Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Ả chu cái mỏ nhọn hoắt, dài thượt ra chửi bà Thu quán bên cạnh:
- Trời đánh con mẹ nào vứt rác qua quán bà, bà mà bắt được thì biết tay với bà, đồ ăn ở bẩn thỉu, đồ ô uế, đồ...
Hôm nào ả cũng có vài vụ chửi nhau với mấy bà ở chợ. Theo lời mấy bà ở chợ thì ả là một đứa ranh mương, hàm hồ, dữ dằn nhưng lại rất khôn khéo, vui vẻ chào mời khách hàng; bởi vậy quán tạp hóa của ả luôn đông khách. Tại sao ả lại hung dữ như vậy, chắc phải có lý do?
Ả tên Chanh, đúng như tên sao thì người vậy, ả chanh chua như giấm. Quán ả nằm dãy trước của chợ nên rất thuận tiện trong việc buôn bán; quán tạp hóa của ả bán đủ thứ trên đời: từ giày dép, mũ nón, chén bát, đến sách vở, kẹp cài, đồ chơi, cặp sách... nhờ miệng mồm lanh lẹ và địa điểm thuận lợi, quán ả bán đắt nhất trong chợ. Ả luôn vênh váo cái mặt ta đây khiến mọi người phát ghét. 
Ở chợ ả hơn thua như vậy, mà về nhà lại lép vế với ông chồng luôn say xỉn, uống rượu như uống nước lã. Mỗi lần chồng ả say là ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh cho ả tơi bời tá hỏa, bầm tím mặt mày. Hoàn cảnh ả cũng thật tội nghiệp, mới ngoài 30 tuổi mà trông ả như một bà cụ non, lấy phải ông chồng nghiện rượu, nghiện đề đóm, giờ lại mang chứng bệnh ung thư gan không biết sống chết khi nào. 
Đã vậy, mẹ chồng ả cũng không ra gì, luôn miệng mắng nhiếc, chửi rủa ả thậm tệ:
- Mày là thứ đàn bà vô dụng, không ra gì, để chồng nhậu nhẹt suốt ngày rồi sinh ra ốm đau tàn tạ như thế này, mày đã vừa lòng chưa?
Ả cũng không vừa vặn, vặt lại ngay:
- Con lo như vậy là đã hết sức rồi, thử hỏi chồng con đau ốm mấy năm nay, con không lo thì ai vô đây lo.
Ả ngồi. Ả khóc. Ả than. Ả kể lể.
Khi chồng trở bệnh, ả phải một mình đưa chồng đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng cũng không thuyên giảm, bởi lẽ ông ấy uống thuốc thì ít mà uống rượu thì nhiều. Ả bó tay bất lực. Ả tìm mọi cách cũng không ăn thua. Ả làm được bao nhiêu thì chồng phá bấy nhiêu, ổng bán tất cả mọi thứ có giá trị trong nhà để uống rượu, đánh đề cho thỏa thích, trừ cái giường để ngủ.
Đôi lúc ả muốn buông xuôi tất cả ra sao thì sao; nhưng thật may mắn, ả vẫn còn một món quà quý giá là đứa con trai độc nhất luôn hiếu thảo, thương yêu mẹ và học giỏi, chăm ngoan. Cu Ti (con trai ả) là nguồn động viên lớn lao giúp ả bước tiếp.
Hồi mới lấy nhau, ả cũng có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc, vợ bán tạp hóa, chồng chạy xe ôm, cũng đủ sống. Thời gian sau khi cu Ti ra đời được năm năm, ông chồng ả trở nên khác tính, ăn chơi đề đóm, rượu chè sa đọa, lúc nào cũng rủ rê bạn nhậu, chén tạc chén thù. Sự chịu đựng của ả đối với ông chồng vũ phu, hư hỏng mười mấy năm cũng đã là giỏi lắm rồi. Hoàn cảnh như vậy, khiến ả phải xù mình, tạo vỏ bọc cứng rắn để không ai có thể khinh thường ả, bởi vậy ả đanh đá, dữ dằn với mọi người là thế.
