Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Ngày thứ nhất của Khoá tu Giới - Định - Tuệ được bắt đầu vào lúc 4h sáng ngày 30/4/2023, chư hành giả Thiền sinh dưới sự hướng dẫn của Quý Ni trưởng Giáo phẩm đã quang lâm chánh điện, Niêm hương, lễ Phật, lễ Tổ gia hộ cho khoá tu được thuận duyên, sau đó hiệp tụng thời Kinh Phổ Môn, cầu nguyện cho toàn thể chư hành giả luôn được đầy đủ sức khoẻ để bắt đầu cho một cuộc hành trình tu trì miên mật trong 7 ngày.

Sau buổi lễ Khai mạc Khoá tu lần thứ 36, vào lúc 9h00-10h30 là thời học và nghiên cứu Chơn lý, dưới sự hướng dẫn của NT. Xuân Liên - Giáo phẩm NGHPKS, đương vi Giáo thọ Sư khoá tu.
Chơn Lý số 61 “Hòa Bình” là đề tài được Ni trưởng Giảng sư lựa chọn để chia sẻ đến thiền sinh. Ni trưởng nhấn mạnh: khi có duyên xuất gia khoác lên mình màu áo Khất sĩ thì phải rõ biết phương châm và mục đích sống của mình, đó là “hoà hợp, nghiêm trì giới luật và đoàn kết”.
Thứ nhất, Ni trưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hoà hợp trong một đoàn thể. Bởi lẽ trong bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào nếu muốn thành công thì mọi người phải có ý thức cao về tinh thần hoà hợp. Xưa kia khi đức Phật còn tại thế Ngài cũng rất tán thán tinh thần sống hoà hợp như nước với sữa của các vị Tỳ Kheo, trong Kinh Trung A Hàm, bài Kinh số 185 “Ngưu giác sa-la lâm” có nói về quá trình sống chung tu học trong 1 khu rừng của 3 vị Tỳ kheo (A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la), đó là:
 "Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này.’ Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.
Hoặc cuộc sống hoà hợp trong công việc của các vị Tỳ kheo được Kinh tạng diễn tả như sau:
“Ba Tôn giả ấy làm như vầy. Nếu ai khất thực đi về trước thì trải giường, múc nước, mang đồ rửa chân ra, để sẵn ghế rửa chân, khăn lau chân, bình đựng nước, chậu rửa. Nếu có thể ăn hết đồ ăn đã xin được thì cứ ăn. Nếu còn dư thì cho vào đồ chứa đậy kín và mang cất. Ăn xong, cất bình bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào nhà ngồi tĩnh tọa. Nếu ai khất thực đi về sau, có thể ăn hết đồ ăn thì cứ ăn. Nếu không đủ thì lấy đồ dư của người trước đem ra ăn cho đủ. Nếu còn dư nữa thì đem đổ chỗ đất sạch hay trong nước không có trùng. Người ấy lấy đồ đựng của người kia rửa, lau thật sạch rồi đem treo một bên, dọn dẹp giường chiếu, nhặt ghế rửa chân, thâu khăn lau chân, cất đồ rửa chân, bình nước và chậu rửa, dọn dẹp nhà ăn sạch sẽ rồi thâu cất y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt trên vai, vào nhà tĩnh tọa.
Ngồi đến xế, trong các Tôn giả ấy, nếu ai đang tĩnh tọa mà trở dậy trước, thấy bình nước và chậu rửa chân không có nước thì phải đem đi lấy. Nếu xách nổi thì tự xách, bằng không thì vẫy tay một Tỳ-kheo khác, hai người cùng khiêng, mỗi người khiêng một phía, không nói chuyện với nhau, không hỏi gì nhau”.
Đoạn Kinh này chính là hình mẫu lý tưởng để chư hành giả học tập về việc sống hoà hợp với nhau, 3 vị Tỳ kheo được diễn tả trong Kinh luôn sống chánh niệm tỉnh giác trong các hành vi cử chỉ, hướng đến các vị phạm hạnh tu thân nghiệp từ hoà, khẩu nghiệp từ hoà, ý nghiệp từ hoà. Và luôn giúp đỡ nhau trong công việc trên tinh thần hoà ái ngay trước mặt và sau lưng.
Với ý nghĩa đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng rất chú trọng tinh thần hoà hợp và đoàn kết trong Tăng đoàn của mình. Hệ phái Khất sĩ sở dĩ được thành tựu và phát triển sau khi Đức Tổ sư vắng bóng là nhờ tinh thần truyền đăng tục diệm và đoàn kết hoà hợp của Chư Tôn đức lãnh đạo, và tinh thần này tiếp tục được kế thừa và phổ biến đến các hành giả thiền sinh qua các khoá tu truyền thống.
