Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Biết vô thường, chúng ta sẽ luôn tự nhủ: “À, cuộc đời vốn ngắn ngủi nên ta phải sống thật tốt”. Bởi thứ chúng ta mang đi khi chạm cửa ngõ sinh tử hầu hết là sự tiếc nuối và ân hận.
- Hôm kia có lẽ là một ngày ngập trong nỗi thương đau với lớp tôi. Bởi có một thành viên trong lớp đã vĩnh viễn rời khỏi trần thế này sau bốn năm chống trọi với căn bệnh ung thư quái ác. Khi nhận được tin báo từ lớp tôi thấy rất bàng hoàng. Mặc dù từ trước đến nay tôi luôn nhắc mình phải giữ bình tĩnh trong mọi việc. Tôi thấy mắt mình mờ đi khi đọc những con chữ trên màn hình điện thoại. 
 
“Tôi thấy người khác mất
Bỗng thấy lòng xót xa
Cũng vì người đã mất
Mà nghĩ đến phiên ta”
 
Tôi vẫn luôn đọc và viết các bài về vô thường trong triết lý của đạo Phật rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình của cuộc đời, ai rồi cũng phải trải qua. Nhưng tôi cũng chỉ là viết như vậy, giống như viết lại lý thuyết về một môn học nào đó một cách sáo rỗng. Để rồi đến khi đi vào thực hành mới thấy mình chẳng hiểu gì và thiếu sót quá nhiều thứ.Mới hơn hai mươi tuổi, bạn tôi vẫn còn quá trẻ khi chưa thực hiện đươc những ước mơ và hoài bão của mình. Chính bởi lý do ấy nên lớp tôi mới thấy xót xa và tiếc thương cho bạn. Tiếc cho tuổi thanh xuân còn đang dang dở, cho những dự định của tương lai đang bỏ ngỏ.

Nhưng tôi không giữ trong mình sự buồn đau quá lâu. Tôi lặng người và nghĩ về ý nghĩa một kiếp nhân sinh. Sự ra đi của bạn một lần nữa lại gợi nhắc tôi về vô thường. Chúng ta không biết mình sẽ sống đến bao giờ và sống như thế nào. Chúng ta cứ mải mê lao theo những cám dỗ của cuộc sống trần tục để rồi khi có một người thân bên ta đột ngột ra đi thì ta bỗng giật mình và hoảng sợ vì thấy kiếp người thật mong manh. Chúng ta có thể chết vì một căn bệnh, một vụ tai nạn và vô vàn những lý do để cái chết tìm đến với ta.

Chúng ta đều tính trước được ngày mình sinh ra nhưng hầu như không ai đoán được giờ nào ngày nào ta sẽ chết. Chính vì không thể biết trước nên ta sẽ thấy hoảng sợ và luôn tìm cách né tránh nó. Nếu có ai nói về cái chết ta sẽ bảo người đó ghở mồm, toàn nghĩ về chết chóc. 

Khởi nguồn từ suy nghĩ đó nên nhiều người coi đạo Phật là đạo đi ngược với đời và phủ nhận lý vô thường trong pháp Phật. Nhưng dù bạn có là Phật tử hay không, nếu tìm hiểu bạn sẽ thấy cuộc sống luôn biến đổi, không có gì trường tồn mãi mãi. Và đó là nội dung căn bản của lý vô thường. 

Trước khi Phật ra đời, con chim ăn con sâu.
Khi đức Phật ra đời, con chim tiếp tục ăn con sâu.
Khi đức Phật thành đạo, con chim vẫn ăn con sâu.
Khi đức Phật nhập diệt, con chim vẫn ăn con sâu.

Chúng ta có thể thấy đức Phật không hề thay đổi bất cứ điều gì trên cõi đời này. Những gì thuộc về quy luật của tự nhiên vẫn luôn tiếp diễn bất kể thời gian và không gian. 

Bởi vậy, đạo Phật không hề dạy con người bi quan, luôn nghĩ về những điều tiêu cực. Mà trái lại, Người giúp ta hiểu cặn kẽ nguồn gốc của mọi vật, từ sự biến chuyển của những thứ nhỏ nhất đến những điều vĩ mô nhất.

