Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nhìn chung, 35 năm qua, sinh hoạt nội bộ Giáo đoàn V ổn định, phát triển hài hòa cùng các Giáo đoàn Tăng Ni trong Hệ phái. Chư Tôn đức Giáo phẩm và Tăng đoàn hòa hợp, đoàn kết, cùng nhau chung lo Phật sự, đưa Giáo đoàn từng bước ổn định và phát triển.

Kính bạch chư Tôn đức,

Chặng đường 35 năm tuy không dài nhưng những diễn biến đổi thay, những thành tựu Phật sự trong xu thế phát triển đồng hành cùng Hệ phái, Giáo hội của các tịnh xá trong Giáo đoàn V nói riêng, các Giáo đoàn nói chung quả thật khó có thể thống kê đầy đủ trong bản báo cáo tóm tắt. Chúng con xin lược ghi một số mặt hoạt động của Giáo đoàn như Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử và Từ thiện xã hội như sau.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Nhìn chung, 35 năm qua, sinh hoạt nội bộ Giáo đoàn V ổn định, phát triển hài hòa cùng các Giáo đoàn Tăng Ni trong Hệ phái. Chư Tôn đức Giáo phẩm và Tăng đoàn hòa hợp, đoàn kết, cùng nhau chung lo Phật sự, đưa Giáo đoàn từng bước ổn định và phát triển. Những năm đầu sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, một số chư Tăng không vững tinh thần nên đã từ bỏ nếp sống tu hành, một số tịnh xá do chiến tranh tàn phá, thiếu Tăng trụ xứ nên cũng ngưng hoạt động, những tịnh xá còn lại thu mình trong nội viện sống nếp sống lao động sản xuất để tu hành. Mãi đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hệ phái Khất sĩ nói chung, Giáo đoàn V nói riêng từng bước ổn định, dần dần phát triển khắp các mặt sinh hoạt. Tăng chúng xuất gia trở lại càng ngày càng đông, cơ sở vật chất của các tịnh xá cũng đã và đang chỉnh trang lại khang trang tốt đẹp hơn. Những tịnh xá trước đây đã có, nhưng vì một lý do nào đó bị gián đoạn sinh hoạt nay được phuc hồi, những tịnh xá chưa được trùng tu cũng đã khởi công trùng tu. Chư Tăng trẻ đều được theo học các trường đào tạo của Giáo hội, các đạo tràng tu học cho Phật tử cũng được chú trọng về mặt chất lượng tu học và phát triển về số lượng. Công tác từ thiện xã hội được chư Tăng và Phật tử các tịnh xá quan tâm nhiều hơn.

35 hp 9

II. TÌNH HÌNH CỤ THỂ

1. Tăng sự

Để dễ dàng nhận ra những diễn biến qua các thời kỳ, Giáo đoàn V tạm chia ra 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Từ năm 1961 đến 1973

Đây là giai đoạn đầu thành lập Giáo đoàn, đức Trưởng lão Giác Lý vừa là Thầy Bổn sư vừa trực tiếp lãnh đạo Tăng đoàn trong cương vị Trưởng đoàn, nên việc điều hành mọi Phật sự đều dễ dàng và phát triển cực nhanh. Từ ngày thành lập Giáo đoàn với 5 - 7 thầy trò, nhưng sau 10 năm tổng số chư Tăng lên đến gần 100 vị, thành lập gần 30 ngôi tịnh xá.

Giai đoạn 2: Từ năm 1974 đến năm 1984

Đây là giai đoạn u trầm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển Giáo đoàn. Năm 1973, đức Trưởng lão Trưởng Giáo đoàn viên tịch, Tăng chúng mất đi bậc Thầy tôn kính, sự phát triển chậm lại và dần dần đi xuống, một phần cũng vì trước đây trong chiến tranh một số cơ sở tịnh xá thuộc các tỉnh Bình Long, Phước Long… bị tàn phá hoàn toàn. Một số tịnh xá khác vì lý do khách quan hoặc thiếu Tăng trụ xứ nên không còn sinh hoạt được nữa. Sau năm 1975, một số Tăng chúng có người hoàn tục hoặc chuyển hệ phái, có người tách ra sinh hoạt riêng hoặc viên tịch nên khiến Tăng đoàn từ gần 100 vị giảm xuống còn hơn 50 vị, tịnh xá chỉ còn 20 ngôi.