Thứ hai, Về tinh thần nghiêm trì giới luật, như mọi người đều biết: giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi Tỳ kheo nói riêng và Tăng đoàn nói chung. Ngày nào chư Tỳ kheo ý thức được việc giữ gìn giới luật, thúc liễm thân tâm, tiến tu Tam vô lậu học thì ngày đó tự thân được giải thoát và làm cho Phật pháp được hưng thịnh. Cho nên, Phật pháp được hưng thịnh hay suy vong chính là bổn phận và trách nhiệm của các vị Tỳ kheo. Một người nếu nghiêm trì giới luật có thể chuyển hoá thành đức hạnh, và đức hạnh này có thể cảm hoá bá tánh một cách kỳ diệu, bởi lẻ người nghiêm trì giới luật sẽ có một cốt cách trang nghiêm, khi nói năng hay im lặng đều là chánh pháp, khiến người khác nhìn vào đều phát tâm kính ngưỡng.
Ni trưởng nhấn mạnh, người xuất gia phải xem Giới luật như vị Thầy dẫn đường, và đặc biệt loại bỏ tâm phân biệt, đoạn trừ tham, sân, si; kiểm soát lời nói và hành động của thân, khẩu, ý, dứt trừ sự tranh cãi, như vậy mới có thể làm chủ được chính mình. Tu học phải biết buông bỏ dục vọng, đảo điên mộng tưởng, hành đúng chánh pháp. Bởi vì, Kẻ sống đúng chơn lý kết quả rốt ráo giác ngộ gọi là Phật” , Xuất gia tu tập phải theo con đường Giới-Định-Tuệ “Giữ gìn giới luật đã thọ nhận, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác, thành tựu chú tâm trong tỉnh giác, lựa chổ thanh vắng hành thiền gọt rửa thân tâm đoạn trừ những cấu uế”.
Thứ ba, “Đoàn kết” trong Chơn lý Hòa Bình, cũng được Ni trưởng giảng sư chia sẻ về việc cùng sống, cùng học, cùng tu, đúng như tinh thần lục hoà cộng trụ của Đức Phật và tư tưởng “nên tập sống chung tu học” của đức Tổ sư, “cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”, cùng nhau tu tập một cách thanh tịnh “Không chen lộn trong đời về chổ ở, không bận về vấn đề ăn mặc, không tiền, bình đẳng vô trị” , và đây cũng chính là tinh thần tu học chính yếu của khoá tu Giới - Định - Tuệ.
Ngày nào Tăng chúng hiệp đoàn,
Siêng năng hội họp luận bàn pháp môn,
Thuận hoà đoàn kết luôn luôn,
Luật nghiêm giới cấm bảo tồn khít khao.
Kính tôn trưởng lão hạ cao.
Vâng lời quản chúng nêu cao giáo quyền.
Dứt trừ ái dục não phiền,
Thích nơi thanh vắng tham thiền luyện tâm.
Dung hoà phát triển tòng lâm,
Bạn bè nương tựa xa gần sống chung.
Tóm lại, thông qua Chơn lý số 61 hòa Bình, Ni trưởng Giảng sư đã khuyến khích, sách tấn động viên chư hành giả cố gắng tinh tấn miên mật từng sát na trong hiện tại, sống trong sự “Hòa hợp, nghiêm trì giới luật, và đoàn kết” nhằm đem lại lợi ích quý báu trong hiện tại, giải thoát sự khổ chết, chỉ có sự tu học rốt ráo theo lời dạy của Tổ Thầy mới giúp ích cho tự thân và tha nhân. Thực hiện lẽ sống chung tu học mới mong sống tốt đời đẹp đạo, rạng ngời chánh Pháp.
Sau thời học chơn lý, vào lúc 10h45, theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức, mỗi ngày Chư hành giả đều phải thực hiện pháp trì bình khất thực, nhận thực phẩm do các Phật tử dâng cúng vào mỗi buổi trưa. Đây là hình ảnh rất cao quý, bởi lẽ khất thực là pháp nuôi mạng chân chánh, là truyền thống cổ xưa của ba đời chư Phật. Mặc dầu thời tiết rất nóng bức, nhưng toàn thể chư hành giả đều hoan hỷ thực hành khất thực trong chánh niệm nhằm làm sống lại hình ảnh sinh hoạt của Tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Và trong mỗi khoá tu truyền thống, hình ảnh này luôn luôn được thể hiện một cách rõ nét nhất.
Một số hình ảnh được ghi nhận:


























Ni giới Khất sĩ