Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
“Các pháp do duyên sanh, lại cũng do nhân duyên diệt…”. Hiểu được như thế chúng ta mới điềm tĩnh đón nhận sự việc một cách tự nhiên, không miễn cưỡng mà còn bình thản.

GIẢI THÍCH CHỮ “TÙY DUYÊN”

Theo Phật Quang Đại từ điển thì “Tùy duyên là tùy thuận nhân duyên, ứng theo căn cơ mà quyết định làm hay thay đổi”. Đây không phải là một thái độ bị động mà là một thái độ sống chủ động và tích cực.

Tùy, tức tùy thuận. Duyên, tức những điều kiện. Để thấy rõ hơn chữ duyên, ta phải nhận thức được về nhân quả. Những cái đến, cái đi đều có nguyên nhân của nó. Vạn vật nói chung, và mỗi chúng ta nói riêng đều thuộc vòng biến chuyển của nhân quả. Quả báo hình thành là do nhân duyên hội tụ, vì thế, tùy thuận nhân duyên là tùy thuận quả báo.

“Các pháp do duyên sanh, lại cũng do nhân duyên diệt…”. Hiểu được như thế chúng ta mới điềm tĩnh đón nhận sự việc một cách tự nhiên, không miễn cưỡng mà còn bình thản.

MỘT VÀI ĐIỀU CẦN LƯU Ý, KHI ĐỀ CẬP ĐẾN TÙY DUYÊN

Tùy duyên không thể bắt chước được.

Xưa có một vị Thiền sư, Ngài sống ăn uống không có phân biệt gì hết, gặp mặn ăn mặn, gặp chay ăn chay, đôi khi gặp rượu cũng uống luôn. Nhiều đệ tử thấy vậy bắt chước làm theo. Một hôm, Ngài kêu hết đệ tử đến chỗ người ta thiêu xác người chết rồi đem đồ ăn bày ra, Ngài lấy những miếng thịt người ta thiêu còn sót lại, chưa cháy hết, trộn vô đồ ăn rồi nói:

- Các ngươi lại đây ăn với ta bữa này.

Các đệ tử thất kinh, không dám ăn. Ngài ngồi ăn thản nhiên, sau đó mới bảo rằng:

- Các ngươi cùng ăn được với ta cái món này thì mới có thể tiếp tục ăn uống như ta được, còn nếu không được thì thôi từ nay đừng có bắt chước.

Ngài nhiều năm tu hành thanh tịnh rồi mới được như vậy, còn các đệ tử chưa được vậy thì làm sao mà bắt chước được! Nếu tâm mình còn phân biệt nhơ sạch thì làm sao có thể tùy duyên theo kiểu đó được, còn tâm Ngài sạch hết phân biệt rồi, cho nên ăn tự nhiên.

Tùy duyên khác với sự buông xuôi tiêu cực

Tùy duyên là thái độ tích cực của ta đối với mọi vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống, ta vẫn giải quyết chúng, nhưng giải quyết mọi việc trong một tinh thần thoải mái, thanh thản. Không như buông xuôi, là bỏ mặc tất cả, không phấn đấu, không tự mình vượt qua và vươn lên trong cuộc sống.

Lục tổ Huệ Năng, sau khi ngộ đạo được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và khuyên đi về phương Nam, rồi thì Ngài ở ẩn với bọn thợ săn suốt 15 năm. Khi ở với thợ săn thì phải đi săn, đi săn về thì phải nấu ăn cho bọn thợ săn ăn. Ngài ở chung với bọn thợ săn để rồi Ngài tùy theo đó mà giải thoát nghiệp, đi săn không phải để bắt giết chúng sanh mà để phóng sanh và cứu chúng sanh. Còn ăn thì chỉ ăn rau bên thịt chứ không ăn thịt bên rau. Với cuộc sống khó khăn và khắc nghiệt như thế đó mà ngài vẫn làm lợi ích rất nhiều cho bọn thợ săn và muông thú.

Cần hiểu đúng tinh thần “Tùy duyên bất biến”

Phật Quang Đại từ điển giải thích rằng: “Tùy duyên nghĩa là thuận theo nhân duyên mà có sinh diệt biến hóa; còn Bất biến nghĩa là tồn tại vĩnh viễn, không thay đổi. Chân như có cả hai mặt Tùy duyên và Bất biến, tức lý thể của chân như không thay đổi, nhưng hễ gặp duyên thì sinh ra muôn trượng, biến hóa các tướng mà thành sự tồn tại ngộ-mê, tịnh-nhiễm”.

Kinh Phật dạy có hai nguyên tắc quan trọng: Tùy duyên và Bất biến. Tùy duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện, thời tiết mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp. Còn Bất biến là không được thay đổi những gì nòng cốt như giới luật, kinh điển, đạo hạnh, những điều này mà thay đổi thì không còn gì là Phật giáo nữa.

Tùy duyên là thái độ sống buông bỏ sở chấp

Trong quyển Góp nhặt cát đá, có gi lại câu chuyện nhà thiền thú vị: Hai huynh đệ nọ trên đường du phương học đạo, bỗng thấy có cô gái đang loay hoay tìm cách đi qua dòng suối đang chảy xiết. Người sư huynh liền tiến đến hỏi: “Này cô! Cô có muốn tôi cõng cô qua bờ bên kia không?”. Cô gái vô cùng mừng rỡ, liền gật đầu đồng ý. Sau khi qua con suối rồi, hai huynh đệ từ giã cô gái và tiếp tục cuộc hành trình. Đi được một đoạn, người sư đệ không kiềm chế được nữa bèn bức xúc lên tiếng: “Sao sư huynh lại làm như vậy”. Người sư huynh ngạc nhiên hỏi: “Làm chuyện gì?”“Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành kia mà!”, người sư đệ hơi cáu gắt nói. Lúc đó, sư huynh mỉm cười, vỗ vai người sư đệ và nói: “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”.

