Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thật thoải mái và thuận tiện khi phó thác trách nhiệm nuôi nấng dạy dỗ con cái mình cho nhà trường, cho các chương trình tivi, các trò chơi vi tính, v.v… Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng sẽ rất xa cách cha mẹ mình và rất cách biệt với tự nhiên, hoặc chúng sẽ trở thành những kẻ hoàn toàn dửng dưng, lạnh lùng trước những đau khổ của người khác. Nếu bạn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những kỹ nghệ và sản phẩm nhân tạo giả ảo không thật, lẽ dĩ nhiên các em sẽ trở thành tấm gương phản chiếu chính những công nghệ giả ảo này. Là bậc cha mẹ, trọng trách của chúng ta là phải giáo dưỡng con cái, không chỉ đơn giản là chăm sóc về mặt vật chất như lo cho con cái ăn cái mặc, mà quan trọng hơn là săn sóc, trưởng dưỡng, vun bồi về mặt đạo đức, tinh thần và tâm linh cho con.
Trong rất nhiều trường hợp, nhân duyên nghiệp quả cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Có những trẻ em lớn lên trở thành những con người tuyệt vời bất chấp môi trường sống khắc nghiệt ngay từ thời thơ ấu. Vì vậy, chúng ta không thể nói một cách quyết chắc điều gì. Tuy nhiên, chúng ta cần nhắc mình luôn tạo điều kiện cho trẻ em gần gũi với Mẹ Thiên Nhiên. Nếu không hiểu biết về Thiên Nhiên, các em sẽ không biết quý trọng và tri ân thiên nhiên, chính điều này giải thích tại sao ngày nay con người lạm dụng thiên nhiên và ngược đãi môi trường tự nhiên một cách vô lối. Khi chúng ta kết nối với thiên nhiên và môi trường sống quanh ta, chúng ta sẽ hiểu được cơ chế vận hành của tự nhiên và nhận thức được đời sống của con người lệ thuộc vào tự nhiên nhiều tới mức nào. Chỉ khi có được nhận thức đúng đắn như vậy, chúng ta mới hiểu hết giá tri của Thiên Nhiên và biết trân trọng Thiên Nhiên.
Nhớ lại kỷ niệm thuở ấu thơ, tôi còn nhớ khi lên 5 tuổi. Khi đó tôi thường dạo quanh khắp tự viện một mình ban đêm, chỉ để kiểm tra xem đèn đã được tắt hết chưa. Vì vừa thấp lại vừa bé nên tôi thường hết sức vất vả mới có thể tắt được điện, đặc biệt là những công tắc đèn trong nhà tắm và nhà vệ sinh. Rất nhiều người luôn quên tắt điện những khu này khi đã xong việc. Vì vậy nên tôi luôn nghĩ rằng mình có trách nhiệm kiểm tra và tắt tất cả các bóng đèn. Ngài Khenpo Noryan, bậc giáo thọ kính yêu của tôi, đã có vài lần ngợi khen việc làm này của tôi trước mặt các Tăng sĩ lớn tuổi hơn, “Dù Ngài còn rất nhỏ tuổi, nhưng Ngài đã có ý thức vô cùng chín chắn và tinh thần trách nhiệm cao, Ngài không muốn lãng phí mọi nguồn năng lượng. Còn các vị, dù đã trưởng thành và có vóc dáng cao lớn, nhưng suy nghĩ của các vị lại rất thiển cận. Các vị thường xuyên để mặc vòi nước chảy và đèn bật sáng một cách lãng phí mà chẳng quan tâm chút nào đến môi trường”. Tuy nhiên, ngoài những lời khen này, hầu hết thời gian, các vị giáo thọ khác, tổng cộng là 8 vị, thường hết sức nghiêm khắc và đem lại cho tôi vô số thử thách, khó khăn, bởi vì tôi không siêng năng, chuyên cần mà còn rất nghịch ngợm. Những khi đó tôi có thể bị phạt rất nặngVì cha mẹ không được phép ở bên tôi nên ngay từ khi tôi còn rất nhỏ, nên tôi đã có một thời thơ ấu độc lập và đầy chông gai, thử thách. Nhưng các vị giáo thọ của tôi, đặc biệt Ngài Khenpo Noryang, rất hay khen ngợi tôi vì thành tích “trực đêm”, đi khắp mọi nơi trong tự viện để kiểm tra và tắt đèn, này. Chính điều đó đã khích lệ tôi, nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn vốn là những phẩm chất tự nhiên sẵn có trong mình.
Lẽ dĩ nhiên, cũng giống như hầu hết các bạn, tôi dần bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống hiên đại hoá. Sau này, tôi cũng nhận ra rằng mình đã vô ý để quên không tắt đèn trong phòng tắm. Điều này cũng giống như lời phát nguyện Quy Y và việc tu tập tâm linh của chúng ta. Khi mới sơ cơ nhập đạo, chúng ta phát tâm vô cùng mạnh mẽ. Lúc đó, dường như chúng ta mong thành tựu giác ngộ ngay tức thì. Chúng ta muốn tu tập hàng nghìn biến lễ lạy, trì tụng hàng chục nghìn biến chân ngôn mỗi ngày. Nhưng dần dần, cùng với thời gian, động cơ của chúng ta ngày một yếu đi, Bồ đề tâm dần thối chuyển, chúng ta không còn hăng hái như ngày đầu. Cuộc sống có biết bao sự phan duyên, biết bao lý do khiến chúng ta có thể dễ dàng thuyết phục bản thân, chẳng hạn như “Hãy đi xem đằng kia chuyện gì đang xảy ra, sau đó về tu tập cũng chưa muộn. Nếu hôm nay không có thời gian, ta để ngày mai tu cũng không sao”. Một khi sự thực hành tu tập của chúng bị gián đoạn, chúng ta sẽ dần đi chậm lại và sẽ ngày càng có thêm nhiều trở ngại. Cuối cùng, sẽ đến một lúc chúng ta hoàn toàn để mất động cơ mạnh mẽ ban đầu, mất đi Bồ đề tâm với mong nguyện tu tập giác ngộ để giải thoát hết thảy hữu tình. Nhân duyên dẫn dắt, đưa đẩy theo hướng trượt dốc đó, những tập khí tiêu cực của chúng ta dần khôi phục và lấn lướt trở lại. Trong thời gian rất ngắn, chúng ta thậm chí sẽ trở nên giải đãi, tiêu cực hơn cả lúc chưa phát tâm ban đầu. Giống như tất cả những việc khác, chúng ta cần luôn duy trì thực hành tu tập tâm linh và trưởng dưỡng Bồ đề Tâm kiên cố để giữ cho ta đi đúng đường. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn đi và xa rời đường đạo, thối thất Bồ đề Tâm mạnh mẽ, tinh khôi ngày đầu.
Vì chúng ta cần nỗ lực không ngừng để quay về với Tự nhiên, bù đắp cho tự nhiên,............