Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được hình thành và lần lượt phát triển với chí nguyện nối ruyền Thích Ca chánh pháp
I.- Khai nguồn
 
Hệ phái Khất sĩ Việt Nam là một trong 9 tổ chức thành viên thống nhất thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Hệ phái Khất Sĩ do TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG sáng lập từ  năm 1944 với chí nguyện: "Nối truyền Thích Ca chánh Pháp". Người sinh trưởng tại làng Phú Hậu, Tổng Bình Phú, quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long (tức Cửu Long ngày nay). Năm 1944 Đức Ngài được 22 tuổi rời gia đình xuất thân đi hành đạo tu tập từ Vĩnh Long đi Châu Đốc, Thất Sơn, HàTiên… Sau về tịnh tụ tại chùa Linh Bửu làng Phú Mỹ, tỉnh My Tho. Năm 1946, với Y Bát Pháp bảo tự ngộ, tự tu, tự chứng….Ngài khởi đi du hoá ở Mỹ Tho, Gò công, Long An, Thủ Thừa, Bến Lức, Phú Lâm, Chợ Lớn, Bà Chiểu, rồi đến các tỉnh miền Đông và đến ngày mồng 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954) vắng bóng đến nay.
 
II.- Quá trình hình thành và phát triển
 
A.- Thời kỳ khởi thuỷ - thập niên 1944- 1954
 
Thời kỳ này gắn liền với cuộc đời hành đạo của Đức Tổ Sư  MINH ĐĂNG QUANG  dung hợp hai đường lối Nam – Bắc Tông Phật Giáo qua gương hạnh Sa Môn Khất Sĩ, hành Cụ Túc Giới, Tứ Y Pháp:
 
Nhất biều thiên gia phạn
 
Cô thân vạn lý du
 
Dục cùng sanh tử lộ
 
Khất hóa độ xuân thu
 
Dịch nghĩa:
 
Một bát cơm ngàn nhà
 
Thân đi muôn dặm xa
 
Muốn thoát đường sanh tử
 
Xin độ… tháng ngày qua
 
Sau muời năm hiện thân hoá đạo. Đức Ngài vắng bóng. Giáo lý cao thượng của Đức Phật được Ngài truyền đạt lưu lại cho môn đồ là bộ Chơn Lý .Tịnh xá có khoảng 20 ngôi gồm Tăng, Ni hơn 200 vị.
 
B.- Thời kỳ phát triển thập niên 1954- 1964
 
Sau khi Tổ Sư vắng bóng các Giáo đoàn Du Tăng được hình thành và phát triển:
 
Giáo đoàn 1 khởi thuỷ do Tổ Sư MINH ĐĂNG QUANG  thành lập (1944) và trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia, hướng dẫn hành đạo (1947). Sau khi Tổ Sư vắng bóng, Giáo đoàn vẫn tiếp tục hành đạo, mở đạo do quí Trưởng Lão Nhị Tổ Giác Chánh hướng dẫn đoàn Du Tăng khoảng 20 vị thực hiện hạnh nguyện du phương hoá duyên hành đạo suốt các tỉnh miền Trung (1956-1957); sau đó về các làng mạc vùng sâu, vùng xa một số  tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ. Trưởng lão Trị sự Giác Như thì quán xuyến chư Tăng và các tịnh xá liên hệ các Giáo đoàn. Trưởng lão Giác Như (viên tịch tháng 04 Âl- 1983). Giáo đoàn 1 có 21 ngôi tịnh xá đều là thành viên các cấp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đặc biệt Giáo đoàn 1 có 03 vị giáo phẩm là Hoà Thượng Giác Trang (Tp. Hồ CHí Minh); Hoà Thượng Giác Nhường (Tp. Cần Thơ) và Hoà Thượng Giác Thuận (tỉnh  Sóc Trăng) là thành viên Hội Đồng Chứng Minh và Thượng Toạ Giác Giới (tỉnh Vĩnh Long) là uỷ Viên Hội Hồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
 
Giáo đoàn 2 do Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh đứng ra thành lập sau khi cùng Giáo đoàn Du Tăng đầu tiên hành đạo ra miền Trung. Bấy giờ, khi Giáo đoàn  Du Tăng cùng Trưởng lão Nhị Tổ Giác  Chánh quay về nam thì quý Ngài Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh có duyên trụ lại, tiếp tục hành đạo thu nhận Tăng chúng xuất gia, thành lập Giáo đoàn 2 (1957- 1958). Phần nhiều do các tịnh xá do Giáo đoàn 2 dựng lập ở các tỉnh, thành như : Hàm Tân, Phan Thiết (Bình Thuận), Khánh Hoà, Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị v.v.v. Giáo đoàn 2 gồm 15 ngôi tịnh xá, tịnh thất. Chư vị giáo phẩm tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam như sau:
 
 Thượng Toạ Giác Thường (Trị sự Giáo đoàn - trụ xứ tịnh xá Ngọc Đăng, Tp. Hồ Chí Minh) là Uỷ Viên Ban Nghi Lễ Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam .
 