Hiểu được vô thường, chúng ta sẽ luôn giữ được sự bình tĩnh và an nhiên trước những đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và thản nhiên trước cảnh sinh ly tử biệt.

Biết vô thường, chúng ta sẽ không còn tham đắm vào những thứ vật chất phù du của trần gian nữa. Trong ta lúc này chỉ nuôi dưỡng tâm từ bi và trí tuệ để hiểu thương và trân quý muôn loài. 

Biết vô thường, chúng ta sẽ luôn tự nhủ: “À, cuộc đời vốn ngắn ngủi nên ta phải sống thật tốt”. Bởi thứ chúng ta mang đi khi chạm cửa ngõ sinh tử hầu hết là sự tiếc nuối và ân hận.

Tiếc nuối tuổi trẻ, tiếc nuối tiền tài, tiếc nuối thời gian cùng sự ân hận đến xé lòng. Ân hận vì chưa làm tròn đạo hiếu, ân hận vì vô tình làm tổn thương người khác … Nhiều lắm những thứ khiến chúng ta tiếc nuối và ân hận mà không thanh thản ra đi. Sự đớn đau, dằn vặt cứ quằn quại trong lòng khiến ta không tìm được lối thoát.

Bởi vậy, muốn không còn sự tiếc nuối và ân hận thì chỉ có một cách. Đó là chúng ta phải tập cho mình lối sống tíết kiệm. Tiết kiệm từ thời gian, tiền bạc đến việc tích phước. Chăm làm việc thiện nguyện, bỏ ngoài tai tất cả mọi thị phi của người đời, quan tâm đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những người thân của mình.

Quan trọng hơn cả, chúng ta đừng nên thù ghét hay oán hận bất cứ ai. Vì cuộc đời con người nay còn mai mất, yêu thương không đủ còn hờn ghét nhau làm chi? 
 
“Nhân sinh là kiếp vô thường
Vô thường là kiếp đoạn trường nhân sinh
Người thương người bao nhiêu cũng thiếu
Người ghét người chút xíu cũng dư!”

Sự ra đi của bạn tôi đã nhắc nhở mỗi chúng tôi phải sống “gấp”, sống “vội vàng” nhưng không có nghĩa là sống “bừa”. Dù mang trọng bệnh nhưng bạn không nói với bất cứ ai, luôn giữ trong mình sự lạc quan và trân trọng sự sống. Chưa bao giờ ở bạn thể hiện sự chán chường hay oán trách cuộc sống này. Bạn luôn cố gắng và cầu tiến trong mọi việc, giúp đỡ bạn học cũng như quan tâm đến các thầy cô. Có lẽ chính vì bạn sống quá đẹp nên mới khiến lớp tôi thấy xót xa đến thế… 

Dù bạn tôi không giàu có, bốn năm quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vài ba chiếc áo sơ mi, chẳng khoác lên mình những thứ hàng hiệu đắt tiền nhưng lại khiến người xung quanh nể trọng. Giờ đây chúng tôi cúi đầu trước một con người nhân cách lớn, cúi đầu trước một người trẻ đã dám sống và ước mơ, không hề run sợ trước bệnh tật.

Nếu các bạn đang ở lứa tuổi giống như tôi thì bạn hãy sống và làm tất cả những điều mà mình đang dự định. Chúng ta có lợi thế hơn những người đi trước khi vẫn đang có sự nhiệt huyết và tuổi trẻ. Chúng ta có lợi thế hơn những người kém tuổi ở sự trưởng thành khi đã qua giai đoạn của sự nổi loạn.

Vì có được những lợi thế đó nên chúng ta phải biết sống cho ý nghĩa để sau này khi nhìn lại có thể mỉm cười và tự hào vì ta đã không sống hoài, sống phí. Hãy sống sao cho chân tâm bản tánh của ta luôn tỏa sáng. Và sống sao cho vô thường nếu có tìm đến thì chúng ta sẽ không bao giờ phải thấy day dứt, tiếc nuối hay ân hận. Chúng ta sẽ thanh thản, tự tại và chấp nhận vô thường như một quy luật của tự nhiên.
Nguyễn Linh Chi- Phật giáo Org