Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trước sự xâm lăng của Pháp, trước chính sách hà khắc của thực dân, trước một hoàn cảnh xã hội bất công và bóc lột, đã làm cho người dân Việt Nam tranh đấu làm thế nào để giành lại độc lập dân tộc, làm thế nào để người đân được tự do, thoát khởi sự thống khổ, làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh đó, người dân cũng muốn hướng về đời sống tâm linh để tìm nguồn an lạc giải tỏa bớt sự đau khổ của tinh thần. Đây là một trong những tiền đề, những điều kiện để các hệ phái Phật giáo và các đạo giáo khác ra đời, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc bấy giờ. Trong đó có Phật giáo Khất sĩ.
PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
(Đề cương bài giảng)
 
 
PHