Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông, tác giả bức ảnh 'Vị pháp thiêu thân', đã qua đời ở tuổi 94 vào lúc 19g tối 7-9. Ông là người đã bấm máy ghi lại thời khắc Hòa thượng Thích Quảng Đức làm ngọn đuốc sống gây chấn động năm 1963.
NNA NVT.png
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông

Cách nay hơn nửa thế kỷ, bức ảnh chụp đúng thời khắc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự nguyện làm ngọn đuốc sống vì đạo pháp thiêu thân đã tạo nhiều cảm xúc mạnh mẽ nơi đồng bào trong nước, đồng thời gây chấn động cả chính trường thế giới…

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông, sinh ngày 28-10-1925 tại Hà Nội, đã xúc động hồi tưởng về ngày hôm ấy khi ông còn khỏe mạnh: "Ngay từ buổi chiều hôm trước, tôi biết tin có một sự kiện đặc biệt đang được bí mật chuẩn bị sẽ diễn ra vào hôm sau...".

Sáng 11-6-1963, trời Sài Gòn chỉ vừa hửng nắng, sau lễ cầu siêu các nạn nhân bị thiệt mạng vì đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo tại Bửu Tự Phật đài (đường Cao Thắng), khoảng 300 phật tử bắt đầu cuộc tuần hành hướng về ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là đường Cách mạng tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). 

698625623965887110431544237214515743162368n-1567997648260391820588.jpg
Bức ảnh "Vị pháp thiêu thân" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông

Lúc 9g30, một chiếc xe hơi 4 chỗ hiệu Austin di chuyển rất chậm đỗ xuống. Vị Hòa thượng chậm rãi bước ra cùng với hai đại đức đi kèm. Một nhà sư trải xuống mặt đường tấm đệm, vị kia lấy ra một can xăng 20 lít, Hòa thượng đưa tay vái bốn hướng rồi từ tốn ngồi xếp bằng, tay lần chuỗi tràng hạt trước ngực…

Rồi theo một kịch bản được sắp sẵn tuần tự, chỉ trong ít phút, ngọn đuốc sống bốc lên cháy ngùn ngụt hòa lẫn trong tiếng cầu nguyện và tiếng khóc của hàng trăm phật tử xếp hàng thành vòng tròn nhiều lớp che kín chung quanh…

"Điều đặc biệt làm những người chứng kiến vô cùng kinh ngạc là ngài Hòa thượng hoàn toàn bất động dù ngọn lửa gặp xăng bùng cháy dữ dội. Chứng kiến sự việc, tay tôi run lên, mặt nhòe nước mắt… Về tráng phim cẩn thận, tôi quyết định đặt tên bức ảnh là Vị pháp thiêu thân" - ông Nguyễn Văn Thông cho biết khi còn sống. 

Buổi sáng hôm ấy còn có mặt phóng viên người Mỹ Malcolm Browne - Hãng thông tấn AP, ông Browne đã chụp bức ảnh đầy bi tráng "The Burning Monk" - Nhà sư tự thiêu - và bức ảnh này được đăng trên tạp chí Life.

Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy khi nhìn thấy hình ảnh này đã thốt lên: "Không bức ảnh báo chí nào trong lịch sử lại gây ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như thế". Bức ảnh đã tạo ra những sức ép mâu thuẫn to lớn ngay trong lòng nước Mỹ và mang lại cho nhà báo Malcolm Browne giải thưởng danh giá "Ảnh Báo chí của năm 1963" cùng nhiều giải thưởng giá trị khác.

Riêng tại Việt Nam, mãi đến sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bức ảnh "Vị pháp thiêu thân" mới có cơ hội được chính thức trưng bày ở triển lãm "Chân dung thời đại" tại TP.HCM. Năm 1990, tác phẩm vinh dự được trao Huy chương bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM…

Tang lễ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông được quàn tại địa chỉ số 103, Cư xá Đô Thành, P.4, Q.3., TP.HCM. Lễ động quan sẽ diễn ra vào lúc 7g ngày 12-9.

Lê Xuân Thăng (theo tuoitre.vn)