Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mục đích trên hết mà người Phật tử chân chính theo đuổi là diệt trừ khổ não, tháo gỡ mọi xiềng xích trói buộc do tham ái si mê tạo nên, trước cho bản thân, và sau cho người khác
Hơn 2500 năm trước, bên Ấn Độ, tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc vương thành Ca Tỳ La Vệ, Bồ Tát Hộ Minh đã chuyển kiếp lâm phàm. Ngài đã tìm ra chân lý, dẫn dắt chúng sinh qua bờ giải thoát, mang lại an lạc cho muôn loại sinh linh mà trước hết là cho Con Người. Ngài đã từ bỏ cuộc sống vương giả xuất gia tìm đạo là vì nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết của loài người và những vô minh điên đảo của nhân thế. Có những kẻ thích tranh luận đã tìm đến Đức Phật chất vấn: “Thế giới là thường hay vô thường? Hữu biên hay vô biên?”. Đức Phật đã đáp rằng: “Dù thế giới này là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v… thì cuộc đời này vẫn có sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; mà pháp Ta thuyết giảng là nhằm mục đích chấm dứt khổ đau, giải thoát sanh tử, đạt đến an vui vĩnh viễn”.
Mục đích trên hết mà người Phật tử chân chính theo đuổi là diệt trừ khổ não, tháo gỡ mọi xiềng xích trói buộc do tham ái si mê tạo nên, trước cho bản thân, và sau cho người khác. Công việc này phải thực hành ngay trong hiện tại, phù hợp với trình độ và khả năng của mỗi người - Từ trong cảnh vô thường con người có thể tạo ra Niết-bàn thường tại.
Đạo Phật tùy duyên nhưng bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên. Phật giáo bao giờ cũng xem con người là đối tượng cần được giáo hóa. Nhờ tuệ giác đã chứng được, đức Phật thấy rõ mọi nỗi khổ đau của con người cũng như các nguyên nhân đưa đến tranh chấp đều do tham, sân, chấp ngã mà ra. Vì vô minh che khuất, con người đã xem thân năm uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức như là tự ngã kiên cố. Đức Phật dùng phương pháp phân tích vấn đáp để phá ngã chấp cho đệ tử.

Rồi đức Phật cho ví dụ: “Người nào đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ như cây ta-la bị chặt đứt ngọn không còn khả năng nảy mầm trong tương lai, là người đã dẹp bỏ các chướng ngại. Người nào đã đoạn trừ sự sinh tử luân hồi, là người đã lấp đầy các thông hào. Người nào đã đoạn tận khát ái, là người đã nhổ lên cột trụ. Người nào đã diệt sạch năm hạ phần kiết sử, là người đã tháo tung các xiềng xích. Người nào đã đoạn trừ ngã mạn, là người đã hạ cây cờ xuống, đặt gánh nặng xuống đất, là bậc Thánh không còn gì triền phược nữa”.
Những lời Đức Phật chỉ dạy không dành riêng cho một hạng người nào mà nhằm đến tất cả mọi người. Những ai nỗ lực thực hành theo những lời Ngài dạy chắc chắn sẽ thâu thái được những kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, biết chọn lựa và thực hành theo những việc tốt không phải là chuyện dễ, nên Ngài bảo rằng trên đời này có 20 việc khó :
1/ Nghèo hèn mà phát tâm bố thí là khó;
2/ Giàu sang mà học đạo là khó;
3/ Liều thân chết cho lẽ phải là khó;
4/ Thấy được kinh Phật là khó;
5/ Sinh nhằm đời có Phật là khó;
6/ Nhịn sắc, nhịn dục là khó;
7/ Thấy tốt không tham là khó;
8/ Bị nhục không tức giận là khó;
9/ Có quyền thế mà không hách dịch là khó;
10/ Gặp việc trái ý mà tâm tự tại là khó;
11/ Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó;
12/ Trừ được ngã mạn là khó;
13/ Không khinh người ít học là khó;
14/ Thực hành tâm bình đẳng là khó;
15/ Chẳng nói sự phải trái là khó;
16/ Gặp được thiện tri thức là khó;
17/ Học đạo thấy được tâm tính là khó;
18/ Tùy duyên hóa độ người là khó;
19/ Thấy cảnh không động tâm là khó;
20/ Khéo biết phương tiện là khó.
                                [Kinh Tứ Thập Nhị Chương, bài 12]
Đức Phật cũng lưu tâm đến mọi hạng người trong xã hội, Ngài ban cho họ những lời dạy thiết thực, mong họ sống hòa thuận, an ổn và hạnh phúc. Trước giờ phút Niết-bàn, bậc Đạo sư đã dạy chúng Tăng 7 pháp bất thối:
1/ Phải giản dị ít việc, không rườm rà đa sự;
2/ Cần yên lặng, không nên nói nhiều;
3/ Bớt ngủ nghỉ, không mê muội;
4/ Không kết phe đảng, nói việc vô ích;
5/ Không được khoe khoang, cần phải khiêm tốn;
6/ Không làm bạn với những kẻ xấu;
7/ Nên ở những nơi nhàn tịnh để chiêm nghiệm đạo lý.
[Kinh Đại bát Niết-bàn, bản Nam truyền].
Nguồn gốc của mọi tệ trạng xã hội, những tấn thảm kịch, các cuộc tranh chấp bất tận đã diễn ra từ ngàn xưa và có lẽ còn diễn tiến mãi đến ngàn sau đều phát xuất từ vô minh chấp ngã của con người. Đức Phật đã nhìn thấu triệt vấn đề, nên những lời giảng dạy của Ngài dù đứng về phương diện nào cũng lấy việc hoàn thiện con người làm trung tâm điểm. Mà muốn hoàn thiện con người hữu hiệu thì phải có phương pháp khéo léo dẫn dắt từ dễ đến khó.
Đức Phật đã dành cả cuộc đời để giáo hóa chúng sinh. Những lời Ngài dạy vừa thâm trầm, vừa tha thiết, đôi khi dịu dàng nhưng cũng có lúc mãnh liệt, tác động sâu xa đến những kẻ hữu duyên đối với Phật pháp.
Và đối với những người con Phật, chúng ta phải nỗ lực thực hành những lời dạy đầy trí tuệ và bi mẫn của Ngài hầu đem lại hạnh phúc cho bản thân, an vui cho mọi loài. Đó sẽ như một bông sen tươi thắm kính dâng lên Đức Phật trong ngày Phật đản.
T.H -  Đăng trên Tuổi Trẻ Phật Việt - Một ấn phẩm của Vườn Tâm