Muốn tìm ra giá trị chân thật của mạng sống, đòi hỏi chúng ta phải xem thử mình sử dụng sinh mạng như thế nào; chỉ cần biết sử dụng sinh mạng, sẽ nhận ra ngay giá trị sống. Song có điều, giá trị sống có mặt chính và mặt phụ.
Trước khi xây dựng giá trị sinh mạng, và phát huy ý nghĩa sinh mạng, đầu tiên cần phải hiểu rõ yếu tố cấu thành giá trị sinh mạng. Có 3 hiện tượng cơ bản: Thứ nhất, hiện tượng tư tưởng; thứ hai, hiện tượng ngôn ngữ; thứ ba, hiện tượng hoạt động của thân thể. Nhà Phật gọi ba “nhà” này là “tam nghiệp”. Hành vi hoạt động của thân thể, gọi là “thân”; hành vi của lời nói, gọi là “miệng”; hành vi của tư tưởng, gọi là “ý”. Muốn biết giá trị của sinh mạng là chính hay phụ, phải xem chúng ta vận dụng ba thành tố này ra sao, sử dụng “tam nghiệp” này như thế nào.
Cái gọi là “mặt phụ” của giá trị sinh mạng, ngay cả xét trên phương diện phẩm đức, nhân cách cũng chưa đủ. Nếu quá chú trọng về nhu cầu vật chất và dục vọng của sự sinh tồn, như ăn uống, trai gái… - bởi đây là bản tính của động vật, biểu hiện thú tính - một khi dục vọng về những thứ này tương đối mạnh, nhất định tinh thần sẽ tỉ lệ nghịch.
Còn giá trị sinh mạng của “mặt chính” là sao? Là phát huy đầy đủ hành vi cần phải có của một con người, bao gồm: Luân lí đạo đức, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau trong vấn đề giao tiếp hằng ngày, lí tính và tư tưởng. Đặc biệt lí tính và tư tưởng, sở dĩ con người được xem là quí, bởi vì con người có lí tính, biết tư duy và có tư tưởng.
Con hổ ăn thịt người, nó chỉ nghĩ làm sao để ăn, lúc nào nơi nào cũng tìm cách để ăn, không cần quan tâm đến những thứ khác, không cần suy nghĩ con người có thể ăn được hay không? Con gà có thể ăn được hay không? Nếu con người chúng ta không có tư duy, tư tưởng, thì việc làm và lời nói chẳng khác nào loài động vật.
Trong tất cả các loài động vật, chỉ có con người mới có tư tưởng, thế tại sao không vận dụng ưu điểm này, làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa? Sống đúng với danh nghĩa là một con người, có trái tim, có khối óc, biết thương yêu, biết tha thứ, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết mỉm cười, ngay tức khắc mặt chính giá trị sinh mạng liền xuất hiện.
Nên lặng tâm quán xét lại mình: “Tư tưởng trong đầu mình, là đạo đức hay không phải đạo đức? Là hợp lí hay bất hợp lí? Có lợi ích hay không có lợi ích? Là thiết thực hay giả dối?” Chỉ cần thường xuyên quay lại với chính mình, tự nhiên phát hiện: Bình thường những ý niệm sinh khởi trong đầu, vô dụng nhiều hơn hữu dụng, phi đạo đức nhiều hơn đạo đức, mặt phụ nhiều hơn mặt chính.
Nhưng, lại có một số người biết sử dụng tâm mình một cách “nghệ thuật”, kết quả biến thành mưu đồ. Ví dụ: Rõ ràng biết tâm mình vô cùng sân hận, có ý định chưởi mắng người, oán giận người, nhưng miệng không thốt ra, cũng không biểu hiện ngay cả trên nét mặt và việc làm; hoặc định nói thứ gì đó, nhưng trong đầu lại nghĩ, vì lợi ích và sự an thân của mình, không nên nói những điều chống trái, nhằm để mọi người thấy rằng mình là người tốt, là bậc quân tử, đáng tin cậy. Kì thực, trong lòng y đang nghĩ gì, chẳng ai biết được. Người xưa nói: “Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”, thật chính xác!
Nếu tư tưởng được sử dụng kiểu này, ấy là nguy cơ lớn. Không phải chúng ta thể hiện bề ngoài là người tốt, bậc quân tử là đủ, điều quan trọng là lúc nào cũng quán xét nội tâm, làm mới lại nội tâm của mình, như thế mới thật sự phát hiện đầy đủ ý nghĩa của sinh mạng, phát huy giá trị của cuộc sống.
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Mạt nhân Đạo Quang dịch
(trích dịch từ cuốn sách Tìm Lại Chính Mình)
Mạt nhân Đạo Quang dịch
(trích dịch từ cuốn sách Tìm Lại Chính Mình)