Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
“Nếu bạn đúng, bạn không cần phải tức giận. Nếu bạn sai, bạn càng không có lí do để nổi nóng”. Do đó, hãy khoan dung, buông bỏ sự cố chấp, yêu thương người khác nhiều hơn, nội tâm sẽ thấy an hòa, thân thể khỏe mạnh, ung dung tự tại.

Câu chuyện 1: Chăm sóc chậu hoa lan

3 cau chuyen2
 
 

Vị sư già trồng một chậu lan. Ông chăm sóc chậu hoa đẹp rất cẩn thận, ngày ngày nhổ cỏ và tưới nước cho cây.

Một lần có việc phải ra ngoài, ông giao chậu lan cho một tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc. Nghe lời dặn của sư phụ, tiểu hòa thượng rất chăm chút cho cây lan. Cây hoa cũng rất phát triển.

Không may thay, một hôm trời mưa to, gió thổi mạnh khiến chậu lan đổ ụp xuống đất. Tiểu hòa thượng nhìn thấy những chiếc lá dập nát thì vô cùng đau lòng, trong tâm cũng sợ bị khiển trách.

Vài ngày sau, vị sư già trở về, tiểu hòa thượng đã kể lại sự việc, lòng thấp thỏm lo âu vì nghĩ lần này, sư phụ sẽ rất giận. Thế nhưng, vị sư già chỉ im lặng. Tiểu hòa thượng vô cùng kinh ngạc, bèn tò mò hỏi: “Sư phụ, đây là chậu lan mà sư phụ rất quý và hết lòng chăm sóc mà?…”.

Vị sư già khẽ mỉm cười, nói với tiểu hòa thượng: “Ta trồng cây lan không phải để nuôi sự tức giận”.

Câu chuyện 2: Mảnh gỗ đóng đinh

3 cau chuyen3

Một chàng thanh niên rất hay nổi nóng đã đến hỏi ông lão làm thế nào để thoát khỏi vấn đề này.

Ông lão nghe xong liền đưa cho chàng thanh niên một mảnh gỗ và rất nhiều đinh rồi nói: “Sau mỗi lần tức giận, cậu hãy đóng một chiếc đinh lên mảnh gỗ này”.

Vài tháng sau, chàng trai cầm mảnh gỗ đóng đinh đến tìm ông lão và thưa: “Cháu vẫn rất hay tức giận ạ”.

Ông lão mỉm cười bảo: “Vậy cậu hãy rút hết đinh ra khỏi mảnh gỗ rồi nhìn xem”.

Chàng trai nhìn mảnh gỗ dày đặc những lỗ đinh liền giật mình. Ông lão nói tiếp: “Mảnh gỗ giống như trái tim của cậu vậy. Mỗi lần tức giận và khó chịu vì người khác, người bị tổn thương nhiều nhất chính là cậu”.

Câu chuyện 3: Ba mùa trong năm

3 cau chuyen1

Một lần, học trò của Khổng Tử tiếp khách. Vị khách hỏi: “Mỗi năm có bao nhiêu mùa?”.

Người học trò nghĩ thầm: “Câu này mà cũng phải hỏi!”, nhưng vẫn trả lời: “Dạ, một năm có 4 mùa là xuân, hạ, thu, đông”.

Vị khách lắc đầu và nói: “Chỉ có ba mùa”.

“Một năm có 4 mùa, sao ông lại không biết điều này chứ?”, người học trò tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

“Một năm có 3 mùa, cậu vốn là học trò của Khổng Tử mà cũng không biết điều này sao?”, vị khách vừa nói, vừa cười nhạo.

Hai người tranh luận qua lại đến đỏ mặt tía tai, trong tâm vô cùng khó chịu. Cuối cùng họ quyết định đặt cược.

Nếu là 4 mùa thì vị khách sẽ lạy cậu học trò của Khổng Tử 3 cái. Nếu là 3 mùa thì cậu học trò sẽ phải lạy vị khách 3 cái.

Người học trò đắc ý nghĩ: “Ông ta là một kẻ ngốc, mình sẽ chiến thắng lần này”.

Lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, cậu học trò liền tiến đến hỏi: “Thưa thầy, người này nói một năm có 3 mùa, xin thầy phân xử. Vậy một năm có mấy mùa ạ?”.

Khổng Tử liếc nhìn vị khách và nói: “Một năm có 3 mùa”.

Vị khách tỏ ra vô cùng đắc ý nói: “Dập đầu, mau dập đầu đi! Mau lạy ta 3 cái đi”.

Không còn cách nào khác, vì giữ thể diện cho thầy, cậu buộc phải lạy vị khách 3 cái.

Sau khi vị khách rời đi, cậu học trò không thể chờ đợi thêm nữa, ấm ức hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng có 4 mùa, sao thầy lại nói là có 3 mùa ạ?”.

Khổng Tử nói: “Trò không nhìn thấy người lúc nãy toàn thân đều màu xanh sao? Đó là một con châu chấu. Châu chấu sinh vào mùa xuân sống đến mùa thu thì chết. Người này chưa bao giờ nhìn thấy mùa đông. Do vậy, trong nhận thức của anh ta chỉ có 3 mùa”.

“Trò nói 3 mùa thì anh ta rất hài lòng. Nếu trò nói 4 mùa thì sẽ phải tranh luận đến tối, trò muốn như vậy không?”.

Cậu học trò nghe xong liền bừng tỉnh. Trước đây cậu gặp người không nói lý thì rất tức giận, nhưng từ đó về sau, cậu không hành động như vậy nữa. Cậu đã nhận được bài học rằng, ai cũng có lý lẽ của riêng mình, đôi khi tranh luận cũng chẳng đi đến đâu, bởi góc độ nhìn nhận vốn khác nhau. Giận dữ khi ấy, thật là vô lý và vô nghĩa.
 

Theo Phunutoday