Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trong không gian nho nhỏ của cõi tâm linh ấy, tiếng mõ tụng kinh và mùi khói nhang lan tỏa khiến lòng người an lòng đến lạ. Mỗi khi có điều gì trắc trở trong cuộc sống mưu sinh, người làng tôi lại tìm về đây nguyện cầu để hóa giải nỗi bất an.
Cả cuộc đời lam lũ với ruộng đồng tần tảo cho gia đình, có lẽ niềm an vui lớn nhất với người già quê tôi là tĩnh tâm nơi cửa Phật. Niềm an vui của các cụ là ngôi chùa nhỏ giữa làng, vọng vang thanh âm của nẻo thiện tâm.
          Chùa làng tôi nằm dưới thân cây đại già. Mỗi mùa hoa nở trải xuống khoảng sân chùa một màu trắng muốt giữa thềm nắng rơi đầy. Trong khoảng sân ấy là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát chắp đôi tay từ bi cứu nạn chúng sinh cho những người dân quê tôi. Trong ngôi chùa cổ kính ấy thờ những Đức Thánh Thần và cả Đức Cha, Đức Mẹ đã có công gây dựng làng tôi thêm thịnh vượng.
          Trong không gian nho nhỏ của cõi tâm linh ấy, tiếng mõ tụng kinh và mùi khói nhang lan tỏa khiến lòng người an lòng đến lạ. Mỗi khi có điều gì trắc trở trong cuộc sống mưu sinh, người làng tôi lại tìm về đây nguyện cầu để hóa giải nỗi bất an.
          Điều thiệt thòi nhất với bà ngoại tôi là bà chẳng thể thường xuyên đến với chùa làng như những phật tử khác. Bệnh khớp của bà đau đớn nhiều trên mỗi bước chân mỏi mệt. Phải bám chặt vào chiếc ghế nhựa bà mới có thể lê bước chậm chạp để đi một đoạn đường.
          Thời trẻ của bà là những gáng nặng cơm áo còn in hằn trên đôi vai khắc khổ, với đôi tay thoăn thoắt trải hạt thóc vàng trên khoảng sân đầy nắng.
           Bà ngoại tôi là người con tận tâm nơi cửa Phật. Khi còn khỏe bà thường đến chùa cùng các cụ già đọc những bài kinh Phật nguyện cầu bình an. Khi sức khỏe giảm sút nhiều, đôi chân bà không còn đủ sức vượt qua con đường làng dẫn bà đến ngôi chùa nhỏ. Bà vẫn thường tụng kinh niệm Phật tại nhà– đôi tay hao gầy lần theo chuỗi tràng hạt ngày rằm, mùng 1. Bà vui lắm nếu có ai đưa bà ra vãn cảnh chùa để bà nhớ về những hạnh phúc, an vui đã đi qua cuối cuộc đời.
          Mùa đông năm ngoái khi cái lạnh giá của gió đông sang là lúc bà yếu đi nhiều. Bệnh khớp của bà thêm nặng. Bà đau đớn lắm chẳng thể ăn uống được gì. Mọi khi bà vẫn nói chuyện khi có con cháu đến thăm, giờ là những tiếng than đau nhức. Căn bệnh kéo dài làm mọi người trong gia đình tôi lo lắng. Gia đình tôi thương bà nhiều lắm nhưng biết làm sao được trước những căn bệnh của tuổi già. Đã có bao nhiêu phương thuốc tưởng chừng như là hữu hiệu để gia đình tôi hy vọng bà sẽ khỏi bệnh. Người thương bà nhất là ông ngoại tôi. Không còn cách nào khác ông tôi phải nhờ đến những người con nơi cửa Phật. Các cụ bà phật tử sẽ nguyện cầu cho bà để cầu siêu, gọi là lễ: “hầu đèn”. Nếu bà đã đến ngày về với đất thiêng nơi cửa Phật, khi hết 3 ngày cúng bái, bà sẽ đi về cõi vĩnh hằng thoát khỏi những cơn đau thể xác của trần gian. Nếu bà chưa đến ngày ra đi các “Ngài” sẽ phù hộ cho bà khỏe lại.
          Trong ánh sáng của ngọn nến lung linh và bấc đèn dầu lay lắt cháy bên nén hương tỏa khói thơm, tạo thành không gian huyền ảo linh thiêng. Các cụ già làng tôi quỳ dưới nguyện cầu, đọc những bài kinh mong rằng sẽ thấu tâm đức Phật. Lễ nguyện cầu diễn ra 3 ngày, 3 buổi tối tất cả gia đình tôi chờ đợi điều an lành sẽ đến với bà. Và điều may mắn đã đến với gia đình tôi. Hết 3 ngày hầu đèn bà tôi khỏe lại.
          Đức Phật đã hiển linh tạo phúc cho muôn loài. Tôi biết những lời nguyện cầu đã được các ngài nghe thấu, đức Phật đã cho bà ở lại với gia đình chúng tôi.
Kiều Xuân Quỳnh - Đăng trên Tuổi Trẻ Phật Việt