Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Sáng ngày 01/02/Kỷ Hợi, Ni giới Hệ phái Khất sĩ trang nghiêm Lễ Tưởng niệm 65 năm ngày Tổ Sư Minh Đăng Quang – Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, vắng bóng (01/02/ Giáp Ngọ – 01/02/ Kỷ Hợi) và Khánh thành Tổ đình Minh Đăng Quang, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.

Chư Tôn đức Giáo phẩm Ni giới Hệ phái tham dự: NT. Tân Liên – Phó trưởng Phân ban Ni giới TƯ, trụ trì Tịnh xá Ngọc Quang, Gò Công; NT. Chiêu Liên – Chứng minh  Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai, trụ trì Tịnh xá Ngọc Khánh, Long Khánh; NT. Phục Liên – Quản chúng Tổ đình Ngọc Phương; NT. Ngôn Liên – trụ trì Tịnh xá Ngọc Mỹ, Mỹ quốc; NT. Tố Liên – Uỷ viên HĐTS, Chứng minh Phân ban Ni giới TƯ; NT. Kinh Liên – trụ trì Tịnh xá Bửu Quang, Bình Định; NT. Thẩm Liên – trụ trì Tịnh xá Ngọc Lâm, Lâm Đồng, NT. Hiếu Liên – trụ trì Tịnh xá Ngọc Phú, Tịnh xá Ngọc Long, Đồng Nai …  cùng chư Tôn đức Trụ trì Tịnh xá các miền Nam, Trung, Bắc, đã hướng dẫn 400 chư Ni và 2000 Phật tử trở về Tổ đình Minh Đăng Quang tham dự Lễ Tưởng niệm lần thứ 65 ngày Tổ sư vắng bóng.

Ngày 29/01/ Kỷ Hợi, NT. Tân Liên – Phó trưởng Phân ban Ni giới TƯ, Phó ban Thường trực Giáo phẩm NGHPKS, trụ trì Tịnh xá Ngọc Quang, Gò Công, đã cùng với quý Ni trưởng Giáo phẩm NGHP hướng dẫn chư Ni NGHPKS đến dâng hương Tưởng niệm và dự Lễ Khánh thành. Ni trưởng đã đại diện NGHP dâng lễ vật và cúng dường tịnh tài 500 triệu.

NT. Tân Liên dâng lễ vật và cúng dường tịnh tài

HT. Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang,
Phó ban Tổ chức đón nhận phần quà của Ni giới Hệ phái.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập Đạo Phật Khất Sĩ và hoằng hoá Phật pháp đầu tiên tại vùng Mỹ Tho, năm 1946 khi Đức Tổ Sư từ Vĩnh Long đi hành đạo đến miền Thất Sơn, được các thiện hữu cư sĩ thỉnh về hành đạo tại chùa Linh Bửu (làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho).

Tại đây, Ngài độ Ni trưởng Huỳnh Liên (Ni trưởng Nhất); NT. Bạch Liên (Ni trưởng Nhị); NT. Thanh Liên (Ni trưởng Tam). Ni giới Khất sĩ được hình thành từ đây. Việc tu học của Tăng Ni lúc bấy giờ do đức Tổ Sư trực tiếp thâu nhận và giáo dưỡng; riêng Ni chúng, Đức Tổ sư dạy Ni trưởng Huỳnh Liên (với cương vị Trưởng tử Ni, lãnh nhiệm vụ nhắc nhở dạy bảo thêm cho chư Ni). 

