Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp
về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức
khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị. Tôi xin đề nghị với bạn một thứ
quyền lực khác, một thứ quyền lực vượt bậc hơn: quyền lực giúp ta thoát khỏi sự
ám ảnh của mê đắm, sợ hãi, tuyệt vọng, sự trấn ngự của kỳ thị, sân hận, ngu dốt,
quyền lực giúp ta đạt được hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là một
thứ quyền lực mà bất cứ ai sinh ra cũng đều có quyền hưởng, không phân biệt
sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu. Xin mời bạn cùng tôi tìm hiểu thứ quyền lực đặc
biệt này.
Tất cả chúng ta ai cũng muốn có quyền lực và thành công.
Nhưng nếu vì cố sức tranh đấu để có được quyền lực, rồi lại cố sức tranh đấu bảo
vệ quyền lực mà bị hao mòn, mệt mỏi, bị chia cách tình nghĩa thì đâu còn có thể
vui hưởng quyền lực và thành công? Quyền lực và thành công như vậy thật chẳng
có ý nghĩa gì? Sống một cuộc sống sâu sắc và hạnh phúc, có thì giờ chăm sóc người
thương là một thành công khác, một quyền lực khác, một thứ thành công và quyền
lực quan trọng hơn nhiều. Chỉ có một thành công đáng kể đó là thành công khi
chuyển hóa tự thân, vượt thắng phiền não, sợ hãi và sân hận. Đây là thứ thành
công, thứ quyền lực đem lợi lạc cho chính ta và cho những người khác mà không
gây ra một tác hại nào.
Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không
phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng chúng ta theo đuổi quyền lực, danh tiếng
hay tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền thế mà không hạnh phúc
thì giàu có và quyền thế để làm gì?
Ước vọng vun trồng hiểu biết, thương yêu, ước vọng giúp đời
là một năng lượng mầu nhiệm khiến cho cuộc sống có mục tiêu chân thực. Nhiều bậc
thầy vĩ đại trước chúng ta – Jesus, Bụt, Mohamed và Moses đã từng có ước vọng như thế. Ngày nay chúng
ta cũng có ước vọng sâu sắc như các vị: thực hiện hòa bình, vượt thắng khổ đau
và giúp đỡ người khác. Chúng ta đã chứng kiến những người chỉ một mình mà có thể
giải thoát, chữa lành cho hàng ngàn có khi hàng triệu người. Mỗi chúng ta -
chính trị gia, thương gia, công nhân, nhân viên, hay nghệ sĩ… - đều cùng chung
ước vọng như thế. Nhưng cần phải nhớ rằng muốn thực hiện ước vọng đó trước hết
ta phải chăm sóc ta. Muốn đem lại hạnh phúc cho người khác thì chính ta phải tỏa
chiếu hạnh phúc. Và đây là lý do vì sao
phải thực tập để chăm sóc thân tâm của mình trước. Chỉ khi thân tâm vững chãi
ta mới đủ khả năng chăm sóc người ta thương.
Sống thiếu tỉnh thức, thiếu khả năng nhìn rõ thực trạng
chung quanh thì chẳng khác gì một chuyến xe lửa tốc hành không người lái. Điều
này lại càng đúng hơn trong đời sống nghề nghiệp, nếu quá chú tâm đến nghề nghiệp
thì cứ mãi quay cuồng. Đau khổ trong đời tư ảnh hưởng tới nghề nghiệp và ngược
lại, đau khổ trong nghề nghiệp ảnh hưởng tới đời tư. Ôm đồm quá nhiều việc, hoạch
định thiếu thực tiễn, môi trường làm việc không thoải mái, luôn bị căng thẳng,
luôn lo sợ bị sa thải – đó là những nguyên nhân gây đau khổ trong nghề nghiệp.
Những đau khổ đó sẽ ảnh hưởng tới cả đời sống. Và hình như chẳng có ai giúp ta
được. Nhưng mà đâu đến nỗi như vậy. Nếu biết tu tập vun trồng quyền lực đích thực,
một thứ quyền lực chứa đựng tính chất tâm linh, nếu biết chánh niệm trong mọi
liên hệ hằng ngày thì chúng ta có thể thay đổi hoàn toàn phẩm chất công việc
cũng như phẩm chất cuộc sống của chúng ta.
