Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Con người rất khó trở nên thánh thiện nhưng rất dễ bị cám dỗ và vướng mắc sai lầm. Trong lúc trượt dài trong sa ngã thì người ta không nghĩ đến những hậu quả của những việc mình đang làm, đến khi đón nhận những những trái đắng chua cay mới hối hận, mới thầm ước giá mà mình được làm lại từ đầu, giá mà mình đừng sa ngã, giá mà mình biết hậu quả khổ đau như thế này thì mình sẽ chẳng bao giờ…
Nhưng những giọt nước mắt hối hận kia đã muộn mất rồi, chỉ còn dòng nghiệp lực đang dẫn dắt họ đi về phía trước.
Người tu sĩ cắt ái từ thân, xuất gia hoằng thánh đạo, lìa xa miền tục lụy vào chốn thiền môn tu tập hướng đến con đường giải thoát luân hồi sanh tử. Nếu trong quá trình tu tập, Bồ đề tâm không kiên cố, trí tuệ chưa sắc bén, định lực chưa sâu và quan trọng nhất là chưa cảm nhận được nguồn hạnh phúc an lạc chân thật của đời sống xuất gia thì ắt hẳn một phút giây nào đó hành giả sẽ bị những mật ngọt phù phiếm giả tạm của thế gian làm mờ tâm trí, họ sẽ bị trượt dài trong hưởng thụ, càng ngày càng đánh mất dần “tâm xuất gia ban đầu”. Họ có biết chăng họ sẽ trả một giá rất đắt cho những việc làm sai trái của mình, phải lần lượt đầu thai làm súc sanh đền nợ đàn na tín thí, phải đọa vào địa ngục khổ sở. Câu chuyện về sự sa đọa của một vị Lạt ma Tây tạng sau đây là một lời cảnh tỉnh cho hàng ngũ xuất gia chúng ta, lấy đó làm một tấm gương để sách tấn tu hành.

Đây là câu chuyện kể về một vị Lạt ma Tây tạng. Ngài vào chốn thiền môn ngay từ thuở ấu thơ. Thuở nhỏ với bao nhiệt huyết, bao chí nguyện cao cả, Ngài rất siêng năng chấp lao công quả, tu hành niêm mật. Càng lớn đức hạnh Ngài càng lan rộng và sau đó trở thành một vị Lạt ma được mọi người vô cùng kính ngưỡng. Họ đến cúng dường Ngài một cách nồng nhiệt. Từ đây cuộc đời Ngài bước sang một lối rẽ. Xưa kia vất vả làm lụng, tu hành kham khổ bao nhiêu thì bây giờ sung sướng bấy nhiêu. Tự nhiên tâm ngài bổng thay đổi, ngũ dục làm mờ mắt Ngài, Ngài đâm ra thích hưởng thụ, sự tu hành chơn chánh trước kia cũng sa sút. Ngài lại còn nghĩ mình phải hưởng thụ như thế này để bù đắp lại sự cực khổ của mình từ nhỏ đến giờ. Và cứ thế, cho đến một ngày kia Ngài lâm trọng bịnh và hồn lìa khỏi xác. Nghe tin, một vị Lạt ma bạn Ngài đang tu ở trên núi về thăm. Vì trước đây các vị Lạt ma có giao kết với nhau: nếu sau này mà có một ai trong chúng ta mạng chung thì vị còn sống phải dùng định lực theo dõi thần thức của bạn đi về đâu, được giải thoát hay rơi vào đường ác ? Nếu không may mà thần hồn rơi vào ác đạo thì vị kia phải ra tay cứu độ. Chính vì vậy nên khi Ngài vừa trút hơi thở thì vị Lạt ma bạn cũng nhập định theo dõi thần thức của bạn. Lúc đó vị Lạt ma bạn thấy thần thức bị một sức mạnh cuốn hút vào thai một con lừa cái, mà con lừa này là con lừa của một gia đình thí chủ trước đây thường hay đến cúng dường cho vị Lạt ma vừa mạng chung này. Đang ngồi nhập định quan sát, vị kia thấy thần thức có nguy cơ đầu thai vào bụng con lừa, Ngài bèn dùng lực mình ngăn chặn, nhưng không kịp nữa rồi, vì tuy là một vị cao tăng có thần lực khá cao nhưng làm sao thắng được cái nghiệp lực sâu thẳm ấy. Ngài chỉ biết đau lòng quan sát tiếp cho đến ngày con lừa được hạ sinh. Ngài vẫn theo dõi xem cuộc sống của con lừa thế nào. Và Ngài thấy con lừa này từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên là cả một sự sống đầy gian khổ: bị đói khát, mang chở nặng nhọc và nó phải làm cho đến lúc trả xong món nợ mà gia đình ấy trước kia đã hiến cúng cho nó. Quá thương xót cho nghiệp lực sâu nặng của bạn mình, vị Lạt ma phải nghĩ ra một cách là đến xin gia đình ấy con lừa để đem về săn sóc. Nghĩ thế Ngài đến gia đình ấy trình bày hết sự việc. Nghe thế họ cũng ngạc và sợ hãi vì trước kia con lừa chính là vị Tăng mà họ hết lòng cung kính cúng dường, bây giờ lại là con lừa khổ sở, oan nghiệt quá ! Và thế là gia đình nọ đồng ý để vị Lạt ma dẫn lừa đi. Đang đi giữa đường bỗng trời mưa to bão lớn, trong cơn mưa bão như thế con lừa bị chết và thần hồn nhanh chóng rơi vào địa ngục. Đến lúc này vị Lạt ma không còn cách nào cứu bạn được nữa đành đau lòng nhìn ngọn gió nghiệp lôi kéo thần thức bạn vào chốn u đồ.

Nghe xong câu chuyện chúng ta rùng mình. Các bạn thấy không, một khi gây tạo những việc làm bất thiện thì chắc chắn quả khổ đau sẽ đến với chúng ta như hình với bóng. Huống nữa chúng ta là người tu sĩ đã am tường giáo lý, biết rõ những việc mình làm sẽ nhận lãnh hậu quả như thế nào thì tại sao chúng ta lại không làm chủ bản thân lại để cho gió lốc vật dục lôi kéo đến nỗi phải làm thân súc sanh đền nợ đàn na tín thí ? Chúng ta thấy đó, một khi bị nghiệp lực lôi kéo thì không ai có thể cứu mình, dù cho đó là thần lực cao thâm của một vị chơn tu đắc đạo đã dùng hết tâm lực ngăn chặn dòng gió nghiệp, muốn giúp con lừa trở lại làm người tiếp tục tu hành nhưng làm sao ngăn cản được sức mạnh của nghiệp. Câu chuyện là một bài học, là một lời cảnh tỉnh cho những người xuất gia nào còn đang chìm trong sa đọa.
 
Tuệ Đạt - hoalinhthoai