 Qúy Ni trưởng, quý Ni sư Ni giới Hệ phái tham dự Đại lễ

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, lúc bấy giờ Ni giới có 53 vị, Ni trưởng Huỳnh Liên kế tục sự nghiệp đức Tổ sư, trực tiếp lãnh đạo Ni chúng. Ngày 11/01/1958, theo Nghị định số 7-BNV-NA-P5, cho phép thành lập Giáo hội do Tham lý Nội an Vũ Tiến Huân ký, với danh xưng Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam (thường gọi là Giáo hội Liên Hoa Khất Sĩ), trụ sở đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương, nay là Tổ đình Ngọc Phương, Phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Trong không khí trang nghiêm của ngày Đại Lễ kỷ niệm Tổ Sư vắng bóng lần thứ 65, toàn thể chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử với tâm thành kính đảnh lễ Đức Tổ Sư. Tiếp sau đó, Ni sư Tín Liên – UV HĐTS, Phó thư ký Ni giới Hệ phái, đại diện chư Tôn đức Ni đã dâng lời Tưởng niệm. 

Ni sư Tín Liên – UV HĐTS, Phó thư ký Ni giới Hệ phái, đại diện chư Tôn đức Ni dâng lời Tưởng niệm

"Nhớ năm xưa, khi Đức Tổ Sư đại ngộ đạo mầu, khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, là một trong những truyền thống biệt truyền của Phật giáo Việt Nam tại miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ 20 (1944). Buổi đầu tiên khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ, với biết bao gian nan thử thách, nhưng Đức Tổ Sư đã vượt lên tất cả, đem ánh đạo vàng truyền bá khắp nơi nơi, khuyên người trì trai giữ giới, thành lập đạo tràng, thiện nam tín nữ lớp lớp hàng hàng Quy y Tam bảo, phát nguyện xuất gia, sống đời phạm hạnh, tam y nhất bát, lập thành Giáo hội đạo tràng, du phương hành đạo. Quả thật:

Thương sanh chúng trần ai đau khổ

Phát Bồ đề khắp chỗ ruỗi giong

Đội trời đạp đất chân không

Bát cơm từ ái tấm lòng từ bi.

Do quán triệt được Chân lý của sự sống, nhận chân được mối quan hệ hữu cơ giữa người và người, giữa người và tất cả chúng sanh, Đức Tổ Sư luôn  kêu gọi mọi người “Nên tập sống chung tu học”; khuyến khích mọi người hãy cùng chung xây dựng một cõi đời đạo đức, một cõi Phật tại nhân gian, một cuộc sống an vui hạnh phúc cho nhân loại ngay tại trần thế nầy bằng cách: “Mỗi người phải biết chữmỗi người phải thuộc giớimỗi người phải tránh ácmỗi người phải làm thiện”. Ngoài ra, Đức Tổ Sư còn chủ trương và khuyến hóa chư đệ tử với quan niệm: “Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta”.

Kể từ đó, bóng y vàng phất phới khắp non sông. Thế rồi, vào ngày mùng một tháng hai năm Giáp Ngọ (1954) Đức Tổ Sư vắng bóng, Giáo hội Khất sĩ vắng bóng bậc Tổ sư tôn kính. Tuy Đức Tổ Sư đã vắng bóng, nhưng Chư Tôn đức Tăng Ni Khất sĩ vẫn một lòng vâng giữ lời dạy của Đức Tổ Sư, tiếp bước du phương hành đạo, truyền bá Chánh pháp cho đến ngày hôm nay.

Từ ngày Đức Tổ Sư vắng bóng, đến nay đã trải qua 65 mùa mai vàng thay cánh, 65 năm chúng con mất đi một bậc lãnh đạo tinh thần. Tất cả hàng đệ tử chúng con lòng tràn đầy sự buồn thương quý kính, không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả cho cùng tận nỗi niềm thành kính tri ân và mong ngày Đức Tổ sư trở về trong ánh quang minh rạng rỡ.

