Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tứ thanh tịnh giới là giới đầy đủ của Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu phải giữ gìn bốn giới này được thanh tịnh, để làm nền tảng cho tất cả mọi thiện pháp, nhất là pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ, đem lại sự an lạc kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
Tứ thanh tịnh giới là :
1- Pātimokkhasaṃvarasīla: Giới thu thúc giải thoát khổ.
2- Indriyasaṃvarasīla: Giới thu thúc lục căn.
3- Ājīvapārisuddhisīla: Giới nuôi mạng chân chánh.
4- Paccayasannissitasīla: Giới nương nhờ tứ vật dụng.
Giải Thích:
1- Giới thu thúc giải thoát khổ như thế nào?
- Giới thu thúc giải thoát khổ đó là 227 điều học trong Bhikkhupātimokkha..., Tỳ khưu giữ gìn giới được trong sạch đầy đủ, có thể giải thoát khổ ở kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
- Tỳ khưu giữ gìn giới được trong sạch và đầy đủ là do nhờ có đức tin đầy đủ (saddhasādhana). Tỳ khưu có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, thì việc giữ gìn giới dám coi trọng hơn việc giữ gìn sanh mạng. Do đó, giới được giữ gìn trong sạch và đầy đủ.
Nếu khi Tỳ khưu phạm giới nhẹ, giới không trong sạch, để giúp làm cho giới trở nên trong sạch lại, bằng cách sám hối āpatti (desanāsuddhi). Khi Tỳ khưu sám hối āpatti xong, thì giới trong sạch trở lại.
2- Giới thu thúc lục căn như thế nào?
Lục căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn là nơi tiếp xúc của lục trần: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.
Giới thu thúc lục căn là Tỳ khưu có chánh niệm:
- Khi sắc trần tiếp xúc với nhãn căn, phát sanh nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ nhãn thức tâm thấy sắc trần thuộc danh pháp, còn sắc trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia...
- Khi thanh trần tiếp xúc với nhĩ căn, phát sanh nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ nhĩ thức tâm nghe thanh trần thuộc danh pháp, còn thanh trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người...
- Khi hương trần tiếp xúc với tỷ căn, phát sanh tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ tỷ thức tâm ngửi hương trần thuộc danh pháp, còn hương trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người...
- Khi vị trần tiếp xúc với thiệt căn, phát sanh thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thiệt thức tâm nếm vị trần thuộc danh pháp, còn vị trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người...
- Khi xúc trần tiếp xúc với thân căn, phát sanh thân thức tâm làm phận sự tiếp xúc với xúc trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thân thức tâm tiếp xúc với xúc trần thuộc danh pháp, còn xúc trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người...
- Khi pháp trần tiếp xúc với ý căn, phát sanh ý thức tâm làm phận sự biết pháp trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ ý thức tâm biết pháp trần thuộc danh pháp, còn sắc pháp trần thuộc sắc pháp, hoặc danh pháp trần thuộc danh pháp, không phải ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia...
Ðó gọi là giới thu thúc lục căn thanh tịnh.
Tỳ khưu giữ gìn giới thu thúc lục căn thanh tịnh là do nhờ chánh niệm đầy đủ (satisādhana).
Giới thu thúc lục căn được thanh tịnh bằng cách thu thúc thanh tịnh (saṃvarasuddhi).
3- Giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh như thế nào?
Tỳ khưu từ bỏ mọi cách sống tà mạng, như làm ra vẽ đạo đức, lời nói ngon ngọt để lừa gạt,... chỉ vì lòng tham muốn thấp hèn để nuôi mạng.
Tỳ khưu từ bỏ mọi cách sống tà mạng, sống bằng cách chánh mạng trong sạch, do nhờ sự tinh tấn đầy đủ (vīriyasādhana). Tỳ khưu có sự tinh tấn đầy đủ, có sự tri túc trong bốn thứ vật dụng, không sanh tâm tham muốn thấp hèn, không hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.
Tỳ khưu có sự tinh tấn đi tìm kiếm bốn thứ vật dụng:
- Y phục: lượm vải dơ may mặc.
- Vật thực: đi khất thực từng nhà một để nuôi mạng.
- Chỗ ở: cội cây, hang động để hành đạo.
- Thuốc trị bệnh: dùng nước tiểu bò con, rễ cây làm thuốc, một cách hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.
Như vậy, Tỳ khưu có giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh là do nhờ sự tinh tấn đầy đủ. Tỳ khưu có sự tinh tấn đầy đủ, phải từ bỏ mọi cách sống tà mạng, sống bằng cách chánh mạng trong sạch.
Giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh bằng cách tinh tấn tìm kiếm thanh tịnh (pariyeṭṭhisuddhi).
4- Giới nương nhờ tứ vật dụng như thế nào?
Tứ vật dụng đó là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh, là bốn thứ vật dụng thiết yếu cho đời sống Tỳ khưu. Cho nên, mỗi khi Tỳ khưu đang dùng thứ vật dụng nào, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thứ vật dụng ấy.
- Khi Tỳ khưu mặc y, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:
"Paṭisaṅkhā yoniso cīvaraṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa-vātātapa-sirīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappatiïcchādanatthaṃ".
- Khi Tỳ khưu thọ thực, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:
"Paṭisaṅkhā yoniso piṇṇapātaṃ paṭisevāmi, neva davāya, na madāya, na maṇṇanāya, na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṃañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca".
- Khi Tỳ khưu ở chỗ ở, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:
"Paṭisaṅkhā yoniso senāsanaṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa-vātātapa-sirīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparissayavinodana-paṭisallānārāmatthaṃ".
- Khi Tỳ khưu dùng thuốc trị bệnh, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:
"Paṭisaṅkhā yoniso gilānappaccayabhesajja-parikkhāraṃ paṭisevāmi, yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭigātāya abyābajjhaparamatāya".
Khi Tỳ khưu nào đang dùng thứ vật dụng nào, mà không quán tưởng, vị Tỳ khưu ấy dùng vật dụng ấy, như người mang nợ (iṇaparibhoga).
Như vậy, Tỳ khưu có giới nuôi mạng chân chính, là do nhờ sự tinh tấn đầy đủ. Còn giới nương nhờ tứ vật dụng thanh tịnh là do nhờ trí tuệ đầy đủ (paññāsādhana). Tỳ khưu có trí tuệ đầy đủ, mỗi khi dùng thứ vật dụng nào, đều có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy.
Giới nương nhờ tứ vật dụng được thanh tịnh, bằng cách quán tưởng thanh tịnh (paccavekkhaṇasuddhi), mỗi khi dùng thứ vật dụng nào, nên có trí tuệ quán tưởng biết rõ sự lợi ích của thứ vật dụng ấy, đồng thời có thể ngăn ngừa được phiền não nương nhờ ở thứ vật dụng ấy mà phát sanh.
Khi Tỳ khưu thọ nhận thứ vật dụng nào, dầu có trí tuệ quán tưởng thấy rõ thực tánh pháp của thứ vật dụng ấy, song khi Tỳ khưu đang thọ dụng thứ vật dụng ấy, không quán tưởng, Tỳ khưu ấy không thể tránh khỏi lỗi. Còn trường hợp, Tỳ khưu khi thọ nhận thứ vật dụng nào, dầu không có quán tưởng thứ vật dụng ấy, song khi Tỳ khưu đang thọ dụng thứ vật dụng ấy, có trí tuệ quán tưởng, thì Tỳ khưu ấy không có lỗi, không mang nợ.
Theo Face: Theravada VIET