Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hỏi: Hiện nay giữa cuộc sống tất bật, hối hả, mà giới trẻ được xem là tuổi năng động và nhiệt huyết của xã hội, vậy người Phật tử trẻ sống thế nào để phù hợp với xã hội mà vừa có được những phút giây thanh thản cho tâm hồn mình – Trương Văn Son (sinh Viên Đại Học Khoa Học Tự Nhiên)
Chia sẻ: Đúng như bạn nói, xã hội hiện đại khá tất bật, hối hả vì sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật… Điều kiện khác quan ấy đã “lái” con người (nhất là người trẻ) phải luôn luôn vận động cả trí não lẫn cơ bắp để học hỏi, thích nghi kịp thời. Nỗi sợ hãi và lo lắng bị tụt hậu cùng những mối lo khác như bệnh tật, chiến tranh, thất nghiệp, biến đổi môi trường cũng chính là nguyên nhân làm cho người ta tất bật, hối hả, chạy điên cuồng.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là con người không còn có thời giờ để có những phút thảnh thơi. Ngược lại, nếu biết cách ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống, biết sống chậm, sống tỉnh thức thì sẽ giúp ích rất nhiều cho tự thân và những người xung quanh. Bạn đã nhận thấy điều đó thì hãy bắt đầu dừng lại, học hỏi và thấm nhuần giáo lý của Đức Phật về cả điều xấu nhất có thể xảy ra… Bên cạnh đó, cần quay về tu chỉnh thân tâm bằng cách gìn giữ những nguyên tắc đạo đức của người con Phật (giới luật) để mình vững chãi trước cuộc sống nhiều “cám dỗ”. Khi mình vững chãi thì không có cám dỗ nào có thể làm mình ngã đổ, như cái cây, nếu bám rễ sâu chắc vào đất mẹ thì không có gió nào quật ngã được cả.
Khi mình tìm hiểu về bản chất của cuộc sống (vô thường, theo luật nhân quả…) thì mình sẽ biết xả bỏ nững “ trang sức” (danh, sắc, địa vị, quyền lực, tiền bạc…) và bắt đầu kiến tạo nội tâm sâu sắc, vững chãi, an vui. Đức Phật dạy “ít muốn, biết đủ” là điều kiện của hạnh phúc. Trong khi đó, giới trẻ bây giờ muốn nhiều, không biết đủ nên cứ phải thay đổi ngoại hình, chạy theo công nghệ, tiêu dùng xa xỉ… Khi ham muốn vật chất, dục lạc càng cao thì người ta sẽ bớt thảnh thơi, bớt hạnh phúc, đồng nghĩa với khổ đau tăng lên. Minh chứng cho điều ấy chính là nạn tự tử, buồn chán mà trong giới trẻ ngày một nhiều. Khi nào tâm bạn thuần thục và nhận diện được như vậy nghĩa là tâm hồn bạn đã bám rễ sâu vào giáo lý nhà Phật, thực tập điều đó – cũng như rễ cây bám vào đất mẹ bao dung vậy. Bạn sẽ vững chãi, có an vui, hạnh phúc.
 
(Theo: Tuổi Trẻ Phật Việt Số 02/2012)