Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người chúng ta cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta.

Chúng tôi, các nhà lãnh đạo Phật giáo ký tên dưới đây, cùng tập hợp lại trước thềm Hội nghị lần thứ 21 (COP21) các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Paris, nhằm góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau trong tình thương và tuệ giác để có thể đạt được một thỏa thuận hiệu quả và đầy tham vọng về biến đổi khí hậu.

Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người chúng ta cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta. Vẫn còn thời gian để chúng ta giảm tốc độ và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng để làm được như vậy, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris (COP21) cần đưa ra lộ trình cụ thể để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cũng cần có các biện pháp toàn diện và lâu dài giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và tăng cường năng lực thích ứng của những đối tượng này.

Mối quan ngại của chúng tôi phát xuất từ cái thấy của Bụt Sakya Muni về tính tương duyên, tương tức của vạn vật trong vũ trụ. Thấu suốt được tính tương tức và ý thức về những hậu quả do hành động của mình gây ra là một bước vô cùng quan trọng giúp chúng ta giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sống. Nuôi dưỡng tuệ giác tương tức và lòng từ bi, chúng ta sẽ hành động dựa trên tình thương, mà không phải là sự sợ hãi, để có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Phật giáo nói đến trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, đời sống hằng ngày dễ khiến chúng ta quên đi rằng sự sống của chúng ta có mối liên hệ mật thiết, không thể tách rời với thiên nhiên, thông qua không khí mà chúng ta thở, nguồn nước mà chúng ta uống và thức ăn mà chúng ta tiêu thụ. Vì thiếu tuệ giác, chúng ta đang phá hủy chính hệ sinh thái mà chúng ta và các loài khác cần nương vào để tồn tại.

Chúng tôi nghĩ rằng cộng đồng Phật giáo thế giới cần thấy rõ mối tương quan, phụ thuộc lẫn nhau giữa con người với con người, cũng như giữa con người với thiên nhiên. Đây là điều vô cùng quan trọng. Cùng với nhau, loài người chúng ta phải hành động để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, đó là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, những phương thức tiêu thụ không bền vững, sự thiếu ý thức và trách nhiệm về hậu quả của hành động do mình gây ra.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ “Thời điểm hành động là Bây giờ: Tuyên ngôn Phật giáo về Biến đổi khí hậu”, một thông điệp được đông đảo các nhà lãnh đạo Phật giáo và các Giáo hội Phật giáo các nước tán thành. Chúng tôi cũng hoan nghênh và ủng hộ các tuyên bố về biến đổi khí hậu của các truyền thống tôn giáo khác, như Thông điệp của Đức Giáo hoàng Francis về “Chăm sóc ngôi nhà chung” được công bố vào đầu năm nay (Laudato Si’: On Care for Our Common Home), Tuyên ngôn của đạo Hồi về Biến đổi khí hậu (Islamic Declaration on Climate Change), cũng như Tuyên ngôn sắp được công bố của đạo Hindu về Biến đổi khí hậu (Hindu Declaration on Climate Change).

Chúng tôi và các truyền thống tôn giáo khác gắn kết với nhau bởi mối quan tâm chung về mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm những phương thức tiêu thụ không bền vững, và những đòi hỏi về mặt đạo đức khi giải quyết những nguyên nhân cũng như tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất thế giới.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nỗ lực bằng ý chí chính trị của mình để thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải mà các quốc gia đã cam kết và đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chúng tôi cũng đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có một cam kết chung về tăng cường nguồn lực tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trên toàn cầu.

Tin vui là chúng ta có cơ hội vô cùng quý báu để tạo ra một bước ngoặt lớn tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở Paris. Các nhà khoa học đảm bảo rằng mục tiêu giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1.5 độ C là khả thi, cả về mặt công nghệ cũng như mặt kinh tế. Việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển qua 100% năng lượng sạch, có khả năng tái tạo sẽ không những thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trên toàn cầu, mà còn giúp chúng ta khởi đầu con đường làm mới nếp sống tâm linh, một điều vô cùng cần thiết cho thế giới hiện nay. Ngoài những tiến bộ đã đạt được trong đời sống tâm linh, các cá nhân còn có thể đóng góp thêm bằng những hành động hiệu quả nhất như: bảo vệ rừng, chuyển sang ăn chay, giảm tiêu thụ, chuyển hóa rác, sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo, hạn chế việc đi lại bằng máy bay, và sử dụng phương tiện công cộng. Mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần tạo nên sự thay đổi cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới công nhận và công khai lên tiếng về trách nhiệm chung của tất cả mọi người trên hành tinh này trong việc bảo vệ môi trường sống vì lợi ích của tất cả chúng ta, cho hôm nay và cho cả mai sau.

Vì những lý do nêu trên, chúng tôi kêu gọi tất cả các Bên tham gia đàm phán tại Paris:
1. Luôn lưu tâm đến các khía cạnh đạo đức liên quan đến biến đổi khí hậu, như đã nêu trong điều 3 của Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC).

2. Đồng ý chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang hướng sử dụng 100% năng lượng sạch và có khả năng tái tạo.

3. Quyết tâm thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải mà các quốc gia đã cam kết và đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

4. Đi đến một cam kết chung về tăng cường nguồn lực tài chính trên mức 100 tỷ đô-la mà các nước phát triển đã cam kết đóng góp tại Copenhagen năm 2009, thông qua Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trên toàn cầu.

Thời điểm hành động là bây giờ.(Ngày 29 tháng 10 năm 2015)
Đồng ký tên:
Đức Đạt-lai Lạt-ma Tenzing Gyatso - Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Vị thầy sáng lập Làng Mai (Pháp), nhiều tu viện và cộng đồng Phật Giáo Dấn thân toàn cầu
Đức Gyalwang Karmapa thứ 17 - Người đứng đầu của dòng phái Karma Kagyu
Hòa thượng Dharmasen Mahathero - Đức Tăng thống, Giáo hội Phật giáo Bangladesh
Ngài Hakuga Murayama - Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo trẻ Nhật Bản (JYBA)
Ngài Jaseung Sunim - Trưởng Tông phái Tào Khê (Jogye Order) của Phật giáo Hàn Quốc
Hòa thượng Bhante B. Sri Saranankara Nayaka Maha Thera - Giáo hội Phật giáo Malaysia
Hòa thượng Khamba Lama Gabju Demberel - Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Mông Cổ

Hòa thượng Bhaddanta Kumarabhivamsa - Đức Tăng thống, Chủ tịch Ủy ban Tăng đoàn Nhà nước Maha Nāyaka, Myanmar
Hòa thượng Agga Maha Panditha Dawuldena Gnanissara Maha Nayaka Thera - Đức Tăng Thống của Amarapura Maha Nikaya, Sri Lanka
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngài Lama Lobzang, Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Thế giới (IBC)
Ngài Olivier Reigen Wang-gen, Chủ tịch, Tổng hội Phật giáo Pháp (UBF)
Ngài Bhikku Bodhi - Chủ tịch Hội Phật giáo Hoa Kỳ
Công chúa Ashi Kesang Wangmo Wangchuk - Bhutan
Nguồn - Thư Viện Hoa Sen