tác động và khiến như vậy.

Người bị tiểu đường, trong tế bào thiếu đường cho nên khiến vị ấy thèm đường và nói theo suy nghĩ ấy. Đó là tế bào bảo mình muốn như vậy.

Tương tự, người thèm ăn thịt thì chỉ một bề ca ngợi về thịt chứ không nói bằng trí tuệ của người bình tâm là thức ăn không chỉ có thịt. Người cần tiền thì bị đồng tiền sai sử và suy nghĩ theo vật chất, quên các giá trị khác cho nên bị nhiều sai lầm và phải trả giá. Người nặng vật chất thì một bề suy nghĩ và sống theo vật chất mà không nhận ra nhu cầu đời sống của người thiên về tinh thần, và ngược lại… Tất cả đều do tế bào, cơ thể này tác động, sai khiến mỗi một người có một cách nói và tư duy như vậy. Chưa phải bằng vào sự bình tâm, có trí tuệ để nói ra điều phù hợp với chân lý, đúng chung cho tất cả.

 

2. TÂM TRẠNG SAI KHIẾN.

Muốn nhận ra tâm trạng sai khiến thế nào, khi nghe nói, chúng ta không vội nghe ai đó nói gì, mà phải tĩnh lặng để nghe xem “Vì sao nói như vậy?”.

Nghe nói chủ trương khắc kỷ thì biết là do thời gian qua đã hướng ngoại quá nhiều, cảm thấy không còn an ổn, mất thăng bằng cho nên mới chủ trương khắc kỷ. Bắt đầu từ khởi nguồn là khắc kỷ ấy để tư duy và viết nên cấu trúc cho chủ trương khắc kỷ rồi gọi đó là triết lý. Phát xuất điểm không ổn thì những điều kéo theo gọi là triết lý kia làm sao ổn được? Như người ngày đêm quần quật với công việc cho đến khi tinh thần căng thẳng, nhọc nhằn và muốn an phận vậy thôi. Thực tế xã hội vẫn còn có nhiều người không cần khắc kỷ, nhưng vẫn sống tốt, thành công.

Khi chủ trương sống chậm lại thì biết là do thời gian trước đây sống trong lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng đến mức căng quá, vấp phải nhiều sai lầm, vì thế muốn chậm lại. Nhưng với người đã sống chừng mực và thành công rồi thì đâu cần nói nhanh hay chậm gì. Tất cả chỉ từ tâm trạng con người đã từng bị dồn về một phía, sai lệch một bên, thời gian sau thì trả ngược lại. Giống như cây cầu bập bênh, từng đè nén bên nào thì bên đó bị bật dậy sau đó vậy thôi, chứ không phải là sự thăng bằng của hợp lý. Tương tự khi gần chết lửa thì chuyển sang chết chìm chứ không phải là người đang an ổn.

Khi căng thẳng hoặc giận dữ thì tư duy khác với lúc bình tĩnh, sẵn sàng. Khi thấy người này hợp với mình thì tâm trạng sẽ khác và tư duy cũng khác khi đối diện với người mình cảm thấy khó chịu… Và còn nhiều sự việc tương tự trong cuộc sống. Theo đây để xem xét và kiểm tra lại sẽ thấy tất cả đều do tâm lý, tâm trạng sai bảo. Nhưng tâm lý của người này thì không phải là của người khác. Tâm trạng của mình lúc này sẽ không giống với tâm trạng của ngày mai. Hoàn cảnh tác động tạo nên tâm trạng, nhưng chính hoàn cảnh cũng không cố định, luôn thay đổi. Từ những sự thay đổi đó tác động để đưa đến tư duy và quyết định thì làm sao chính xác và hợp lý được. Biết vậy, là người tỉnh táo sẽ không vội tin theo điều gì khi tâm trạng bất ổn, mà cần xem xét lại tư duy của mình trước khi đi đến một quyết định.

 

3. MÔI TRƯỜNG, HOÀN CẢNH TÁC ĐỘNG.

Lúc nghèo thì thấy ở thành thị là sang. Bởi thiếu thốn vật chất cho nên thấy ở nơi đông đúc và làm ra tiền là đẳng cấp. Cho đến khi có rất nhiều tiền hoặc đã già mới thấy không phải như thế. Điển hình, ở những đất nước phát triển thì người giàu mới được ở núi. Do khi đã có nhiều tiền hoặc nhiều tuổi, con người ta mới tỉnh lại và nhận ra, đời sống không chỉ có vật chất, tiện nghi, mà còn cần có tinh thần và nhiều giá trị khác. Tất cả đều do hoàn cảnh tác động khiến con người tư duy như thế.