THÁI ĐỘ ĐÓN NHẬN VÀ PHƯƠNG CHÂM SỐNG TÙY DUYÊN CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT

Sống tùy duyên để nhận ra bản tánh chân thật của mình, đó là của báu sẵn có nơi tự thân…

Bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông – Vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm đã minh chứng tinh thần nhập thế, đưa đạo vào đời, một thái độ sống tùy duyên, rũ bỏ mọi chấp trước, buông bỏ nỗi khổ niềm đau, ở đời vui đạo để sống thong dong, tự tại trong bất kỳ hoàn cảnh thuận hay nghịch, ta vẫn có thể sống "ở đời vui đời" và "ở đời vui đạo" được: “Sống đời, vui đạo tùy duyên/ Đói ăn, mệt nghỉ tâm liền thảnh thơi/ Trong nhà có sẵn báu rồi/ Không tâm đối cảnh thiền thời khỏi tham”.

Học cách thản nhiên trước những vinh nhục của cuộc đời như Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc

Ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc là một thiền sư Nhật Bản – thuôc dòng Lâm Tế. Sinh thời, ngài nổi tiếng trong vùng là một người đạo đức, sống một đời thanh tịnh. Gần nơi sư ở có một tiệm thực phẩm, trong đó có một cô con gái trẻ đẹp sống chung với cha mẹ. Bỗng một ngày, cha mẹ cô gái bất ngờ khám phá ra là cô đang có thai. Thế là họ tức giận vô cùng, tra hỏi nhưng cô gái cũng không nói cha đứa bé là ai, cuối cùng, bức bách quá cô nói tên của ngài Bạch Ẩn ra.

Tức giận điên cuồng, cha mẹ cô gái đi đến gặp sư, la mắng đủ  điều. Sư chỉ nói: “Thế à!”. Sau khi đứa bé được sinh ra, nó được đem đến bỏ ngay chỗ của Bạch Ẩn. Lúc này, bao nhiêu tiếng tốt đã mất hết, nhưng sư không cảm thấy phiền não. Sư đi khắp xóm xin sữa cho đứa bé và bị mọi người dèm pha, chửi rủa đủ điều…

Một năm sau, cô gái mẹ của đứa bé không chịu nỗi tình thế này nữa. Cô thú nhận với cha mẹ mình rằng, người cha thật sự của đứa bé là một thanh niên làm việc trong chợ cá. Cha mẹ cô gái vội vàng đến ngay gặp sư Bạch Ẩn, lạy lục xin lỗi hết lời và xin phép được đem đứa bé về. Sư Bạch Ẩn vẫn sẵn lòng chiều ý. Trong khi trao đứa bé lại, trước sau sư chỉ nói một câu: “Thế à!”.

Những bài học về cách “tùy duyên” mà người đệ tử Phật cần nên thực tập

Bài học 1: Học cách sống như những bụi tre, khóm trúc

Uyển chuyển, mềm mại là một trong những đặc tính của những bụi trúc, cây tre. Nó không bao giờ gãy đổ trước những cơn giông bão, luôn nương chiều theo cơn bão đó nên sẽ đứng vững, mà không gãy đổ. Vì vậy, chúng ta là những cư sĩ Phật tử, khi tiếp cận với những vấn đề trong cuộc sống thì cũng cần uyển chuyển, “hòa nhập nhưng không hòa tan” để xây dựng cho mình một nghệ thuật sống đối với đương sự, hiện trường, hoàn cảnh.

Bài học 2: Thực tập đời sống vô ngã như những dòng sông

Sở dĩ, con người khổ là vì cố chấp, mà cố chấp là không biết tùy duyên. Tất cả các pháp đều là nhân duyên, không có một pháp thật thì tại sao chúng ta phải bám một chỗ để mà chịu khổ. Hãy sống như những dòng sông, khi chảy vào đến biển rồi cũng phải dứt bỏ cái nguyên chất của nó, mà chung lấy một chất với nước biển. Chúng ta sống tùy duyên là phải từ bỏ cái tôi cố chấp, thiên lệch, ích kỷ nhỏ hẹp của mình để sống hòa mình, đồng điệu với gia đình, bạn bè, với tất cả mọi người và vạn hữu chúng sanh.

Bài học 3: Giữ tâm thênh thang như những đám mây

Đây là thái độ sống không vướng bận, bởi vì đám mây không cố có định một chỗ, luôn trôi bồng bềnh, gặp lạnh thì đông lại, gặp gió thì tản ra, theo nhân duyên mà tụ tán… Người đệ tử Phật nên giữ tâm thênh thang, tự tại, luôn cởi mở đón nhận mọi sự mọi việc trong cuộc đời một cách không chấp thủ, không dính mắc.

Bài học 4: Hãy tu tập tâm như đất, nước, gió, lửa, hư không…

Trong kinh Trung Bộ, Đại kinh Giáo giới Rahula, số 62, Đức Phật đã nói rõ ý nghĩa thế nào về sự an trụ tâm trước những biến thiên của dòng đời, cách thức tu tâm của người con Phật và thái độ đón nhận chúng xảy ra trên cuộc đời:

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như nước. Ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa. Ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió. Ví như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái không, khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

HT Giác Toàn