Tuy vậy, ả vẫn còn cái bản chất lương thiện ở bên trong con người. Khi con ông Bình hàng xóm đi học về mà bố mẹ nó vẫn chưa đi làm về, ả gọi cháu bé vào nhà, cho bánh kẹo bảo ngồi chơi chờ bố mẹ. Hay chị Xoan bên cạnh nhà ả, hoàn cảnh cũng tội nghiệp, nghèo rớt mùng tơi, mỗi khi con đau không có tiền chạy chữa, ả liền cho mượn để đưa cháu đi thầy thuốc.
Ả có tật xấu là luôn đố kỵ với mọi người, tại sao họ có gia đình sum vầy, êm ấm, mà gia đình ả lại không ra gì? Ả than thân trách phận. Tuy chồng ả vẫn hay đánh đập, đày đọa thân xác ả, nhưng trong thâm tâm ả vẫn rất thương chồng. Ai mách thuốc nào hay, thầy nào giỏi ả đều tìm đến để mua cho chồng. Ả vẫn mong chồng khỏe mạnh.
Ả không tin vào cái gì cả, không tin bói toán, không tin thần thánh, ả không theo tôn giáo nào. Một ngày nọ, chị Loan (chị họ của ả) đến nhà ả chơi, nghe kể hoàn cảnh cũng thấy tội nghiệp. Chị Loan vốn là một Phật tử thuần thành, đi chùa tụng kinh đã lâu nên chị hiểu được chữ “nghiệp” và “nhân quả”. Chị khuyên ả:
- Em nên đi chùa lễ Phật cầu nguyện cho chồng, nếu thành tâm cầu nguyện chắc chắn bệnh của chồng sẽ thuyên giảm.
Ả nghi ngờ dữ lắm. Ả không tin có phép mầu như thế:
- Có thiệt không chị?
- Em nên có niềm tin vào điều mình làm là đúng thì chắc chắn sẽ có kết quả như ý muốn.
Vài ngày sau, ả sắm đủ hương hoa phẩm vật đi chùa. Ả như một tên lính mới, lạc lõng giữa chốn thiền môn xa lạ. Nghe mọi người tụng kinh, ả không hiểu gì cả nhưng cũng thấy êm tai, ả ngồi để tâm lắng nghe. Ả kiên trì dự nhiều thời kinh cũng tụng được bập bẹ. Sau mỗi thời kinh, ả quỳ rất lâu dưới chân Đức Bổn Sư, cầu nguyện cho chồng, cho con, cho ả được bình an, sức khỏe. Giờ đây, ả hiểu được đôi chút về chữ “nhẫn”, ả không còn đố kỵ, không còn hung dữ, đanh đá như xưa, ả đã bỏ được năm phần. Bệnh tình của chồng ả tuy chưa khá hơn nhưng có vẻ như ông chồng cũng hơi lai tỉnh, uống rượu ít hơn trước, dăm ba bữa mới uống một lần, gia đình ả thưa dần tiếng bát đũa đổ vỡ, giảm dần những trận đánh nhau, cãi nhau chí chóe. Ả vui mừng, phấn chấn lên, không còn xù lông để tạo vỏ bọc cứng rắn nữa. Ả là người mới chập chững kệ kinh, chưa hiểu vì sao lại có được kết quả như thế, nhưng niềm tin vào những gì mầu nhiệm đã bắt đầu.
Mấy bà ở chợ vô cùng ngạc nhiên tỉ tê với nhau:
- Con Chanh bữa nay hiền quá ta, tao thấy nó uống nhầm thuốc gì thì phải?
- Không phải, hình như nó đi chùa nên mới thế đó.
- Đi chùa á?
- Nó mà đi chùa thì làm đại ca hay sư phụ?
Cả đám cười hô hố...
Ả nghe nhưng không để tâm. Ả giả lơ. Ả cười một mình: “Ta phải học được một chữ nhẫn”.
Quán ả vẫn đông khách như xưa.
Truyện ngắn của Diệu Hiếu (GNO)