Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Những bài học về cuộc sống từ thiền sư Shunryu Suzuki giúp bạn tìm sự bình yên trong tâm trí và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức trong cuộc sống.

Shunryu Suzuki (1904 – 1971) là thiền sư có công lớn trong việc phổ biến Phật giáo Thiền tông ở Mỹ và nổi tiếng với việc thành lập tu viện Phật giáo đầu tiên ngoài châu Á (Trung tâm Thiền Tassajara Zen). Dưới đây là những bài học cuộc sống rút ra từ cuốn sách Zen Mind, Beginner’s Mind (tạm dịch: Thiền tâm, sơ tâm) của vị thiền sư này.

Đó là những bài học dành cho những ai cảm thấy cuộc sống của mình đang hỗn loạn và mất phương hướng. Áp dụng những triết lý dưới đây, bạn sẽ biết cách làm thế nào để có một tâm trí bình tĩnh trước tất cả những ồn ào xảy ra xung quanh.

Làm cho tâm trí trống rỗng

Những người theo phái Phật Thiền tông tin rằng, trạng thái nguyên gốc của tâm trí là thanh tịnh và không đòi hỏi. Tuy nhiên theo thời gian những suy nghĩ bản ngã chiếm lấy trạng thái tinh thần bên trong, làm cho tâm trí trở nên kém tinh khiết và ích kỷ hơn. Theo thiền sư Shunryu Suzuki, đối với hầu hết mọi người, những ý tưởng tập trung vào bản ngã này thường dẫn đến nghiệp sống, một chu kỳ của các hành động và phản ứng hình thành nên số phận của bạn.

Để thoát khỏi kiếp sống nghiệp chướng, trước tiên bạn cần "làm trống" tâm trí của mình. Một tâm trí trống rỗng sẽ sẵn sàng và mở ra cho bất cứ điều gì. Lời khuyên là trở lại trạng thái thuần khiết nơi bạn không có bản ngã và chỉ có một mong muốn duy nhất là học hỏi. Bằng cách áp dụng quy tắc này trong bất kỳ tình huống nào phải đối mặt, bạn sẽ thoát khỏi tất cả những điều tiêu cực đang kìm hãm bạn và bước vào trạng thái của niềm vui, sự tích cực thực sự. Đây gọi là tâm thiền.

Nếu bạn muốn có một tâm thiền, bạn cần có một tâm trí của người mới bắt đầu gọi là tâm ban sơ. Đó là một tâm trí cởi mở với mọi thứ xảy đến. Chìa khóa để có một tâm ban sơ là không có những suy nghĩ tự cho mình là trung tâm, thay vào đó hãy lùi lại một bước và ngừng nghĩ về thành tích. Bạn cần làm trống tâm trí của mình, khiêm tốn và tiếp cận mọi thứ với một tâm trí của người mới bắt đầu.

Kiểm soát chính mình trước tiên

Suzuki nói về cách con người cố gắng kiểm soát mọi thứ xung quanh mình và chỉ ra thực tế là chúng ta sẽ không thể kiểm soát mọi việc nếu chưa kiểm soát được chính mình. Đó là lý do tại sao bạn cần phải làm việc với chính mình đầu tiên. Mục đích của thiền là mở mang đầu óc, khiến bạn đặt câu hỏi và tự trả lời, từ đó tìm ra bản chất của chính mình. Như vị thiền sư đã đề cập, mục đích của việc nghiên cứu Phật giáo không phải là để nghiên cứu Phật giáo mà là để nghiên cứu chính bản thân chúng ta.

Sự tập trung vào trạng thái bên trong sẽ nhắc nhở bạn về thực tế rằng điều duy nhất bạn có thể kiểm soát là chính mình. Cuộc sống đòi hỏi hành động của chính bạn vì vậy, đừng mong đợi bất cứ điều gì từ bất cứ ai. Trước khi bạn thực hiện theo cách của riêng mình, bạn không thể giúp đỡ bất cứ ai và không ai có thể giúp bạn.

