Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến sự nghiệp, đời sống tình dục, sức khỏe thể chất hay tinh thần của bệnh nhân. Nhưng còn một ảnh hưởng khác thường bị bỏ qua vì nó không trực tiếp tác động lên người mắc trầm cảm. Gia đình, bạn bè, vợ/chồng, con cái, người yêu và những người quan trọng khác trong cuộc sống của người bệnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ chứng trầm cảm của người thân. Họ cũng mang trên mình gánh nặng mà trầm cảm mang lại.

Quá trình trị liệu đa phần chỉ tập trung vào người bệnh nhưng còn những người thân thiết xung quanh họ thì sao? Thành viên trong gia đình hay những người quan trọng khác của bệnh nhân cần làm gì khi người họ yêu thương đang trải qua nỗi đau về tinh thần? Họ có thể giúp đỡ bằng cách nào? Làm thế nào để không lơ là với bản thân nhưng cũng đồng thời chăm sóc cho người thân của họ? Dưới đây là 10 bước nên làm khi người thân yêu của bạn mắc bệnh trầm cảm.

1. Chỉ mình bạn là không đủ. Điều đầu tiên bạn cần nhận thức được nếu thật sự muốn giúp đỡ người thân yêu của mình chính là: một mình bạn không đủ sức. Tình yêu, sự giúp đỡ, ủng hộ và quan tâm mà bạn dành cho họ là vô cùng quan trọng nhưng lại không phải là yếu tố cần thiết duy nhất. Sự thật này tuy khó để chấp nhận nhưng có lẽ cũng là một niềm an ủi. Bạn không thể đáp ứng đủ cho họ bởi vì bạn không cần phải làm vậy. Quá trình phục hồi của người thân không thể phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Có câu nói “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ" và, một người trầm cảm cũng cần sự giúp đỡ của cả một ngôi làng để hồi phục.

Hãy tìm nhiều nguồn giúp đỡ khác cho người thân yêu để bạn không phải là chiếc phao cứu sinh duy nhất. Nguồn giúp đỡ có thể đến từ bất cứ ai: cộng đồng tín ngưỡng, các câu lạc bộ, hội những game thủ online, forum về trầm cảm, bạn bè, gia đình, nhóm trị liệu hay các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần cũng như tâm lý. Bạn, đồng thời, cũng cần một nguồn hỗ trợ. Đừng quên mất rằng bản thân bạn cũng cần đến sự trợ giúp trong quá trình hỗ trợ người thân yêu chiến đấu với trầm cảm.

2. Trầm cảm không định nghĩa nên người thân yêu của bạn. Trầm cảm có thể khiến một người thay đổi tính cách nhưng sự thay đổi này là tạm thời. Hãy nghĩ đến trầm cảm như việc vặn nhỏ âm thanh của một chiếc loa. Nó vẫn phát đúng bài hát đó nhưng với âm lượng rất nhỏ. Rất nhiều người đang hồi phục từ hố sâu trầm cảm từng ngày và lấy lại được năng lượng, động lực và quan trọng hơn cả, tính cách thật sự của họ. Người mà bạn từng biết vẫn luôn ở đó thôi.

3. Đừng quên chăm sóc bản thân. Chăm sóc hay sống cùng với người mắc bệnh trầm cảm có thể khiến tinh thần bạn mệt mỏi. Không có gì là ích kỷ khi bạn dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình một chút. Có một khoảng cách tinh thần nhất định bạn cần giữ để tâm lý chính mình và người thân yêu được ổn định. Can thiệp quá sâu đến bệnh lý của họ không phải lúc nào cũng tốt. Hơn nữa, bạn đang gián tiếp hướng dẫn người thân yêu cách chăm sóc cho bản thân họ khi bạn làm vậy với chính mình.

4. Hãy kiên nhẫn. Phụ thuộc vào loại trầm cảm nào mà người thân yêu bạn đang mắc phải, quá trình hồi phục sẽ mất rất nhiều thời gian. Luôn nhớ rằng quá trình trị liệu sẽ bao gồm việc thử và thất bại. Họ có thể sẽ cố gắng vượt qua căn bệnh này và không thành công trong vài lần bởi trầm cảm khiến người bệnh mất đi động lực chữa trị.