Giai đoạn 3: Từ năm 1985 đến nay

Đây là giai đoạn phục hưng và phát triển. Sau những năm khắc phục hậu quả chiến tranh, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, cũng là vận hội cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển, Hệ phái Khất sĩ sinh hoạt trong lòng Giáo hội cũng từng bước đổi mới, phát triển theo đà phát triển của Giáo hội. Từ đó Giáo đoàn V dần dần phục hồi trở lại các sinh hoạt Phật sự, phát triển Tăng đoàn, thâu nhận người xuất gia, phục hồi những tịnh xá trước đây đã mất, tạo lập cơ sở tịnh xá mới theo nhu cầu của các địa phương.

Tổng số chư Tăng trong Giáo đoàn hiện nay là: 155 vị (Tỳ-kheo: 88 vị; Sa-di: 47 vị, Tập sự: 20 vị). Giáo phẩm trong đoàn: Hòa thượng: 12 vị, Thượng tọa: 05 vị.

Chư Tôn đức hiện đang phục vụ trong GHPGVN:

1. Hòa thượng Giác Cầu: Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Hòa thượng Giác Hà: Phó ban Từ thiện Xã hội TW, Phó BTS GHPGVN TP. Hồ Chí Minh.

3. Hòa thượng Giác Tùng: Phó BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiêm Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Vũng Tàu.

4. Hòa thượng Giác Minh: Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre.

5. Hòa thượng Giác Pháp: Ủy viên DK HĐTS GHPGVN, Phó ban Nghi lễ TW, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó Thư ký Ban Tăng sự TW; Ủy viên đặc trách Hệ phái Khất sĩ Ban Tăng sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh; Phó đoàn Giảng sư Ban Hoằng pháp PG TP.HCM.

6. Hòa thượng Giác Ánh: Trưởng ban Văn hóa kiêm Phó ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

7. Hòa thượng Giác Nhân: Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Phó ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó BTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang.

8. Hòa thượng Giác Cảnh: Trưởng ban Kiểm soát BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Phó BTS GHPGVN TP. Đà Lạt.

9. Hòa thượng Giác Trí: Chứng minh BTS GHPGVN huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

10. Đại đức Giác Phương: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

11. Đại đức Giác Nhẫn: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam.

12. Quý Đại đức trụ trì các tịnh xá hầu hết đều tham gia các Ban Trị sự Phật Giáo quận, huyện, thị xã với chức vụ Phó ban hoặc thành viên BTS như: Đại đức Giác Hạnh, Đại đức Giác Đăng, Đại đức Giác Tấn, Đại đức Giác Duyên, Đại đức Minh Hiển, Đại đức Minh Quý v.v...

Cơ sở vật chất :

Hiện tại trong giáo đoàn có tất cả 33 cơ sở tịnh xá, tịnh thất, trong đó 28 cơ sở hoạt động ổn định, 2 cơ sở chưa được công nhận chính thức, đang trong quá trình xin phép hoạt động, 1 cơ sở mới tạo chưa có bảng hiệu tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Tất cả các cơ sở tịnh xá hoạt động ổn định, đã được xây cất mới hoặc trùng tu khang trang tốt đẹp.

2. GIÁO DỤC

Tăng sinh:

Đã tốt nghiệp:

Thạc sĩ: Đại đức Giác Nhẫn, Đại đức Minh Đẳng.

Cử nhân Phật học: Tỳ-kheo Minh Khiết, Tỳ-kheo Minh Thủy, Tỳ-kheo Minh Tính, Tỳ-kheo Minh Giáo, Tỳ-kheo Minh Hiền.

Cao đẳng Phật học: Đại đức Giác Hạnh, Đại đức Giác Đăng, Đại đức Giác Tấn.

Đang du học: 2 vị

- Đại đức Minh Đẳng – Tốt nghiệp Thạc sĩ, đang học Tiến sĩ tại Ấn Độ.

- Tỳ-kheo Minh Khánh – Tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang học Thạc sĩ tại Thái Lan.

