Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Stress kéo dài gây ra những tác động tiêu cực lên cơ thể và tinh thần. Biết cách hạn chế căng thẳng sao cho chúng chỉ xảy ra khi cần là bí quyết để có một cơ thể khỏe mạnh.
Từ trước tới nay, sự căng thẳng (stress) vốn được coi là một khái niệm tiêu cực. Trong việc luyện tập thể thao, hướng tới hình thể cân đối, các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy stress gây mất cơ và tích mỡ, khiến sự ác cảm của mọi người với hội chứng ngày càng lớn.
 
cang thang bao nhieu tang can bay nhieu - anh 1Căng thẳng tinh thần không hề tốt cho sức khoẻ tâm lý và sinh lý

Tăng cân do stress?


Về mặt sinh học, khi chúng ta gặp stress, bao gồm cả tâm lý và thể chất, cơ thể đều nhận diện đang trong tình trạng nguy hiểm. Khi đó, hệ thần kinh giao cảm (Sympathetic Nervous System-SNS) sẽ được kích hoạt. SNS kích thích giải phóng đường dự trữ dưới dạng glycogen thành glucose cho não và cơ bắp, giúp chúng có năng lượng để đưa chúng ta thoát khỏi nguy hiểm. Đồng thời, với quá trình này hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết sẽ tạm thời bị giảm chức năng.

Nếu chúng ta ở trong tình trạng stress tâm lý quá lâu, ngay cả glycogen trong cơ bắp sẽ bị phân giải làm năng lượng cho não. Bên cạnh đó, tuyến thượng thận tiết ra hormone cortisol gây tích mỡ và dị hóa cơ bắp. Mục đích đưa cơ thể chúng ta về trạng thái “sinh tồn” để vượt qua thời gian thử thách.

Vì vậy, stress liên tục không được thư giãn, thường về tâm lý, đường trong cơ thể sẽ bị phân giải liên tục, trở nên thừa thãi và thành mỡ. Hơn thế nữa, hệ miễn dịch sẽ bị giảm chức năng khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh.

Đối với người chơi thể thao, dị hóa cơ bắp và tích mỡ là một cơn ác mộng. Công sức tập luyện trở nên vô nghĩa khiến họ càng bị áp lực, stress tăng cao. Thể hình và thành tích thể thao càng trở nên tồi tệ.
 

Stress có thực sự xấu như chúng ta nghĩ?


Stress trường kỳ rất có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn chúng ở góc độ tích cực hơn. Khi cơ thể gặp stress, tuyến thượng thận tiết Adrenaline khiến cho tim đập nhanh hơn, bơm máu mạnh mẽ khiến cơ bắp và não có thêm ô xy và chất dinh dưỡng. Điều này giúp ta có thêm sức mạnh, tinh thần để hoàn thành buổi tập luyện thể thao một cách tốt đẹp. Nếu không có stress, tinh thần và thể chất đều cảm thấy mệt mỏi. 
 
cang thang bao nhieu tang can bay nhieu - anh 2Huấn luyện viên thể hình Lương Quang Huy. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, stress trong khi vận động kích thích não tiết ra Dopamine và Oxytocin. Đây là hai chất dẫn truyền thần kinh có tác động giúp con người cảm thấy sảng khoái, muốn đạt được những thành tích cao hơn, hòa nhập với xã hội và tim mạch trở nên mạnh khỏe. Đó là lý do những người chơi thể thao, tập thể dục đa số rất cởi mở, hòa nhập với cộng đồng và cơ thể họ luôn khỏe mạnh. Nếu không có stress kích thích não, họ sẽ không thể đạt được điều đó.

Trong công việc, trong đời sống gia đình và xã hội, nếu chúng ta không bị stress, não sẽ không có đủ năng lượng và ô xy để suy nghĩ sáng tạo. Dopamine và Oxytocin sẽ không được tiết ra mạnh mẽ để chúng ta có động lực vươn lên trong cuộc sống và cảm thấy muốn gần gũi với những người xung quanh.

Nói cách khác, con người ngày càng trở nên thông minh, mạnh mẽ, yêu thương nhau nhiều hơn chính là do stress.

Stress kéo dài gây ra những tác động tiêu cực lên cơ thể và tinh thần, vì vậy biết cách hạn chế stress sao cho chúng chỉ xảy ra khi chúng ta cần là bí quyết để có một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ngồi thiền, tập luyện thể thao, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý là những phương pháp đã được khoa học chứng minh giúp giảm stress cho cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nên hướng đến không phải triệt tiêu stress, mà điều khiển và sử dụng nó một cách thông minh. Điều đó chỉ có thể do chính chúng ta quyết định, bằng cách hiểu bản chất sinh học và tác dụng của nó.
 
Theo Zing.vn