Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hạnh phúc và đau khổ là cặp thăng trầm cuối cùng. Nó cũng là những yếu tố có nhiều năng lực nhứt, ảnh hưởng đến đời sống nhơn loại.
Cái gì làm được dễ dàng là hạnh phúc Cái gì khó chịu đựng là đau khổ .

Thông thường, thỏa mãn điều mong ước là hạnh phúc. Nhưng, không quá trễ hơn lúc ta vừa đạt được điều mong mỏi ấy, ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác. Túi tham thật không đáy. Người tham không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn, không bao giờ chịu là đủ.

Đối với hạng người tầm thường, hưởng thọ những lạc thú của nhục dục ngũ trần là hạnh phúc duy nhứt và cao thướng nhứt. Trong lúc mơ ước, trong khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc mà người thiên về vật chất rất ưa thích ấy, chắc chắn có hạnh phúc cấp thời. Nhưng, quả thật là ngắn ngủi và ảo huyền.

Tư sản vật chất có thể cho ta hạnh phúc thật sự không? Nếu có, các nhà triệu phú hẳn không bao giờ nghĩ đến chuyện quyên sinh. Trong một quốc gia nọ mà tiến bộ vật chất đã đến mức tuyệt đỉnh, có khoảng mười phần trăm dân số mắc phải các chứng bịnh thần kinh. Tại sao vậy? Tài sản và sự nghiệp có đủ đem lại hạnh phúc thật sự không?

Cầm quyền cai trị toàn thể thế gian có phải là hạnh phúc thật sự không? Đại Đế Alexander, người đã rầm rộ kéo quân vào Ấn Độ một cách hùng vĩ và vẻ vang, người đã chinh phục tất cả các lãnh thổ trên đường đi của mình, người ấy than rằng không tìm đâu ra một quốc gia nào khác để chinh phục.

Các vị đế vương, các vị vua đang còn đội mão, các vị ấy có luôn luôn hạnh phúc không? Đời sống của các nhà lãnh đạo chánh trị và các nhà lãnh đạo quốc gia rất thường được các phe đối nghịch lăm le hăm dọa. Cái chết thê thảm của Mahatma Gandhi và của Tổng Thống J.F.Kennedy là một vài trường hợp điển hình.

Chơn hạnh phúc nằm bên trong chúng ta và không thể định nghĩa bằng những danh từ như tài sản quyền thế, danh vọng, hay chinh phục xâm lăng. Nếu những tư hữu trần tục kia được thâu đoạt bằng bạo lực hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc theo một chiều hướng sai lầm, hoặc nữa, được nhìn với cặp mắt trìu mến, hay tham lam, thì nó sẽ là nguồn đau khổ và sầu muộn cho chính người làm chủ nó.

Cái gì là hạnh phúc cho người nầy có thể không phải là hạnh phúc cho người kia. Cái gì là thức ăn chất uống cho một người có thể là thuốc độc cho người khác.

Đức Phật kể ra bốn hạnh phúc của người tại gia cư sĩ.

Loại hạnh phúc đầu tiên là hạnh phúc được có tư hữu như sức khoẻ, tài sản, trường thọ, sắc đẹp, vui vẽ, mạnh mẽ, sự nghiệp, đông đảo con cháu v.v...

Nguồn hạnh phúc thứ nhì là thọ hưởng những tư hữu ấy . Thông thường, ai cũng muốn thọ hưởng, ai cũng ưa vui thích. Đức Phật không bao giờ khuyên tất cả mọi người nên từ khước hạnh phúc trần gian và rút vào sống ẩn dật chốn rừng sâu vắng vẻ.

Thọ hưởng tài sản không phải là chỉ dùng nó cho riêng mình mà cũng là bố thí ra để tạo an lành cho người khác. Cái gì mà ta ăn chỉ tồn tại nhứt thời. Cái gì mà ta tích trữ, ta sẽ bỏ lại và ra đi. Nhưng cái gì mà ta cho ra sẽ trở lại với ta. Những hành động thiện mà ta làm với tư hữu trần tục sẽ tồn tại lâu dài, không thể mất.

Không nợ nần là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu biết tri túc, biết an phận với những gì đã có, và nếu ăn ở kiệm cần, ta sẽ không nợ nần với ai. Người mang nợ luôn luôn sống trong tâm trạng hấp hối, nơm nớp lo sợ chủ nợ. Nếu không nợ nần, mặc dầu nghèo, ta vẫn nghe thoải mái và tinh thần thảnh thơi.

Nếp sống trong sạch là nguồn phước báu cho mình và cho kẻ khác. Người trong sạch được tất cả khâm phục và cảm nghe hạnh phúc vì nằm trong phạm vi ảnh hưởng của những rung động an lành mà nhiều người khác gởi đến mình. Tuy nhiên, ta phải ghi nhận rằng rất khó, vô cùng khó, mà được tất cả mọi người khâm phục. Người có tâm tánh cao quí chỉ biết giữ mình để sống đời trong sạch và thản nhiên trước dư luận.