Đang ở tại Mỹ: 3 vị

- Đại đức Giác Tri – Tốt nghiệp Cử nhân Phật học.

- Đại đức Minh Hạnh – Tốt nghiệp Cao cấp Giảng sư.

- Tỳ-kheo Minh Tính – Tốt nghiệp Cử nhân Phật học.

Đang học tại Học viện PG VN tại TP. Hồ Chí Minh: 5 vị

Khóa X: Tỳ-kheo Minh Nguyên & Tỳ-kheo Minh Mỹ: Tịnh xá Ngọc Cẩm – Hội An.

Khóa XI:

Tỳ-kheo Minh Báu – trú xứ Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6.

Tỳ-kheo Minh Dũng – trụ trì chùa Thanh Quang, Bến Tre.

Tỳ-kheo Minh Phú – trú xứ Tịnh xá Trung Tâm , Quận 6.

Tốt nghiệp Cao đẳng: 4 vị

Tỳ-kheo Minh Triết – trú xứ Tịnh xá Ngọc Thạnh, BR-VT.

Tỳ-kheo Minh Trì – trú xứ Tịnh xá Ngọc Thạnh, BR-VT.

Tỳ-kheo Minh Báu – trú xứ Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6.

Tỳ-kheo Minh Khiết – trú xứ Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6.

Đang học Cơ bản Phật học: 6 vị

Tỳ-kheo Minh Phú – trú xứ Tịnh xá Ngọc Xuân, Long Khánh.

Tỳ-kheo Minh Tịnh – trú xứ Tịnh xá Ngọc Thạnh, BR-VT.

Tỳ-kheo Minh Mạnh - trú xứ Tịnh xá Ngọc Thạnh, BR-VT.

Tỳ-kheo Minh Nghiêm – trú xứ Tịnh xá Ngọc Thạnh, BR-VT.

Tỳ-kheo Minh Phước – trú xứ Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6.

Đang học Cao học ngành Triết học 1 vị:

Tỳ-kheo Minh Mẫn - trú xứ Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6.

3. HOẰNG PHÁP

Hoằng pháp là nhiệm vụ thiêng liêng của người xuất gia, do đó Giáo đoàn rất quan tâm đến vấn đề này. Mỗi tịnh xá trong Giáo đoàn đều tổ chức thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử thường xuyên vào các ngày cúng Hội, thọ Bát Quan trai, các lớp giáo lý và các khóa tu dành cho cư sĩ Phật tử.

Chư Tôn đức trong Giáo đoàn tham gia hoạt động Hoằng pháp của Giáo hội như:

1- Hòa thượng Giác Pháp: Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó đoàn Giảng sư Ban Hoằng pháp TP. Hồ Chí Minh, Giảng sư Ban Giảng huấn các trường Hạ tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 1987 đến nay.

2- Hòa thượng Giác Nhân: Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Tiền Giang.

3- Hòa thượng Giác Ánh: Phó ban Hoằng pháp tỉnh Vĩnh Long.

4- Quý Đại đức: Giác Hạnh, Giác Đăng, Giác Nhẫn, Giác Tấn, v.v... đều là Ủy viên Ban Hoằng pháp các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Nam v.v...

4. HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ

Công tác hướng dẫn Phật tử tại các tịnh xá trong giáo đoàn hiện nay hầu hết đều ổn định, Phật tử về cúng Hội 2 ngày hoặc 4 ngày, các đạo tràng tu Bát Quan trai, các lớp Giáo lý từng bước phát triển tốt đẹp.

Tịnh xá Ngọc Thạnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên mỗi tháng tổ chức cho các Phật tử 1 ngày niệm Phật, số lượng Phật tử tham gia trên 200 vị.

Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6: Đạo tràng Bát Quan trai mỗi tháng 2 lần, số lượng Phật tử tham dự trung bình 150 người.

Tịnh xá Ngọc Cẩm: Đạo tràng Bát Quan trai, mỗi tháng 1 lần có trên 200 Phật tử tham dự.

Tịnh xá Ngọc Hiệp: Ngoài 2 ngày cúng Hội, tịnh xá còn có đạo tràng Bát Quan trai mỗi tháng 1 lần, có khoảng 70 Phật tử tham dự; đạo tràng Niệm Phật mỗi tháng 1 lần, khoảng 50 người.