Người được sinh ra và sống vào thời xa xưa thì thích theo phong cách cổ điển. Người của hiện tại mới được sanh ra đây thì thấy thích đương đại hơn. Đó là do môi trường tác động khiến cho chúng ta tư duy và thích như thế. Nếu quý cụ 100 tuổi mất đi, tái sanh lại thì cũng sẽ tư duy theo cách hiện đại của thời điểm mình được lớn lên sau đó.

 

4. TÓM LẠI.

Qua đó cho thấy, tất cả những kiểu tư duy như trên đều do sự tác động của thân xác, của tâm trạng, tâm lý và hoàn cảnh môi trường thôi thúc, tác động, sai khiến con người suy nghĩ và hành động theo nó. Mà đã là bị thôi thúc, tác động, sai khiến gần như ép buộc thì chưa phải là chính mình. Như bố mẹ bảo thì con nhỏ phải vâng lời vậy thôi, chứ chưa hẳn đã là điều cháu ấy muốn. Vào giữa đám đông thì mọi người không gượng lại được, cứ như một làn sóng và mọi người bị đẩy đi trong đó chứ không phải ai muốn xô đẩy chen lấn gì. Cũng vậy, nếu chúng ta tư duy và hành động theo những tác động, chi phối, thúc đẩy và sai khiến thì hẳn đó không phải là sự được tự chủ, tự do, để được tư duy và hành động của chính mình.

 Hơn nữa, hoàn cảnh và con người luôn luôn thay đổi. Nếu tư duy theo những thứ không cố định đó thì lấy đâu để xác định. Nếu chưa xác định, chưa quyết định được thì tất cả còn bỏ ngỏ, tạm thời, chưa chắc chắn, chưa phải chân lý. Thế thì làm sao con người có thể bám vào những thấy biết còn đổi thay mà áp đặt người khác nhất định phải tuân theo nó? Nếu cố chấp, chấp cứng vào những thứ chưa cứng chắc sẽ đưa đến sai lầm, sẽ không khỏi hối hận, khổ đau.

 

5. PHẢI LÀ CHÍNH MÌNH.

Một đứa bé còn nhỏ phải lệ thuộc vào cha mẹ. Nói năng, suy nghĩ hay làm bất cứ gì cũng phải nhất nhất tuân thủ. Do cháu chưa đủ lớn để quyết định cho nên chưa có gì là của cháu cả. Cũng vậy, khi chúng ta còn bị cơ thể, tâm trạng hay hoàn cảnh thúc đẩy, xúi bảo mình tư duy và hành động. Do vì còn bị thôi thúc, sai khiến cho nên mình vẫn còn bị lệ thuộc thân, tâm và hoàn cảnh, có khi đến mức làm nô lệ chúng chứ chưa có gì là của mình cả. Vậy, muốn là chính mình thì phải làm sao? Tư duy, nói năng, hành động như thế nào mới không còn bị sai khiến, mới thực sự là chính mình?

-Thoát ra sự chi phối của thân, tâm và hoàn cảnh.

Cần nhận ra, còn có lý do, có điều kiện tác động để đưa đến tư duy thì tư duy ấy chưa phải chân lý. Phải từ nơi “không vì bất cứ gì”, tĩnh lặng lại, trí sáng suốt để nhìn về tất cả mà khoan vội theo điều gì thì tâm ta sẽ tự sáng ra, sẽ có cái nhìn khách quan, đúng chân lý.

Cụ thể, trong cuộc sống đừng để thân, tâm và hoàn cảnh bị chi phối, tác động. Không phải ngoảnh mặt quay lưng. Chỉ hãy thoát ra, vượt lên trên để bình lặng nhìn về mọi thứ thì tất cả sẽ được phản ánh khách quan, cái thấy sẽ được trọn vẹn đầy đủ, không bị phiến diện. Khi vui hay bực bội quá, khoan quyết định. Khi đói thì ăn, lạnh thì thêm áo, nóng thì quạt, nhưng vẫn bình thản, không thèm nóng vội, nôn nao để làm những việc ấy. Nếu thân có bệnh thì nhiệt tình chữa trị chu đáo, nhưng không mang cảm giác bị bệnh để điều trị bệnh. Tất cả chỉ là một sự tỉnh táo, điềm nhiên, bình thường thì tâm sẽ bình, khí sẽ hòa, trí sẽ sáng. Những sinh hoạt, hành động cho cuộc sống, cho thân tâm này không còn là một sự thôi thúc, sai khiến mình làm theo nó nữa. Chỉ bởi đơn giản là mình đã làm chủ được cảm xúc và bản thân, không còn bị nô lệ. Nếu sống được như vậy, chúng ta sẽ có khả năng làm cho mọi câu chuyện trong đời được đơn giản bớt, nhẹ lại, cách giải quyết thông suốt, sẽ tốt cho bản thân, mọi người và công việc.