 Hoà Thượng Giác Thìn (trụ trì tịnh xá Ngọc Giáng – Đà Nẵng)  Phó Ban Trị sự Phật Giáo Đà Nẵng.
 
 Thượng Toạ Giác Thanh (trụ Trì tịnh xá Ngọc Nguyên – Buôn Mê Thuột) là Phó Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo Daklak.
 
Giáo đoàn 3 do trưởng lão Giác An thành lập. Cũng như chư vị tôn túc. Giáo đoàn 2, sau khi Tổ sư vắng bóng, Trưởng lão đã tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo ra miền Trung. Khi Giáo đoàn quay về Nam thì Trưởng lão trụ lại, tiếp độ Tăng chúng và thành lập Giáo đoàn 3 (1957- 1958). Ngoài một số tỉnh duyên Hải miền Trung như: Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang ( Khánh Hoà), Phú Yên, Sông Cầu, Bình Định, Tuy Phước…, Trưởng lão còn hướng dẫn Giáo đoàn đi hành đạo ngược lại các tỉnh Tây Nguyên như: Daklak, Gia Lai, Kontum…
 
Năm 1971, ngay sau khi lễ Tự Tứ Tăng và Vu Lan Bồn, Trưởng lão Giác An, Đệ Nhất Trưởng lão Giáo đoàn 3 viên tịch tại tịnh xá Ngọc Cát, Phan Thiết. Hiện nay Giáo đoàn 3 do quý Thượng Toạ: Giác Dũng, Giác Đăng, Giác Thảo, Giác Phùng… cùng chung lo Phật sự. Một số vị Giáo phẩm tiêu biểu tham gia các cấp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam  như sau:
 
 Thượng Toạ Giác Dũng. Trụ trì tịnh xá Ngọc Quang Tp. Buôn Mê Thuột, là Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Daklak, Uỷ viên Hội Đồng Trị sự Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV (1997 - 2002 ) và V (2002 - 2007).
 
 Thượng Toạ Giác Đăng, trụ trì tịnh xá Ngọc Pháp, Tp. Nha Trang, là Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hoà.
 
 Thượng Toạ Giác Thành, trụ trì tịnh xá Ngọc Phúc, Tp. Pleiku, là Phó ban Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Gia Lai.
 
Ngoài ra, Trưởng lão Giác An khi quy tịch cũng đã chấp nhận cho một số vị Ni xuất gia. Hiện nay, Ni chúng trực thuộc  Giáo đoàn 3 đã có hơn trăm vị trụ xứ tại các tịnh xá .
 
Giáo đoàn 4 do Hoà Thượng Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng Giáo đoàn. Hoà Thượng Pháp sư là một trong những đại đệ tử của TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG. Sau ngày Tổ sư  vắng bóng, Hoà Thượng Pháp sư đã hai lần tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo ra miền Trung và khi trở về Nam thì Hoà Thượng Pháp sư đứng ra thành lập Giáo đoàn 4 (1957). Các tịnh xá được hình thành phần nhiều tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…Đặc biệt là tại Tp. Hồ Chí Minh, Giáo đoàn 4 có nhiều  cơ sở tịnh xá  liên hệ ở các quận như: quận 2, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn và Bình Thạnh…..
 
Tịnh xá Trung tâm toạ lạc tại số 21 ( số cũ 7) đường Nguyễn Trung Trực, P5 , Q. Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh. Từ khi được xây dựng, tháng 04 năm 1965, đã là trụ xứ gốc của Giáo đoàn 4, nhưng đến khi Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được thành lập thì tịnh xá Trung  Tâm là trụ sở của Giáo Hội Tăng Già Khất  sĩ Việt Nam (1966 - 1981) và từ năm 1981 đến nay, tịnh xá Trung Tâm cũng là một trong những đạo tràng tiêu biểu của hệ phái và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Hàng năm, từ 16 tháng 04 ÂL đến Rằm Tháng 07 ÂL, tịnh xá Trung Tâm là điểm An Cư Kiết Hạ của Chư Tăng hệ Phái Khất Sĩ trong suốt 24 năm qua (1980 - đến nay). Đồng thời cũng là nơi trụ xứ của tăng sinh theo học tại các trường, lớp trung cấp Phật học, cao đẳng Phật học, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và hai lớp đào tạo Trung - Cao cấp giảng sư. Hiện nay, tại tịnh xá Trung Tâm còn có thêm một lớp sơ cấp Phật học cho Tăng sinh tân học xuất gia. Đồng thời cũng là nơi tu tập Bát Quan Trai và Thuyết giảng kinh Pháp hàng tuần cho Phật Tử tại gia.
 