Bạn chính là người tạo ra “những con sóng”

Thiền tông có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa khắc kỷ. Một sự việc không phải bản thân nó có vấn đề mà là cách bạn nhìn nhận về chúng. Không phải các yếu tố bên ngoài đang gây rắc rối mà chính bạn là người tạo ta những con sóng trong tâm trí mình.

Quan điểm của thiền là giúp bạn giữ bình tĩnh giữa một thế giới hỗn loạn. Trong khi mọi thứ đang xảy ra xung quanh bạn, thực tế thực sự nằm trong suy nghĩ của bạn. Những người luyện tập thiền khác biệt ở “cái tâm lớn” của một người tìm thấy sự yên bình trong tâm trí, trong khi số còn lại có một “cái tâm nhỏ” được điều khiển bởi bản ngã.

Cái tâm lớn là một tâm trí bình tĩnh. Những suy nghĩ trong tâm trí giống như những con sóng trong đại dương. Chúng ta không thể cản sóng tới nhưng chúng ta có thể học cách "lướt sóng", giảm tác động của nó. Một mặt khác của cái tâm lớn là thay đổi cách bạn nhìn nhận về mọi thứ việc. Mọi người thường luôn phàn nàn về điều gì đó. Chẳng hạn, nhiều người coi thất bại là điều đáng buồn nhưng những người có “cái tâm lớn” xem đó là cơ hội để học hỏi.

Sự bình tĩnh thực sự được tìm thấy trong hành động

Mục đích của việc thực hành Thiền tông là làm cho tâm bình tĩnh. Điều này có thể được tìm thấy thông qua các bài tập hít thở và thiền chánh niệm. Tuy nhiên, thiền sư Suzuki nói rằng, đây không phải là cách duy nhất để đạt được sự yên tĩnh. Sự bình tĩnh thực sự có thể được tìm thấy trong chính hành động.

Một lời khuyên mà Shunryu đưa ra là khi bạn làm một việc gì đó, hãy làm với toàn bộ cơ thể và tâm trí; và tập trung vào những gì bạn làm. Khi bạn tham gia đầy đủ vào một hoạt động, bạn sẽ vào trạng thái dòng chảy mà ở đó bạn đạt được sự tập trung và hiệu quả công việc cao nhất. Trong trạng thái đó, hành động và nhận thức được hợp nhất, bạn sẽ không còn ý thức về thời gian và không gian nữa. Khi đó, bạn mải mê với những trải nghiệm và quên đi mọi thứ diễn ra xung quanh.

Đi bộ trong tự nhiên là một cách để bạn trải nghiệm sự bình tĩnh. Đó cũng là khi bạn thực sự được sống trong hiện tại. Khi bạn bị mắc kẹt giữa khởi đầu và đích đến, điều duy nhất bạn có thể làm là tiếp tục di chuyển. Khi càng mệt mỏi, bạn càng tập trung vào từng bước và khi đó bạn thực sự tìm thấy bình yên trong tâm trí và tận hưởng thiên nhiên.

Cuộc đấu tranh tự nó mang đến ý nghĩa
 

Thiền tông là một cuộc hành trình và đích đến chỉ là thứ yếu. Đối với những thiền sư, sự xuất sắc không phải là mục tiêu, mà là sự kiên trì. Thực hành thiền không phải là về việc đạt được một số kết quả nhất định mà là ở cách nó mang lại sự tập trung cho người tập.

Khi vừa bắt đầu bộ môn thiền hoặc bất kỳ hoạt động nào khác, bạn cần rất nhiều nỗ lực và đấu tranh để duy trì việc luyện tập và biến chúng thành những thói quen. Đấu tranh với bản thân là cách bạn học hỏi và gắn bó hơn. Những người phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hành thiền sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn ở bộ môn này.

Mọi người thường không thực sự đánh giá cao những gì họ nhận được miễn phí, nhưng trân trọng những thứ cần nỗ lực để đạt được. Vì vậy, “đôi khi con ngựa tốt nhất có thể là con ngựa tồi tệ nhất và con ngựa tồi tệ nhất có thể là con ngựa tốt nhất”, thiền sư Shunryu Suzuki.

Lưu Ly (Theo Medium)-  Báo Dân Sinh