Kế thừa sự nghiệp cao cả của Đức Tổ Sư, tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp, tất cả Chư Tôn đức Trưởng lão, Tăng Ni trong Hệ phái đã chung sức chung lòng, đoàn kết hòa hợp, quyết tâm phát triển Hệ phái Khất sĩ ngày một vững mạnh, trang nghiêm trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và xã hội, cũng như vươn ra cùng thế giới. Vì thế, trong quá trình tu tập, hành đạo, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chư Tôn đức Trưởng lão Hệ phái, Ni giới chúng con đã nỗ lực tự thân trong từng sát na, khắc kỷ tự tâm, giữ gìn giới luật, nỗ lực tiến tu, hoàn thành các Phật sự mà Giáo hội và Hệ phái giao phó, nhất là trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó có nét đẹp truyền thống của Hệ phái Khất sĩ, truyền thống Y Bát chơn truyền mà Đức Tổ Sư đã thực hành, đã làm sống lại hình ảnh Khất sĩ của Đức Phật thuở xưa, hình ảnh một nhà Sư thân đắp y vàng, tay ôm bình bát đất, đi khất thực vào mỗi buổi sáng, trưa độ ngọ dưới cội cây, chiều thuyết pháp giảng kinh…

Chư Tôn đức Giáo phẩm và chư Ni Ni giới Hệ phái chụp ảnh lưu niệm tại Tổ đình Minh Đăng Quang nhân Lễ Tưởng niệm  lần thứ 65

Dòng đời xoay chuyển, trăng lặn hoa tàn, các bậc cao Tăng thạc đức, đại đệ tử của Đức Tổ Sư lần lượt thoát trần Cao đăng Phật Quốc, nhưng giáo pháp Khất sĩ vẫn được kế thừa và phát triển vững mạnh, từ số lượng Tăng tín đồ trong nước và nước ngoài, cho đến nội dung tu học cũng như trong tất cả các sinh hoạt Phật sự. Đây là những thành quả tốt đẹp cao thượng mà Tăng Ni, Phật tử thành kính cung dâng Đức Tổ Sư nhân ngày đại lễ Kỷ niệm Đức Tổ sư vắng bóng, ngưỡng mong báo đáp ân đức sâu dày của bậc Đại ân khai sáng Chánh pháp trong muôn một.

Sự hiện diện của Đức Tổ Sư tuy rất ngắn ngủi nhưng tầm ảnh hưởng của Ngài vô cùng quan trọng, vô cùng thẩm sâu và chan hòa bất tận. Vì Đức Tổ Sư đã đi bằng tâm, nói bằng tâm và hành động bằng tâm, nên tâm tâm tương ứng. Với Pháp thân vô biên, Pháp giới vô tận, Đức Tổ Sư sẽ hiện hữu khắp muôn nơi, trong tất cả và siêu việt tất cả.

Quả thật:

Báu chất đầy non chẳng sánh bằng,

Phong quang đức độ Đấng Hiền Tăng.

Một đời hóa chúng nêu từ hạnh,

Niệm niệm Hoằng dương chói Tuệ đăng.

Vì vậy, chúng ta Tổ chức Đại Lễ Tưởng niệm không phải chỉ để tưởng nhớ Đức Tổ Sư, mà là dịp để Tăng tín đồ Hệ phái cùng nhau ôn lại những lời dạy cao quý của Đức Tổ Sư, trao đổi kinh nghiệm hành đạo, đặc biệt Tăng Ni, Phật tử trong Hệ phái thể hiện sự đoàn kết hòa hợp, đồng tâm nhất trí làm cho ánh đạo vàng Khất sĩ chiếu rạng khắp muôn phương. Trong ngày Lễ trọng đại này, toàn thể Ni giới chúng con nhất tâm phát nguyện:

Một lòng đoàn kết quyết giồi trau

Chánh pháp tuyên dương ánh đạo mầu

Rạng rỡ Ni lưu dòng họ Thích

        Viên thành hạnh nguyện thật thanh cao. 

Trong giờ phút thiêng liêng, trân trọng này, giữa Pháp hội thanh tịnh, đượm nhuần ân đức Tổ Sư, chúng con thành tâm kính chúc Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Hệ phái, Chư Tôn Giáo phẩm, Đại chúng Tăng Ni vô lượng an lạc, Phật sự viên thành”.

Theo Daophatkhatsi.vn