Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn
cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu... để cúng đồ
ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo
Sư:
- Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều
loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi
ích nào không?
Thế Tôn nói:
- Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi
đã sát sanh, làm sao có lợi ích được? Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư
không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở
cõi Diêm-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động
ấy lại khởi lên.
Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một
Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng
dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử.
- Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó,
đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại
đây.
Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt
cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ
đời trước, suy nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ", vì vậy nó cảm
thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ: "Bà-la-môn
này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước", nó khởi lòng
thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó:
- Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì
bạn cười, vì nhân gì bạn khóc?
- Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông!
Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe
câu chuyện, hỏi con dê:
- Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc?
Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của
mình, và nói với Bà-la-môn:
- Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một
Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết
một con dê để cúng dường. Vì giết chỉ một con dê, ta bị chém đầu trong bốn trăm
chín mươi chín lần sống chết. Nay là lần thứ năm trăm sống chết cuối cùng của
ta. Hôm nay, ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, ta cảm thấy sung sướng,
do nhân duyên này ta cười. Còn ta khóc, vì ta nghĩ rằng chỉ vì giết một con dê,
ta phải chịu khổ hình chặt đầu đến năm trăm lần. Hôm nay ta sẽ thoát cái khổ ấy.
Nhưng Bà-la-môn này, vì giết ta, sẽ như ta chịu khổ hình chặt đầu trải năm trăm
đời sống. Vì thương xót ông, nên ta khóc.
- Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi!
- Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay
không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết!
- Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi!
- Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh
bạo thay là nghiệp ác ta làm!
Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử:
Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê
vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá
cỏ. Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi
trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy
lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng
nhìn, và suy nghĩ: "Những chúng sanh này, nếu biết được kết quả của việc
ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!" Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết
pháp qua bài kệ:
Nếu chúng sanh biết được
Sự này sanh đau khổ,
Hữu tình sẽ không còn
Giết hại hữu tình nữa,
Vì ai giết hũu tình,
Sẽ phải sầu, phải khổ.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp khiến cho mọi người sợ hãi địa
ngục. Và nhiều người nghe bài thuyết pháp ấy, biết sợ hãi điạ ngục, nên từ bỏ
sát sanh. Bồ-tát thuyết pháp xong, an trú quần chúng vào Ngũ giới, rồi về sau
đi theo nghiệp của mình. Còn quần chúng, an trú trong lời khuyên của Bồ-tát, sau
khi làm các phước đức như bố thí v.v... được sanh lên thiên giới, làm tràn đầy
thành phố chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện
với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, Ta là vị thần cây.