-  Lặng mà tỉnh sáng, tâm thực sự bình thường.

Khi tâm bình lặng, thoát ra khỏi tác động và cảm xúc như thế, trí tuệ sáng ra, giúp cho chúng ta thấy biết toàn diện, nhìn nhận đầy đủ, khách quan. Từ đó quyết định sẽ chuẩn xác. Bởi sau tất cả, tâm sẽ bình lặng, con người thường nhận ra nhiều điều. Và nếu ngay đây bình lặng để quyết định thì trăm năm sau tâm này cũng sẽ bình lặng như thế. Và những thấy biết trong bình lặng bao giờ cũng đầy đủ, không sai khác, cho nên không có gì để cho ta ân hận, hối tiếc. Dù cuộc đời không có gì hoàn hảo, có nhiều điều chưa được trọn vẹn, nhưng trong tĩnh lặng, bình thường để thấy biết. Đồng thời đã cố gắng hết sức mình, để cuối cùng đi đến một quyết định không thể tốt hơn. Sống, hành xử và quyết định như thế sẽ khiến cho con người không bị sai lầm, dằn vặt về sau.

Bình lặng, nhìn đời; tĩnh lặng mà thấy biết hết tất cả, đây là cái thấy biết của trí tuệ. Từ trí tuệ như thế của chính mình mà thấy biết và hành động sẽ không bị sai lầm. Tâm bình lặng thì không bị bất cứ gì tác động, xô đẩy, sai khiến thôi thúc, cho nên mới sống được là chính mình. Cũng chính do bình lặng, trí sáng, trả lại thấy biết từ trí tuệ chính mình cho nên tư duy và hành động từ đây sẽ đúng chân lý, khách quan; đúng cho tất cả bởi nó không có sự chi phối của bản ngã nhỏ hẹp hay bị tác động bởi bất cứ gì bên ngoài.

Nhu cầu cuộc sống chỉ là phương tiện. Cuộc sống là sự tùy duyên.

Đã sống trong nguồn cơn trí tuệ chân thật ấy, đói thì ăn, mệt thì nghỉ, nóng thì quạt, lạnh thì thêm chăn... Tất cả chỉ là bình thường. Vẫn nghe cơ thể này lên tiếng để làm đúng nhu cầu nó cần sống. Cũng thấy rõ và thông cảm được tâm trạng này tại sao lại bị như vậy một cách đáng thương tâm. Đồng thời cũng thấy biết tình huống, hoàn cảnh cuộc đời là như thế để hài hòa, biết nên làm gì cho thích hợp, vừa chừng, không sai thước mực đạo đức... Tuy vậy, nhưng lúc này không phải là thấy theo sự sai khiến của chúng, mà là một sự chủ động. Bởi đã có ông chủ tĩnh tâm cho ta sự bất biến, bình thản để thấy rõ cho nên không bị thân, tâm và hoàn cảnh môi trường sai sử hay bảo phải làm theo, mà chỉ là một sự nhận biết, tự chủ, cảm thông và khéo thuận với nó theo chiều hướng tốt, tích cực, uyển chuyển, tùy duyên.

Một sự tĩnh tâm, bình thường mà sáng biết trong ta luôn sẵn đó, không thay đổi. Khéo điều chỉnh tâm trạng được ổn định và luôn luôn như thế, khéo léo tùy thuận để thích nghi tốt trên mọi hoàn cảnh, chúng ta sẽ vượt qua được mọi tình huống trong đời một cách nhẹ nhàng. Có thế, cuộc sống mới bớt đi nhiều sai lầm, không phải trả giá đau khổ và hướng tiến đến cuộc sống ngày càng thanh thoát, an lạc.

 

6.  BIỆN PHÁP.

Thực tế, muốn cho mọi thứ trong đời bớt đi sự dính mắc, tiến dần lên không còn bị chi phối để cuộc sống mình hết khổ, an vui, chúng ta cần có sự nỗ lực rèn luyện, cần có trí tuệ và định lực.

Trí tuệ: Thấy rõ – Nhận ra  – Suốt tột.

Nguyên nhân chính khiến cho con người đau khổ là do mê mờ, thiếu trí tuệ. Chưa nói đến trí tuệ rốt ráo đưa đến giác ngộ giải thoát, ngay trong cuộc sống đời thường, người có trí tuệ sẽ thấy rõ, nhận ra, suốt tột mọi vấn đề, không bị hiểu lầm, làm sai thì sẽ bớt đau khổ.