Đừng so sánh người thân bạn với một người mắc bệnh tâm lý đang có mong muốn được chữa trị và thay đổi. Bởi vì thiếu đi động lực muốn thay đổi, trầm cảm sẽ cần một khoảng thời gian dài để chữa lành. Do đó, hãy kiên nhẫn với người thân của bạn cũng như với quá trình điều trị. Nếu họ đang uống thuốc, tham gia các buổi tham vấn tâm lý hay gia nhập một nhóm hỗ trợ, hãy cho những phương pháp trị liệu này thời gian để phát huy tác dụng.

5. Duy trì một thời gian biểu ổn định và đều đặn. Trầm cảm khiến nhịp sống của người bệnh chững lại. Giống như phải nhai mãi một thìa rỉ đường, nó khiến cuộc sống trở nên chậm chạp và đầy mệt nhọc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người thân yêu của bạn mà còn ảnh hưởng chính bạn. Chấp nhận nhưng hãy hành động từng bước để nó không thể lấn át cuộc sống của bạn.

Bạn vẫn có thể theo đuổi ước mơ, mục tiêu và tham vọng trong khi dành thời gian ở bên người thân yêu của mình. Thực chất, khi cuộc sống của bạn được xây dựng trên nền tảng của sự quy củ, thói quen và những hành động nằm trong tầm kiểm soát, một môi trường ổn định sẽ được thiết lập và sự ổn định là điều người thân bạn cần khi họ cảm thấy tâm trạng chùng xuống.

6. Để ý những triệu chứng gián tiếp. Kể từ khi người thân được chẩn đoán hoặc bắt đầu có dấu hiệu của trầm cảm, bạn có phát hiện bản thân mình có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây không:

  • Cảm thấy buồn bã, muốn khóc, trống rỗng hoặc tuyệt vọng
  • Dễ nổi giận, cáu gắt hoặc khó chịu đối với cả những việc nhỏ nhặt
  • Mất hứng thú hay niềm vui với hầu hết những hoạt động thường nhật như tình dục, sở thích hay các môn thể thao
  • Rối loạn trong giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng đến mức cần phải bỏ nhiều sức cho những việc vặt
  • Thay đổi trong khẩu vị như giảm khẩu vị và sụt cân hoặc thèm ăn và tăng cân
  • Lo âu, bứt rứt hoặc bồn chồn không dứt
  • Suy nghĩ, giao tiếp hoặc cử động chậm hơn
  • Cảm thấy vô dụng hoặc có lỗi, ám ảnh bởi những thất bại trong quá khứ hoặc đổ lỗi cho bản thân những việc không thuộc trách nhiệm của mình
  • Gặp khó khăn trong việc tư duy, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ
  • Thường xuyên nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự sát hoặc nỗ lực tự tử.
  • Những triệu chứng về cơ thể như đau lưng, đau đầu không rõ nguyên do.

Nếu bạn đang trải qua một trong những triệu chứng kể trên, hãy lưu tâm. Người chăm sóc có thể trải qua những tác động gián tiếp của trầm cảm. Đây là một mặt trái của sự đồng cảm. Chúng ta gắn bó chặt chẽ với người thân yêu của mình nên khi họ mắc chứng trầm cảm, ta phần nào có thể cảm nhận được những cảm xúc của họ.

Và nếu bản thân ta cũng chìm vào vực sâu trầm cảm thì làm sao có hỗ trợ người thân hay chính mình được nữa?

Hãy đảm bảo rằng bạn vẫn thường xuyên chăm sóc bản thân và chú ý những triệu chứng của trầm cảm. Bên cạnh đó, luôn dành thời gian cho bản thân để nạp lại năng lượng. Bạn có thể cũng sẽ cần đến sự trợ giúp của nhà tham vấn tâm lý.

7. Hợp tác với những chuyên gia về sức khoẻ tâm thần. Các nhà chuyên môn về tâm thần, tâm lý được đào tạo về những phương pháp trị liệu dựa trên y học thực chứng có thể giúp đỡ những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn về tinh thần như trầm cảm. Bên cạnh đó còn có các chuyên viên tham vấn tâm lý có chuyên môn đối với bệnh trầm cảm cũng như với việc điều trị rối loạn này.

Ngoài việc tham gia các buổi tham vấn, uống thuốc kê đơn và để các bác sĩ tâm thần theo dõi cũng là phương pháp điều trị hiệu quả. Các tham vấn viên cũng thường tổ chức các buổi tham vấn tâm lý theo nhóm cho bệnh nhân trầm cảm. Những cách điều trị này đạt hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với nhau.

8. Trang bị kiến thức. Tìm hiểu nhiều nhất có thể về bản chất của trầm cảm sẽ giúp ích cho chính bạn và người thân yêu. Bạn có thể đọc, học hỏi và nghiên cứu về nguyên nhân của trầm cảm, triệu chứng và phương pháp điều trị. Một số nguyên nhân có thể kể đến: 

  • Những sự kiện kích hoạt căng thẳng như cái chết của người thân, thất nghiệp, sang chấn tâm lý thuở ấu thơ, ly hôn hoặc bạo hành gia đình.
  • Một căn bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch hay ung thư.
  • Bố mẹ, anh chị em hoặc thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh trầm cảm.
  • Lạm dụng chất kích thích/ rượu bia.

Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn, với tư cách là một thành viên gia đình hay một người quan trọng, giúp đỡ cho người thân yêu của mình. Họ có thể mắc bệnh trầm cảm do các căn bệnh nan y như suy tuyến giáp. Trong trường hợp này, họ cần tiếp nhận điều trị từ bác sĩ. Nếu họ bị trầm cảm do chất gây nghiện, có thể sẽ cần điều trị tại bệnh viện theo hình thức nội trú hoặc ngoại trú. Nếu nguyên nhân do căng thẳng quá độ, họ cần gặp tham vấn viên để xây dựng chiến lược kiểm soát căng thẳng hiệu quả hơn. Xác định nguyên do của bệnh lý có thể sẽ hữu dụng cho quá trình điều trị.

9. Thay đổi kỳ vọng của bạn. Cần chấp nhận rằng người thân bạn có thể sẽ không còn những mục tiêu, khát vọng, nghị lực và đam mê mà họ từng có trước khi bị trầm cảm. Bạn cần thay đổi kỳ vọng của bản thân. Bạn không còn có thể dựa vào họ như bạn đã từng. Sự ủng hộ, tình yêu thương và chăm sóc mà bạn từng nhận được từ họ sẽ không còn sẵn có như trước kia. 

Trầm cảm khiến con người giảm trí nhớ, khó tập trung và mất năng lượng. Nếu bạn nhờ họ mua chút đồ, họ có thể trở về mà quên mất một số thứ bạn đã yêu cầu. Trong giao tiếp xã hội, họ cũng có thể không còn nhiệt huyết nữa. Đó không phải lỗi của họ, vậy nên đừng trách móc người thân yêu của mình.

10. Giữ niềm hy vọng. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chính bạn cũng đánh mất niềm hy vọng. Trong giai đoạn này, người thân yêu đang cần bạn hơn bao giờ hết. Họ có thể tuyệt vọng nhưng họ có thể dựa vào niềm tin và hy vọng của bạn. Khả năng phục hồi là hoàn toàn có thể, những trường hợp như vậy vẫn diễn ra hàng ngày. Cần rất nhiều nỗ lực, sự kiên trì, những lần thử và thất bại, các buổi trị liệu và sự ủng hộ, nhưng việc khỏi bệnh là có khả năng. Con đường này có thể đôi lúc mập mờ nhưng hãy vững tin vào cả quá trình.

10 gợi ý trên được viết ra với mong muốn trang bị thêm cho bạn kiến thức, hiểu biết và sự thấu hiểu về người thân yêu của mình. Trầm cảm đôi lúc khiến bạn cảm thấy như người bạn yêu thương đã bị cướp đi nhưng không hề. Chỉ là, bạn cần đón nhận, chứng trầm cảm và tất cả những điều đi kèm nó. Quá trình phục hồi không phải một cuộc chạy đua nước rút, nó là một hành trình chạy đường dài. Vậy nên hãy chuẩn bị thật kĩ càng và làm tốt nhất có thể trên cuộc đua marathon này.

Dịch: Tori

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn: https://www.psychologytoday.com Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”.