Phần đông nhơn loại thỏa thích trong sự thọ hưởng lạc thú của đời sống, nhưng có vài người thỏa thích trong sự từ khước các lạc thú ấy. Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi khoái lạc vật chất là hạnh phúc đối với người đạo đức. Hạnh phúc Niết-Bàn-tức trạng thái thoát ra khỏi mọi đau khổ – là hình thức hạnh phúc cao thượng nhứt.

Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc, nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp nhận.

Đau đớn hay khổ não đến với ta dưới nhiều hình thức.

Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc, nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp nhận.

Đau đớn hay khổ não đến với ta dưới nhiều hình thức.

Chúng ta đau khổ thì phải chịu già yếu, đó là lẽ tự nhiên. Ta phải bình thản chịu đựng những nỗi khổ của tuổi già.

Càng đau khổ hơn chết là bịnh hoạn. Và nếu là một chứng bịnh trầm kha, làm đau nhức lâu ngày, ta sẽ cảm thấy chết còn hơn. Chỉ một cái răng đau hay một lúc nhức đầu, đôi khi cũng làm cho ta vô cùng khó chịu.

Khi lâm bịnh, chúng ta không nên lo sợ mà phải cố gắng chịu đựng. Đúng vậy, ta phải tự an ủi rằng chúng ta đã khỏi mang một chứng bịnh nặng hơn.

Lắm khi chúng ta phải xa lìa thân bằng quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ. Chúng ta phải nhận định rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt trong cảnh biệt ly. Đây là cơ hội quí báu để ta thực hành tâm xả.

Một việc thường xảy ra hơn là chúng ta phải kết hợp với người không ưa thích, sống chung với người mà ta ghét. Ta phải cố gắng chịu đựng và nghĩ rằng ta đang gặt hái một quả xấu nào mà chính ta đã tạo, hoặc trong quá khứ, hoặc trong hiện tại. Chúng ta phải cố gắng tự tạo cho mình một nếp sống thích hợp với hoàn cảnh mới và bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại.

Chí đến Đức Phật lần bị nhức đầu. Chứng bịnh kiết lỵ cuối cùng làm cho Ngài đau đớn không xiết kể. Đề Bà-Đạt-Đa lăn đá từ đỉnh núi cao gây cho Ngài một vết thương ở chơn, phải mổ. Lắm lúc Ngài phải nhịn đói. Đôi khi Ngài phải dùng thức ăn của ngựa. Một lần nọ, vì các đệ tử không vâng lời, Ngài vào rừng ở ba tháng. Giữa rừng sâu, Ngài phải nằm trên một lớp lá ủ, trải trên mặt đất ghồ ghề thô cứng, và phải đối phó với những cưn gió lạnh buốt xương. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên. Giữa những cảnh đau khổ cũng như hạnh phúc, Đức Phật luôn luôn giữ tâm xả hoàn toàn.

Trên bước thênh thang trong vòng luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhứt mà chúng ta phải đối phó. Đôi khi cái chết không đến lẻ loi cho một người thân mà đến trùng hợp cho nhiều người thân trong một lúc.

Bà Patacără một lúc bao nhiêu người thân thuộc: cha mẹ, chồng, anh và hai con. Bà trở nên loạn trí. Đức Phật khuyên giải và an ủi bà.

Bà Kisa Gotami mất một người con thân yêu duy nhứt. Tay bồng con, bà chạy đi tìm thuốc chữa trị và đến cầu cứu với Đức Phật.
- Được con có thể tìm ra một vài hột cái không?
- Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tìm ra hột cái, chắc như vậy.
- Nhưng những hột cái nầy phải lấy trong nhà nào mà không có ai chết.

Hột cái thì có. Nhưng bà không tìm ra nơi nào mà thần chết chưa hề đến viếng.

Bà tỉnh ngộ và nhận thức bản chất của đời sống.
Một lần nọ có bà kia được người ta hỏi tại sao không khóc cái chết thê thảm của người con. Bà trả lời:

“ Không ai mời mọc, nó đến. Không cho ai hay, nó đi. Đến thế nào, nó ra đi cùng thế ấy. Tại sao ta khóc? Khóc có ích gì?”

Từ cành cây, có nhiều trái rơi rụng – trái non có, trái già có, trái chín có – cùng thế ấy, ta có thể chết lúc sơ sinh, lúc thiếu niên, lúc tráng niên, hay khi niên cao tuổi lớn.

Mặt trời mọc ở phương Đông chỉ để lặn ở phương Tây.

Hoa nở tốt tươi buổi sáng để úa tàn vào lúc chiều.

Cái chết, không thể tránh, đến với tất cả mọi người, không trừ ai. Và ta phải bình thản đối phó với nó.

“Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không giận cũng không thương.

Vậy cùng thế ấy, trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất”.

Đức Phật dạy như vậy.

Trước những cảnh thăng trầm của thế gian, tâm của vị A-La-Hán không bao giờ chao động.

Giữa những cảnh được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta hãy giữ tâm bình thản.