Giáo đoàn 4 hiện do Hoà Thượng Giác Phúc kế nhiệm Trưởng Giáo đoàn, Hoà Thượng Giác Ngộ và Thượng Toạ Giác Toàn là Phó Trưởng Giáo đoàn . Về cơ sở tịnh xá, tịnh thất có 32 ngôi. Một đặc điểm là từ năm 1965 đến nay Giáo đoàn 4 cũng là nơi nương tựa y chỉ về mặt tinh thần tu học cho 2 phân đoàn Ni giới của Ni Trưởng Ngân Liên và Ni Truởng Trí Liên với các tịnh xá , tịnh thất  liên hệ với các khoảng 40 ngôi. Chư vị giáo Phẩm Giáo đoàn 4 đã và đang tham gia các cấp Giáo hội như sau:
 
 Hoà Thượng Giác Phúc, Đệ nhị Trưởng Giáo đoàn là Phó Ban Trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI và V: (1997 - 2007).
 
 Thượng Toạ Giác Toàn là Uỷ Viên  Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (các nhiệm kỳ :I, II, III, IV và V 1981- 2007) và Trưởng Ban Kinh tế Tài Chánh Trung Ương nhiệm kỳ V.
 
Giáo đoàn 5 do trưởng lão Giác Lý đứng ra thành lập từ năm 1960 và làm Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn. Trưởng lão Giác Lý sinh trưởng tại Gò Công, Tiền Giang. Năm 1952, Trưởng lão đã có duyên lành diện kiến TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG  khi Ngài hành đạo đến vùng đất Gò Công và được Tổ Sư tiếp độ xuất gia. Sau khi Tổ sư vắng bóng, Trưởng lão cùng Giáo đoàn 5, tiếp độ tăng chúng và dựng lập tịnh xá từ 2 miền Trung – Nam như: Quảng Nam (Hội An), Cam Ranh, Tháp Chàm, Bình Long, Bà Rịa -VũngTàu, Tp. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long và ngay tại quê hương Gò Công… Giáo đoàn 5 có hơn 20 tịnh xá, tịnh thất do Trưởng lão Giác Lý trực tiếp chứng minh dựng lập sau 15 hướng dẫn Giáo đoàn hành đạo. Ngài viên tịch tháng 02 năm 1973 tại tịnh xá Trung Tâm, Phú Lâm, quận 6, Tp. Hồ Chí Minh. Chư vị giáo phẩm tham gia Phật sự tại các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam  như sau:
 
Hiện nay Thượng Toạ Giác Hà, trụ trì tịnh xá Trung Tâm, quận 6, là Uỷ Viên Ban Trị sự Thành Hội Phật Giáo Tp. Hồ Chí Minh; Phó Ban Từ Thiện xã hội Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam .
 
 Thượng Toạ Giác Cầu, trụ trì tịnh xá Ngọc Thạnh, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, là Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
 Thượng Toạ Giác Tràng, trụ trì tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An, là Phó Ban Trị sự  - Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam.
 
 Thượng Toạ Giác Nhân, trụ trì tịnh xá Trung Tâm, quận 6 là Uỷ viên Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam .
 
 Thượng Toạ Giác Nhân, trụ trì tịnh xá Ngọc Lợi, Phó Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang.
 
Giáo đoàn 6 do Hoà Thượng Giác Huệ đứng ra thành lập từ năm 1962 đặt trụ xứ gốc tại giảng đường Lộc Uyển, quận 6,Tp. Hồ Chí Minh tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo miền Trung (1957 – 1958 - 1960). Năm 1962 được sự giúp  sức của chư tôn đức Tăng Ni… Hoà Thượng đứng ra thành lập Giáo đoàn 6 làm trưởng Giáo đoàn . Giáo đoàn 6 hiện có 18 ngôi tịnh xá, tự viện và tịnh thất.
 
Ngoài ra còn có một số Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ do Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên là Trưởng Tử Ni của TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG  đứng ra thành lập. Buổi đầu, hàng Ni Giới do Tổ sư tiếp độ và giáo dưỡng đến khi Tổ sư vắng bóng , năm 1956, quý Ni sư kế thừa trực tiếp lãnh đạo và thành lập Giáo hội Ni Giới Khất sĩ Việt Nam, đặt trụ sở tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Gia Định, nay là Tp. Hồ Chí Minh.
 
