Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Chỉ với 1 tờ giấy trắng và 1 yêu cầu đơn giản, người thầy đã chỉ ra cho học trò của mình thấy sai lầm lớn mà anh ta đang mắc phải.

Có một người học trò đi gặp thầy của anh ta. Người thầy hỏi anh ta: "Dạo này con thế nào?" Anh ta nói: "Lòng con luôn vô cùng nặng nề."

Sau đó người học trò bắt đầu kể khổ, kể rằng anh ta không thích thứ gì, không thoải mái với việc gì. Nửa tiếng trôi qua, người thầy không nói lời nào, luôn lắng nghe trong yên lặng.

Đợi tới khi anh ta sắp kể hết, người thầy nói: "Được rồi, đừng nói thêm nữa. Thầy đi ra ngoài một chuyến đã, đợi thầy về rồi chúng ta sẽ nói tiếp." Sau đó ông cầm một tờ giấy trắng, để học trò cầm lấy quỳ trước tượng Phật. Thật ra người thầy này không có việc gì khác mà chỉ đi nghỉ ngơi.

Vậy là người học trò nghe lời cầm tờ giấy trắng mỏng quỳ trước tượng Phật. Mười phút trôi qua, anh ta cảm thấy mình sắp không chịu nổi nữa; hai mươi phút trôi qua, anh ta cảm thất mình rất vất vả; ba mươi phút trôi qua, lúc này anh ta cảm thấy tờ giấy trắng đã không còn là một tờ giấy trắng, mà trở thành hàng ngàn hàng vạn tờ giấy trắng, nặng tựa ngàn cân.

Lúc này người thầy xuất hiện, hiền từ hỏi anh ta: "Con cảm thấy thế nào?"

Anh ta nói: "Thầy ơi, tờ giấy này sao lại nặng như thế? Con sắp ngất mất rồi."

Người thầy nói: "Nếu như nó quá nặng, tại sao con không bỏ nó xuống? Thật ra một tờ giấy rất nhẹ, nhưng nếu như con cứ không chịu bỏ nó xuống, nó sẽ trở nên rất nặng nề."
 

Lời bình

Suy nghĩ của chúng ta tuy vô hình vô dạng, cũng không có trọng lượng, nhưng nếu bạn cứ cố chấp với nó và không biết buông bỏ, nó sẽ giống như tờ giấy kia, trở nên ngày càng nặng nề.

Người học trò cầm tờ giấy là bởi vì người thầy yêu cầu anh ta làm như vậy để cảm nhận, so sánh sự khác biệt, để từ đó ngộ ra đạo lý.

Với chúng ta cũng vậy, chẳng có ai bắt ta phải giữ sự cố chấp, chẳng có ai không cho ta buông bỏ những điều khiến ta khó chịu. Vậy thì tại sao ta lại không buông bỏ để cho bản thân cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhõm hơn?
 

Theo Khánh An (Trí thức trẻ)