Tịnh xá Ngọc Mỹ: Đạo tràng Bát Quan trai mỗi tháng 1 lần, có khoảng 60 Phật tử tham dự.

Tịnh xá Ngọc Lợi: Lớp học Giáo lý mỗi tháng 1 lần, khoảng 20 Phật tử tham dự; đạo tràng Bát Quan trai mỗi tháng 1 lần, khoảng trên 60 Phật tử.

Tịnh xá Ngọc Tân: Lớp học Giáo lý mỗi tháng 2 lần, khoảng 40 Phật tử tham dự và đạo tràng Bát Quan trai gần 100 Phật tử; đạo tràng Niệm Phật trên 100 Phật tử tham dự.

Tịnh xá Ngọc Thành, Tịnh xá Kỳ Viên: Đạo tràng Bát Quan trai mỗi tháng 1 lần, các Phật tử tham dự trung bình 50 người, v.v...

5. CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI

Mỗi năm ngoài những đợt cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt, ủy lạo đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, các tịnh xá trong Giáo đoàn đều tổ chức phát quà cho đồng bào nghèo tại các địa phương vào dịp lễ Vu lan và tết Nguyên đán hoặc xây nhà tình thương, phát cơm cho bịnh nhân nghèo hằng tuần…

Tịnh xá Trung Tâm (Quận 6) phát quà cho đồng bào nghèo mỗi năm 2 đợt vào ngày lễ Vu lan và Tết Nguyên đán, mỗi đợt khoảng 6 tấn gạo.

Tịnh xá Kỳ Viên phát mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 2 tấn gạo và mì gói, nước tương v.v...

Tịnh xá Ngọc Hiệp phát mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt từ 4 đến 5 tấn gạo và mì gói, nước tương. Phát quà Trung thu cho học sinh 700 phần. Nhân dịp lễ Tự tứ vừa qua, tịnh xá đã phát 450 phần quà cho đồng bào nghèo tại địa phương, trị giá gần 100 triệu đồng vào ngày 14/7 năm Bính Thân.

Tịnh xá Ngọc Lợi phát mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 100 phần quà gồm gạo, nước tương... và mỗi tuần đều nấu cơm cho bệnh nhân nghèo tại TP. Mỹ Tho.

Tịnh xá Ngọc Cẩm phát mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 200 phần quà gồm gạo, nước tương... và mỗi tuần đều nấu cơm cho bệnh nhân nghèo tại TP. Hội An.

Tịnh xá Ngọc Tân, Vĩnh Long phát quà định kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần trên 400 phần quà và thường xuyên cứu trợ đột xuất cho những nơi gặp khó khăn.

Tịnh xá Ngọc Xuân, Long Khánh phát quà cho đồng bào nghèo mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 200 phần quà; mỗi tuần nấu cơm cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện tại Đồng Nai, mỗi lần trên 800 phần ăn.

Các tịnh xá khác trong Giáo đoàn đều có những hoạt động tương tự như vậy.

Mỗi năm các tịnh xá trong Giáo đoàn tham gia công tác từ thiện xã hội tính chung tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

III. KẾT LUẬN

Sau 35 năm sinh hoạt trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ nói chung, Giáo đoàn V nói riêng đã được cơ hội phát triển vững mạnh trong các mặt hoạt động. Các cơ sở vật chất càng ngày càng được mở rộng, xây dựng khang trang, tốt đẹp phục vụ nhu cầu sinh hoạt tu học của Phật tử. Tăng chúng xuất gia càng đông, được đào tạo căn bản về giáo lý và đạo hạnh, đủ khả năng hoằng pháp lợi sanh. Số lượng Phật tử tại gia am hiểu Phật pháp, trở thành những Phật tử thuần thành, hộ trì Tam bảo đắc lực đông hơn. Có thể nói đây là giai đoạn phát triển tốt nhất trong quá trình hình thành và phát triển Giáo đoàn.

TX. Trung Tâm, Q.6, ngày 7/10/2016

TM. BAN TRỊ SỰ GIÁO ĐOÀN

THƯ KÝ GIÁO ĐOÀN

Tỳ-kheo GIÁC PHÁP