Giáo đoàn Ni Giới do Ni Thích Nữ Huỳnh Liên và Ni Trưởng Thích Nữ Bạch Liên trực tiếp hướng dẫn nối gót Giáo đoàn Du Tăng, thực hiện gương hạnh Thầy Tổ đi hành đạo suốt hai miền Nam - Trung (và cao nguyên), thu nhận nhiều giới tử phát tâm xuất gia vào các Giáo đoàn Ni và cư sĩ Phật tử tại gia hộ trì Tam bảo. Đồng thời, quý Ni trưởng  cũng đứng ra dựng lập hàng trăm ngôi đạo tràng tịnh xá để Ni giới có nơi dừng chân tu học, giáo hoá cư gia và thiện tín có nơi nương tựa, tin tấn thọ học, tích tụ phước duyên, tăng trưởng đạo lành. Từ Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh miền Đông, miền Tây - Đồng Bằng Nam Bộ… đến các tỉnh miền Trung, Cao Nguyên…. Nơi nào cũng có hình bóng Tăng Ni Du Tăng Khất sĩ hoá duyên hành đạo, thể hiện tâm nguyện Tổ Thầy. Suốt nhiều chục năm dài tận tuỵ, năm 1987, Ni Trưởng thọ bệnh và viên tịch. Hiện nay, Giáo đoàn Ni giới do Ni trưởng Ngoạt Liên kế thừa  trong hàng Ni giới Khất sĩ. Giáo đoàn  Ni giới có 164 ngôi tịnh xá, tịnh thất và tự viện có trú xứ tu học hàng năm từ 16 tháng 04 ÂL đến rằm tháng 07 ÂL, tại tịnh xá Ngọc Phương đều có tổ chức Khoá An Cư Kiết Hạ để chư Ni các miền tịnh xá được tập trung về thọ học Kinh Luật Luận và tinh tấn tu học.
 
C.- Thời kỳ Hiệp Nhất về Pháp Lý thập niên 1964- 1974
 
Được sự khuyến khích hỗ trợ của Tăng tín đồ. Hoà Thượng giác Nhu (viên tịch 02 tháng 09 năm 1997) và Hoà Thượng Giác Thường thuộc Giáo đoàn 1 đứng ra làm sáng lập viên vận động thành lập  Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam có tư cách pháp nhân, pháp lý đương thời.
 
Thượng tuần tháng 05 năm 1966 đại hội đầu tiên được triệu tập để thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam, nhiệm kỳ I (1966 - 1969). Đến năm 1971, do yêu cầu  phát triển tổ chức Khất sĩ thành lập  hai viện:
 
 Viên chỉ đạo gồm quý Trưởng lão tôn đức lãnh đạo.
 
 Viên hành đạo gồm quý Thượng Toạ, Đại Đức có năng lực. Sự kiện này được thực hiện có tính cách nội bộ cho đến ngày đất nước hoà bình độc lập và thống nhất.
 
Thập niên thứ ba, tịnh xá Tăng từ 100 ngôi lên đến 150 ngôi, chư Tăng từ 300 vị lên hơn 500 vị.
 
D.- Thời kỳ trụ xứ và thập niên 1975 - 1984
 
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 đất nước hoà bình, chư Tăng Ni Khất sĩ dừng chân du hoá an tịnh thường trú tại những ngôi tịnh xá được thành lập trước đây tiếp tục con đường tu hành theo lối giáo huấn của Tổ sư “Nên tập sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung và cái linh là phải tu chung” với bản năng sẵn có của con Phật “Dĩ hoà vi Quí, dĩ nông vi Thiền, dĩ tâm vi Phật” Tăng Ni Khất sĩ đã ứng hiệp làm tròn bổn phận “Tác như lai sứ, hành như lai sự” tại mỗi quốc độ đạo tràng tuỳ duyên hoan hỷ tham gia, các công trình  lao động, sản xuất tiểu thủ công nghiêp, trồng chế biến thuốc dân tộc  Đông Y, châm cứu, nông nghiệp v.v.v.
 
Đặc biệt trong mười năm nay, dù an trú mỗi đạo tràng, nhưng tinh thần hoà hợp, đoàn kết Tăng Ni Khất sĩ ngày càng được củng cố thể hiện thực sự.
 
III Tạm Kết
 
Dòng thời gian mỗi ngày mỗi trôi qua.
 
Trang Đạo mỗi ngày sẽ ghi thêm nhiều nét mới
 
Cầu nguyện Chư Phật, Chư Tổ chứng minh, Chư Thiên hộ pháp hộ trì những dòng sử Khất Sĩ nối tiếp sẽ luôn luôn tươi đẹp, thiền tịnh trang nghiêm như những bước chân hoá đạo chân hoá đạo hiền hoà của Chư Tỳ Kheo, Sa Môn Khất sĩ trong thời chánh Pháp.
 
 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
 
Sa môn Thích Giác Toàn (Theo daophatkhatsi.net)