Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Căn nhà dưới gác có hai bố con đang ở. Căn nhà đơn sơ này là kiến trúc tạm thời có thể bị dỡ bỏ bất cứ lúc nào. Cửa giả vênh váo đã đành, căn nhà còn cũ nát. Không có giường, chỉ có hai vỏ chăn. Hàng ngày về nhà, tôi phải đi qua căn nhà đơn sơ này, nguyên nhân khiến tôi liếc nhìn vào trong là tôi muốn biết ai ở trong đó.

Đấy là hai bố con, ban ngày họ đi bới rác, tối về ở đây. Ông bố ngoài 40 tuổi, con trai hơn 10 tuổi. Điều khiến người ta xót xa hơn là hai bố con đều bị tàn tật, bước đi tập tễnh. Ông bố gù, người tầm thước, đứa con khá đẹp trai, chỉ tội chân bị tật nguyền.

Tôi đã nhìn thấy hai bố con ăn cơm, mỗi người bưng một cái bát to đựng toàn thứ hổ lốn, chắc là cơm thừa canh cặn nhà người ta đem cho.

Hai bố con tập tễnh đi bới rác, người trước người sau. Họ còn thu mua đồng nát với chiếc xe ba bánh cũ kỹ. Khi dọn nhà, tôi cho họ những đồ bỏ đi: sách báo cũ, đồ gia dụng cũ, và một chiếc giường nhỏ. Tôi nói tôi không lấy tiền mà cho không họ.

Nhìn cái biết ngay, họ rất cảm động. Ông tên Bách, người tỉnh An Huy, vì nghèo vợ đi theo người khác. Ông đưa con ra miền Bắc sống bằng nghề bới rác và nhặt nhạnh đồng nát. Tôi nói với bà con hàng xóm, ai có đồng nát hãy bán cho họ, nếu cho không thì càng tốt.

Ông Bách không dám tiêu đến một xu, cả năm mặc bộ quần áo rách, đến Tết mới mua cho con bộ quần áo mới. Hai bố con ăn Tết trong căn nhà đơn sơ đó, có người cho họ sủi cảo, tôi cho họ thịt muối do đơn vị phân phối. Ông cảm kích nói người thành thị các anh tốt bụng quá.

Ông Bách chậm chạp, ít nói. Một hôm hàng xóm mách tôi, ông đồng nát có… người tình! Tôi ngạc nhiên hỏi có thật không? Ông ta thì ai thèm lấy! Mà tôi chứng kiến ông có người tình thật. Đó là người đàn bà địa phương có một con và nhà cửa, muốn nương tựa vào ông nhưng ông từ chối. Tôi kinh ngạc hỏi ông tại sao lại từ bỏ cơ hội tốt như thế này? Ông ngồi trầm ngâm hút thuốc, hút hết tẩu thuốc này đến tẩu thuốc khác. Cuối cùng ông thổ lộ: “Nói thật với anh, tôi không dám lấy vợ, một là sợ liên lụy người ta, hai là tôi cần tích cóp tiền. Chân con trai tôi cần được mổ, mổ mất hơn chục năm chục triệu. Bác sĩ bảo mổ càng sớm càng tốt. Tôi không thể để cháu đi tập tễnh suốt đời. Tôi không dám lấy vợ, lấy vợ chỉ thêm gánh nặng”.

Sau đó một thời gian không nhìn thấy ông Bách, tôi ngỡ ông chuyển đi nơi khác. Tội nghiệp cho bậc sinh thành là ông Bách, biết đến khi nào mới tích cóp đủ tiền cho con đi mổ. Lòng thương cảm trong tôi chưa nguôi thì nghe được câu chuyện làm tôi chảy nước mắt.

Đó là chuyện xẩy ra tại công trường xây dựng của bạn tôi. Một người đàn ông từ trên giàn giáo ngã xuống đất, anh em trên công trường đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán cần phải mổ, ông ta van nài Giám đốc công ty xây dựng: “Đừng mổ cho tôi, chỉ cần đền bù cho tôi ít tiền, như thế tôi sẽ đủ tiền mổ cho con trai”. Giám đốc không hiểu ông nói gì, cũng không muốn chi tiền như ông mong muốn.

Ông ta khóc: “Tôi van anh, để con trai tôi được mổ, tôi… tôi cô tình… xẩy chân gây tai nạn lao động đế lấy tiền đền bù, tôi xin anh hãy để con trai tôi được mổ. Nó sống với tôi khổ cực lắm. Tôi xin nói thật với anh, con trai… con trai tôi là do tôi nhặt về.” Bạn tôi khóc. Anh đứng ra quyên góp được khoản tiền đủ mổ cho hai bố con. Sau khi mổ, con trai bước đi bình thường, ông Bách bị thọt vẫn đi tập tễnh. Hai bố con vẫn sống bằng nghề bới rác.

Tết đến, hai bố con mang bắp ngô và khoai môn đến biếu giám đốc công ty xây dựng. Họ biết hàm ơn. Giám đốc rất xúc động khi nhận quà, càng xúc động khi nghe ông Bách nói: “Con trai tôi bảo tôi là người bố tốt nhất trên đời này, nhưng nó không biết lai lịch của nó, xin ông giữ hộ tôi bí mật ấy.”

Đời người ta có bí mật này nọ, mà bí mật chua xót nhất có lẽ là bí mật của ông Bách. Có lẽ tình yêu thương thực thụ là như vậy: Tôi yêu bạn nhưng tôi không màng tới sự đền đáp của bạn dù chỉ một tý tẹo. Tôi yêu bạn bằng trái tim tôi, bằng cuộc đời tôi, bằng tất cả những gì tôi có – miễn là tôi có.