Chánh niệm là thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, là tiếp
xúc với những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Sử dụng những cách thực
tập đơn giản để rèn luyện tâm trí và tập trung tâm ý thì không những chúng ta sẽ
làm việc năng suất và hữu hiệu hơn mà còn thoải mái, hăng say hơn. Chúng ta có
đủ thì giờ để chăm sóc những người thương và những việc quan trọng nhất của
chúng ta. Chúng ta có thể sống trọn vẹn từng giây phút, ý thức rằng đây là giây
phút tuyệt vời, giây phút duy nhất mà ta thực sự có được.
Khi chú trọng vào quyền lực tâm linh, lòng từ bi cũng sẽ trở
thành mục đích của ta bên cạnh mục đích tối hậu là cầu lợi. Chúng ta không cần
khước từ tài lợi nhưng lòng từ bi sẽ giúp chúng ta thành công hơn về kinh tế
hay chính trị. Tôi tin rằng nếu bổ sung ý thức về ảnh hưởng tích cực của chúng
ta tới người khác và trên thế giới vào những mục đích chính của doanh nghiệp
thì chỉ tốt cho doanh nghiệp mà thôi. Một doanh nghiệp biết phối hợp thông minh
mục đích thu lợi với đức tính thanh liêm và ý thức quan tâm tới thế giới thì
nhân viên dưới quyền luôn được vui vẻ, khách hàng luôn được vừa ý, đồng thời sẽ
thu lợi gấp bội. Hằng năm tạp chí Fortune có đăng danh sách một trăm công ty lý
tưởng để xin vào làm. Những công ty đó luôn luôn thành công trên mọi mặt. Hàng
năm họ nêu rõ chính sách chú trọng bảo hiểm sức khỏe, chăm sóc thiếu nhi, chế độ
ngày nghỉ, ý thức bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi tức. Những công ty rất đáng
khâm phục đó biết rõ rằng đầu tư tiền bạc, thì giờ và năng lực vào việc chăm
sóc sức khỏe và an lạc của nhân viên và cộng đồng là việc làm thiết yếu cho sự
phát triển vững mạnh của công ty mình.
Hầu hết các nhà chính trị và doanh nghiệp – từ kỹ nghệ dược
phẩm cho đến kỹ thuật truyền thông – luôn luôn bắt đầu bằng một ý hướng giúp giảm
bớt khổ đau. Ý hướng đó cần phải được nuôi dưỡng vì khi tâm cầu lợi lấn át ý hướng
cao đẹp ấy thì chúng ta sẽ tự hủy diệt. Bài học của bao nhiêu doanh nghiệp như
Eron, Tyco, Worldcom sụp đổ vì gian lận nhắc nhở ta điều đó. Vì vậy kinh doanh
với tâm từ bi, lân mẫn là điều rất quan trọng. Nếu không có tâm từ bi thì dù
cho giàu có cách mấy cũng không hạnh phúc được. Bạn sẽ cô đơn, sẽ bị giam hãm
trong thế giới của riêng mình, và không có cơ hội để liên hệ hay hiểu biết ai.
Chỉ mưu cầu tài lợi mà bỏ quên tâm từ bi sẽ làm cho bạn đau khổ cũng như làm
cho người khác đau khổ.
Nhìn cho sâu sắc bạn sẽ thấy khổ đau chung quanh bạn và bạn
sẽ phát tâm muốn làm vơi đi những khổ đau đó. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng đem
niềm vui đến cho người khác là một nguồn vui lớn nhất, là một thành công vượt bậc.
Tạo dựng quyền lực chân thực đâu cần phải khước từ một cuộc sống cao sang. Bạn
sẽ sống thỏa mãn hơn, sẽ cảm thấy thảnh thơi, hạnh phúc khi đem niềm vui tới
cho người và giúp người bớt khổ.