Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Lớn ơi là lớn. Đã vậy lại còn vừa thô vừa xấu, vết chai thì hiện đầy trên những khớp nối, da tay lại còn dày, chẳng mềm mại như tay con tí nào. Ấy thế mà chẳng tìm đâu ra được đôi bàn tay thứ hai như vậy. Đôi bàn tay nguyện mang đủ xấu xí để đôi tay con được trắng trẻo mịn màng.

Đôi tay Ba lớn để làm gì?
Để mỗi sáng Ba làm chiếc đồng hồ báo thức, lây lây người con rồi gọi khẽ “ Le ơi dậy đi học đi con”
Để mỗi sáng Ba làm bác tài xế, chở con đi trên những con đường vàng ươm nắng. Ngồi sau lưng Ba, nắm chặt hai vạt áo rồi hát linh tinh hỏi lang tang trên suốt đoạn đường dài. Sức chịu đựng của Ba quả thật không hề nhỏ!
À mà Ba cũng không quên dắt xe ra cho Má đi chợ trước khi chở của nợ đến trường.

Để mát-xa cho con trong những ngày trái gió trở trời, đau lưng nhức mỏi. Chỉ cần hai bàn tay của Ba đặt xuống là như muốn ôm trọn cả cái lưng cò bé nhỏ của con rồi. Nhân viên mát-xa như thế thì khỏi chê luôn. Nên lâu lâu cũng làm bộ giả đò bệnh để được mát-xa chăm sóc tận tình.

Vì sao đôi bàn tay Ba đầy những vết chai?
Vì Ba phải thường xuyên chạy xe liên tục nhiều giờ liền để đi làm.
Vì Ba phải khuôn vác cây củi, những khúc cây to bằng thân người cứ nhẹ nhàng được Ba ôm trên tay, vác trên vai. Đôi cánh tay Ba nhờ vậy mà cứ như lực sĩ , chỉ cần cầm đũa không mà cơ bắp đã cuồn cuồn cả lên. Những lần như thế mấy anh em lại nhìn Ba với ánh mắt cực kì ngưỡng mộ, và đương nhiên sau đó sẽ là màn so chuột với bàn thua luôn nghiêng về hai đứa ngốc xít.

Vì Ba hay cầm cưa để cưa gỗ. Tiếng máy cưa nổ lạch bạch giòn tan trên đôi tay Ba. Đường cưa chuẩn xác đến từng cen-ti-mét, chỉ là thi thoảng bị trật nhịp, Ba lại cưa xén lên đùi mình. Những lần như thế thì Ba chỉ cười xòa, còn mấy Má con thì ngồi khóc thay Ba. Nên Má cứ hay nhắc “ tụi bây lớn nhờ mồ hôi với cả máu của Ba đấy!”.

Vì Ba hay thích sắp xếp và làm vườn, bưng bê chậu cây to gấp mấy lần Ba, qua hết chỗ này lại qua chỗ khác. Cuốc hết chỗ này đến chỗ kia. Khu vườn nhỏ mà cũng lắm cây. Những năm ấy tết chẳng cần sắm sửa hoa hòe gì, cứ cây nhà lá vườn Ba chăm mà đem ra chưng, chơi hết cả cái tháng Giêng. Hè đến mấy cây chôm chôm nhãn sau vườn cũng đầy ấp trái ngọt lịm, mấy Cha con cứ leo lên nóc nhà vừa hái vừa ăn vừa ngắm cảnh. Chim chóc thì cứ trời ửng sáng là lại kéo đến hót rộn rang cả lên, làm có muốn ngủ nướng cũng chẳng ngủ được. Thế mà Ba cứ cười tươi bảo “đất lành chim đậu”.

Đôi tay lớn vậy không có khéo léo đâu!
Ba là thợ may vá. Nhiều đêm đang ngủ, giật mình dậy lại thấy Ba đang kiên nhẫn ngồi vá lại cái lỗ thủng trên mùng, nó to bằng con muỗi ý. Chắc Ba sợ có con muỗi nào suy dinh dưỡng lại bay qua cái lỗ ấy mà vào chích con.
Ba là đầu bếp bậc nhất. Với món canh cá không ai nấu ngon bằng. Hay cả ly trà sữa quái chiêu không ai dám uống.
Ba là chú thợ điện, thợ máy. Đương nhiên rồi, “vì Ba là đàn ông trong nhà mà”.
Ba là cô giúp việc lành nghề. Đương nhiên rồi “ vì Ba thương cả nhà mà”.
Ba là siêu nhân!

Và rồi có những ngày…
Siêu nhân nhà ta cũng biết bệnh.
Con chưa bao giờ thấy tay ai lại có thể nóng như thế, dù con có chườm khăn lạnh đến thế nào.
Cũng chưa bao giờ con thấy tay ai lại lạnh đến vậy, dù cho con có cố nắm chặt bao nhiêu.
Là những ngày mưa tuôn không ngớt.
Giăng một trời kí ức phủ màu thương.

Những ngày Người bỏ con đi….
Cứ mãi trông ngóng dáng Người xưa chờ con mỗi tối, để thấy con không lạc lõng bơ vơ giữa chốn về. Nhưng chiếc võng cũ đã thôi đưa Người xưa cũng đã thôi chờ. Con lại một mình loay hoay với cuộc sống bộn bề lắm chông chênh này.

Có đôi ngày ham ăn ham ngủ, giật mình tỉnh giấc với cái giờ học đã lỡ quá xa, mặt lại cau có quay sang than trách “ sao Ba không gọi con dậy”, rồi tỉnh tỉnh thấy mình hâm hâm. Bỗng thèm nghe tiếng Người “đưa đò” mỗi sáng.
Tô canh chua nóng hổi trên bàn cơm tối, vị chua chua cay cay, thanh thật thanh, ngọt thật ngọt mà chẳng cần nêm nếm đường hay hạt nêm, cá chiên giòn không chút mùi tanh,… Dù có cố gắng học hoài, có cố gắng nấu hoài hay đi ăn hoài.. cũng không tìm đâu được hương vị của ngày xa xưa ấy.

Có những ngày sốt run bần bật, con lại chợt thèm cái cảm giác được nhõng nhẽo, được làm nũng với Người. Nhớ đôi tay thô ráp của Người nhẹ nhàng xoa lưng, vỗ về từng giấc ngủ, giấc mơ của con. Nhớ ánh mắt nghiêm nghị của Người mỗi lần kiểm tra con uống thuốc, nhớ ly trà sữa, nhớ cái trứng lòng đào…
Nhớ đôi vai rộng lớn, đôi tay rắn chắc – Người dắt con qua biết bao đoạn đường, biết bao miền kí ức trong veo và quá đỗi bình yên.

Từng vết sẹo, từng vết chai sần, từng vết nhăn, từng điểm bạc trên mái tóc xanh ấy… Người nuôi lớn con từng ngày từng ngày, chở che cho tuổi thơ con khỏi những tháng ngày dông bão.

Trở về phòng sau mỗi ngày dài, là vô thức giấu đi những tiếng nức nghẹn ngào, là những nhớ thương không sao nói hết, là những vùng kí ức con trẻ khát khao trở về.

Những đêm dài giật mình tỉnh giấc trong cơn mơ, bần thần nhìn quanh rồi lại đưa tay ôm chặt lấy chiếc gối bên cạnh. “ Người lại bỏ con đi”.

Viết cho Người trong những ngày mưa trắng trời.
Trắng cả nỗi nhớ mong….