Một trí tuệ rốt ráo luôn đồng thời đủ hai tính chất, lặng và sáng. Căn cứ theo đây để nhận biết chúng ta đang có một trí tuệ đúng đắn, không bị rơi vào cực đoan, sai lệch. Ở thế gian, nếu chỉ một mực học theo bên ngoài thì còn trong loạn động, thiếu tĩnh lặng cho nên không có nội lực để cứu mình hết những tham sân, khổ não được. Ngược lại, nếu chỉ khép mình thị bị cô lập, tự đào thải. Bằng tâm lặng sáng nhìn đời, chúng ta sẽ có được trí tuệ đúng nghĩa, không sai lệch. Theo đây để tu tập, rèn luyện, trí tuệ ngày càng được phát huy. Được sâu hay cạn, năng lực được phát huy đã mạnh hay còn yếu, tùy thuộc vào sự sẵn sàng để tu tập chuyên nghiệp hay chỉ mới dừng lại ở mức tương đối trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng tất cả đều đã có hướng đi đúng đắn để rèn luyện trí tuệ, để giải khổ.

Định lực: An tĩnh – Lặng sáng.

Có khi nhận biết, nhưng không thực hiện được, không sống được như mình thấy biết và mong muốn là do thiếu định lực. Cụ thể ở đây, dù có trí tuệ thấy ra, nhưng còn thiếu cái lực của trí cho nên chúng ta tuy biết, nhưng vẫn bị mê lầm, không sống và làm theo được như ý muốn.

Muốn tăng trưởng nội lực này, hằng ngày trong cuộc sống, chúng ta không nên quan trọng hóa mọi thứ. Chỉ nên nhìn nó đúng như bản chất của nó. Mọi thứ trên đời không có gì quan trọng, tất cả chỉ là đơn giản, bình thường. Luôn bằng tâm tĩnh lặng để thấy biết, hành xử và làm việc. Nếu sắp xếp được, trong một ngày đêm nên có thời gian nhất định nào đó để ngồi lại tĩnh tâm. Theo thời gian, năng lực trong tâm tự lớn mạnh, cho phép chúng ta điều chỉnh, cân bằng được mọi chuyện trong cuộc sống.

Rèn luyện: Vượt thoát hai bên.

Con người đã quen tư duy, sống và làm việc trong phạm trù đối đãi, hai bên; mà nặng nề nhất là “thích hay không thích” một vấn đề, con người, hoàn cảnh hay công việc... Thấy là thường, nhưng đây lại là yếu huyệt, tử huyệt khiến cho chúng ta trở nên yếu đuối theo từng ngày, dẫn đến dễ bị đau khổ, tổn thương. Có khi tri thức sống tuy nhiều, nhưng bản lĩnh sống thì thiếu là do chỗ này. Muốn tiến bộ, không khổ thì ngay yếu huyệt này để điều trị, dù có bị đau. Không cho mình có quyền được thích hay không thích bất kỳ một điều gì. Đối trước tình huống, hoàn cảnh hay một người nào, nếu vừa khởi tâm hài lòng hay khó chịu thì ngay đó để chấn chỉnh vươn lên. Chắc hẳn sẽ có người bảo là khó quá hoặc cảm thấy đau, nhưng nếu muốn mạnh mẽ, có trí tuệ, năng lực và bản lĩnh sống để không còn khổ đau thì phải chịu khó như thế thôi. Không một giá trị nào có ra từ sự yếu hèn, dễ dãi.

 

7.  KẾT LUẬN.

Thoát ra tất cả thì tâm mới lắng đọng, tỉnh sáng, không bị bất cứ gì tác động, sai khiến tư duy của chúng ta. Tuy lắng đọng, không có gì tác động, nhưng sáng biết rành rẽ tường tận mọi vấn đề để nhiệt tâm giải quyết thấu tình đạt lý, chứ không phải quay lưng, tự kỷ, thích an nhàn. Từ đó tâm an, trí sáng, nhìn mọi thứ rõ ràng và khách quan, không nhầm lẫn. Vì tĩnh lặng, bình thường cho nên không bị biến đổi. Vì không bị tác động bởi bất cứ gì chi phối, cho nên mới được là chính mình. Cái chính mình tĩnh lặng, bình thường, không biến đổi, nhưng hay khéo tùy duyên, hòa đồng, linh động, linh thông cho nên sống tốt trên tất cả mọi hoàn cảnh, điều kiện. Đây cũng là bản chất vốn sẵn nơi mỗi người thôi. Cái thấy biết phát xuất từ trí tuệ như thế sẽ thấy biết đúng chân lý, chung cho tất cả những gì rốt ráo nhất. Sống bằng sức sống này, con người sẽ không bị sai lầm và đau khổ.

 Thầy Thích Tâm Hạnh - Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã