Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỆ PHÁI KHẤT SĨ

THƯ GỞI THĂM CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI 
Nhân Đại lễ Tưởng niệm 65 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 – 2019)

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang,
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,
Kính thưa chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì,
Kính thưa đại chúng,

Nhân dịp Đại lễ Tưởng niệm 65 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, con trò thay lời chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái gởi lời chúc lành đến toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái. Cầu chúc chư Tôn đức sức khỏe dồi dào, đạo thọ tăng long, góp phần vận chuyển bánh xe Pháp của đức Thế Tôn và hoằng truyền pháp yếu “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mà đức Tổ sư một đời lập nguyện và hành trì.

Thưa đại chúng,

Đã 65 năm đức Tổ sư vắng bóng, 65 năm mùa mai vàng rơi rụng, các bậc Tôn trưởng của thế hệ trước và chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái hiện nay đều trông ngóng đức Tổ sư trở về, để một lần nữa được nương tựa bậc Thầy hiền trên lộ trình giác ngộ. Thế nhưng, bao độ thu sang lá vàng rơi rụng, bao mùa xuân sang mai vàng nở rồi tàn, hình bóng Ngài vẫn biệt vô âm tín. Chúng ta, hàng con trò đệ tử, một lòng thương nhớ, tôn kính Tổ sư, chỉ thầm tự nhủ, giữ gìn đạo hạnh, tinh tấn tu hành, hoằng truyền Phật pháp. Tuy vậy, thời duyên hội nhập phát triển văn minh của xã hội có thể đã chi phối, khiến thế hệ tân học chúng ta bị xao lãng đường tu, mất gốc quên nguồn, như Tổ đã từng nhắc, cây mít thơm tho ngày xưa bây giờ bị lai với cây sa-kê, da tuy trơn láng, nhưng múi không còn thơm ngọt như vốn nó là. (Chơn lý “Chánh pháp”).

Ý thức được điều đó, trong khoảng 15 năm trở lại, chư Tôn đức Giáo phẩm mỗi năm mở một khóa BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ cho chư vị trụ trì các tịnh xá có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp và quản lý, nhằm vừa giữ được tông phong, vừa phù hợp với thời đại, một xã hội năng động và công nghiệp hóa hiện đại. Từ năm 1980 trở đi, khóa AN CƯ KIẾT HẠ được bắt đầu tổ chức hàng năm ở Tịnh xá Trung Tâm, Pháp viện Minh Đăng Quang, Tổ đình Minh Đăng Quang hoặc các địa điểm thuộc Ni giới như Tịnh xá Ngọc Phương, Tịnh xá Ngọc Phú, Tịnh xá Ngọc Điểm, Tịnh xá Ngọc Trung… đều nhằm củng cố đường lối và tinh thần lục hòa cộng trụ, tinh thần “Nên tập sống chung tu học” của Tăng đoàn. Các khóa tu TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ dành cho các vị Tỳ-kheo, cũng được mở ra từ năm 2010, nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm hành trì Giới Định Huệ, để mỗi vị Tăng Ni nắm vững pháp hành trên con đường hướng đến giải thoát, giác ngộ. Khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH dành cho Sa-di/ Sa-di-ni và tập sự của Hệ phái cũng chính thức vận hành vào năm 2014, mục đích tạo nền tảng vững chắc cho các vị mới xuất gia, thắp sáng lý tưởng mà một vị Khất sĩ, Sa-môn định hướng tu tập.

Ngày nay, chư Tăng Ni trẻ, mới xuất gia đều có duyên phước đến học các trường Phật học do Giáo hội đào tạo một cách bài bản, từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Học viện và du học ở các trường Phật học trên thế giới. Theo thống kê hiện nay, Hệ phái có trên 60 vị Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học, hàng trăm vị Cử nhân Phật học, Cao cấp Giảng sư; đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu trụ trì và hoằng pháp của Giáo hội đặt ra. Việc kiến tạo tịnh xá không ngừng, hiện nay, Hệ phái Khất sĩ có gần 600 ngôi tịnh xá; tuy nhiên số lượng chư Tăng Ni Khất sĩ không tăng lên đáng kể. Tổng cộng chư Tăng Ni trong sáu Giáo đoàn Tăng và Ni giới Hệ phái Khất sĩ có khoảng 3.200 vị. Một con số rất khiêm tốn so với tổng số Tăng Ni của Giáo hội là trên 50 ngàn.

Nhớ khi xưa, đức Tổ sư một mình một bóng lập đạo, các đệ tử nương thầy học đạo, trong vòng 8 năm, số lượng có 100 Tăng Ni. Đến khi Ngài vắng bóng, các đức Thầy lập đạo miền Trung, mở thêm mối đạo, báo đáp ân đức của Tổ, số lượng Tăng Ni mỗi ngày một thêm phát triển. Tuy vậy, số lượng thời ấy cũng không đông, chỉ vài trăm, nhưng chư Tăng Ni thuần tịnh, phẩm cách đạo phong, giới hạnh tinh nghiêm, làm chỗ cho bá tánh nương tựa, phát Bồ-đề tâm hiến đất xây dựng tịnh xá đạo tràng, một lòng hộ đạo, “hễ thấy Tăng là thấy Phật”. Ngẫm lại, chúng ta thật một lòng kính ngưỡng, đảnh lễ quý Ngài.

Ngày nay, chúng ta là hàng hậu bối, được duyên học Pháp, Nam tông Bắc phái đều có cơ hội tiếp cận. Học hỏi nghiên tầm là duyên phước, chỉ còn điều là hành trì có nghiêm mật hay không, tư duy có thấu đáo nghĩa lý hay không, để rồi có thể một lòng hạ thủ công phu đạt ngộ, giác ngộ và chứng đắc Chơn lý, không phụ chí nguyện của mình đối với Tam bảo, Tổ Thầy.

Nhân Đại lễ Tưởng niệm 65 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, nhân danh Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, con trò tha thiết kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, đặc biệt là các vị Giáo phẩm Hệ phái, nghĩ đến sứ mạng thiêng liêng của Tổ Thầy giao phó, hết lòng phụng đạo, nêu cao ngọn đuốc tuệ Minh Đăng Quang, hành trì lời Phật, lời Tổ, làm gương cho đoàn hậu học. Xin tạm nêu mười điều sau đây, kính mong chư Tôn đức hoan hỷ lưu tâm:

Điều 1: Gắn bó, đoàn kết trong Giáo đoàn. Hãy sống một đời sống Tăng-già, lục hòa cộng trụ đúng nghĩa. Mỗi năm về lại nơi Trụ sở của Giáo đoàn trong các dịp Lễ Tổ, Tự Tứ hoặc trong dịp Lễ Tưởng niệm quý Đức Thầy để kiểm thảo, sám hối, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong Giáo đoàn, làm tròn bổn phận của một vị Tăng/ Ni đúng theo tinh thần của Tổ sư giáo huấn: “Phép Tăng chẳng lìa đoàn”, “Nên tập sống chung tu học/ Cái sống là đang sống chung/ Cái biết là đang học chung/ Cái linh là đang tu chung (Chơn lý “Hòa bình”).

Điều 2: Tham gia các Phật sự của Giáo đoàn, Hệ phái giao phó. Mỗi Giáo đoàn là một bộ phận lớn làm nên thân thể của Hệ phái. Vì vậy, hàng năm, Hệ phái tổ chức khóa BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ, hoặc 5 năm tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư, các sự kiện Phật sự chung của Hệ phái hoặc Giáo đoàn, khi được sự phân công của Hệ phái hoặc Giáo đoàn, chư Tăng/ Ni nên tích cực, thể hiện sự hoan hỷ vâng thuận, cố gắng thực hiện, tích cực tham gia để học hỏi và trau dồi trí đức.

Điều 3: Tham dự khóa tu TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ. Khóa tu chú trọng việc thực tập, bồi dưỡng về pháp hành, tạo duyên thù thắng nhất cho các vị xuất gia hành trì giáo pháp. Cả đời đôi khi chúng ta vì xây dựng tịnh xá, vì xây dựng các mối quan hệ để tịnh xá được an ổn, nên không còn thời gian để hành trì giáo pháp. Do đó, khóa tu này rất hữu ích để chúng ta “tấn đạo nghiêm thân”, nếm được hương vị của Pháp hành, nhận được sự chia sẻ về Pháp học của nhiều Tôn đức có đức trí, đúng theo lời dạy của Tổ sư: Giữ thân trong sạch ấy là xứ Phật/ Giữ miệng trong sạch ấy là Pháp Phật/ Giữ ý trong sạch ấy là con Phật/ Giữ tâm trong sạch ấy là đức Phật (Chơn lý “Tu và nghiệp”).

Điều 4: Thâu nhận và giáo dưỡng đệ tử. Đối với người xuất gia, thâu nhận và giáo dưỡng đệ tử để tiếp tục truyền đăng, góp phần làm cho mạng mạch Phật pháp được truyền lưu là sứ mạng vô cùng thiêng liêng. Do đó, mỗi vị trụ trì nên tích cực nuôi dạy đệ tử. Hãy xem đó là sứ mạng thiêng liêng để Phật pháp được cửu trụ ta-bà, rộng truyền Phật pháp. Ngày nay, nhiều vị vì việc xây dựng cơ sở mới và để đối ngoại cho tốt, nên không còn đủ thời gian cho Tăng/ Ni chúng học Pháp và hành trì Pháp. Từ đó, các đệ tử dễ dàng thối tâm Bồ-đề và lãng xao chí nguyện ban đầu xuất gia.

Điều 5: Hãy sử dụng thời gian vào mục đích tối thượng. Đời người qua mau, thấp thoáng là đến già, bệnh rồi chết. Thời gian chẳng đợi chờ ai. Quỷ vô thường có thể đến bất kỳ lúc nào, ấy thế mà có một số vị ngày nay, vui thú như người thế gian, đam mê đủ thứ, nào gỗ quý, đá quý, chim cảnh, cá kiểng, chó kiểng, kỳ hoa dị thảo… mà xao lãng đường tu. Do đó, rất mong chư Tôn đức Tăng Ni dành thời gian để nghiên tầm giáo điển, siêng tu định tuệ để giác ngộ Chơn lý và chứng đạt Chơn lý, sau đó còn công bố Chơn lý, hiến tặng cho nhân sinh những tri thức và trải nghiệm của chính mình, sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa.

Điều 6: Kiến trúc của Hệ phái. Đối với việc xây dựng tịnh xá, tuy chỉ là phần phụ, vì chỉ là duy trì cơ sở vật chất của Thường trụ Tam bảo, nhưng cũng nên theo quy cách và chuẩn mực của truyền thống, để giữ nét đẹp văn hóa chung mà đức Tổ đã dày công dựng lập. Mô hình kiến trúc tịnh xá nên theo truyền thống bát giác, tức tiêu biểu cho Bát Chánh đạo.Đây là một kiến trúc độc đáo do chính Tổ sư sáng tạo mà chúng ta cần bảo tồn để tôn vinh nét đẹp văn hóa Phật giáo Khất sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Điều 7: Thờ phượng đúng cách. Thờ phượng chỉ là phương tiện để tâm phát sanh quy ngưỡng, cung kính mà học hỏi theo gương hạnh của quý Ngài, nên chúng ta không nên thờ quá nhiều các vị Bồ-tát mà lại thiếu hình hoặc tượng Phật Bổn Sư. Như vậy, vô hình trung, chúng ta biến Phật giáo thành Đa thần giáo, vừa đi lệch tôn chỉ của đức Phật, mà cũng lệch với phương thức thờ phượng của Tổ sư. Nên thờ đức Phật Bổn Sư trong ngôi bảo tháp truyền thống như Tổ sư đã thiết kế.

Điều 8: Thọ dụng tứ sự. Ngày nay thời đại văn minh vật chất, nhiều Phật tử phát tâm lành ủng hộ y phục, thuốc men… rất phóng khoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người xuất gia tu học. Đó là điều tốt đẹp nơi người Phật tử, nhưng cũng là điều quan tâm của bậc Xuất trần thượng sĩ. Hãy thọ dụng tứ sự đúng theo tinh thần “thiểu dục tri túc”,  đủ để duy trì sự sống và tu tập, trên đền báo bốn ân, dưới cứu khổ ba đường.

Điều 9: Tiểu thực buổi chiều. Tổ đã dạy: Xem món ăn ấy như món thuốc mà thôi”. Do đó, người Khất sĩ nên thọ dụng như thế nào để duy trì sức khỏe, để tu hành, và cũng để làm tăng trưởng niềm tin nơi người Phật tử.

Điều 10: Xả ly vật chất và quyến thuộc thế gian.  Hãy thực tập đời sống ly xả của một vị Khất sĩ, Sa-môn tối đa nhất. Đã một khi đi xuất gia, người Khất sĩ hãy xem tịnh xá, tiền bạc, tứ đại… là vật ngoài thân, quan hệ gia đình thế gian đã hết. Các ngôi tịnh xá là nơi Thường trụ Tam bảo, là chỗ ở của mười phương Tăng, là nơi cư gia đến quy ngưỡng học đạo, không phải là nhà riêng của mình, không nên chỉ nuôi những người thân quen trong gia đình mình trong tịnh xá (trừ trường hợp đặc biệt).

Trên đây là 10 điều mà chư Tăng Ni Hệ phái cần quan tâm hàng đầu hiện nay, Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái xin nêu ra để chia sẻ đến chư Tôn đức Tăng Ni các miền tịnh xá. Vì sự hưng thịnh của Phật pháp, vì sự phát triển bền vững của Hệ phái, Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái rất mong chư Tôn đức Tăng Ni lưu tâm.

Thay lời chư Tôn đức Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, trân trọng kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni, một mùa Đạo sử trang nghiêm, Pháp hỷ sung mãn, tinh tấn trên con đường tu tập, phụng sự nhân sinh và thắp sáng lý tưởng giác ngộ, giải thoát.

Pháp viện Minh Đăng Quang, 28 tháng Giêng năm Kỷ Hợi – 2019

TM. THƯỜNG TRỰC GIÁO PHẨM HỆ PHÁI

TRƯỞNG BAN

(đã ký và đóng dấu)

Hòa thượng GIÁC TOÀN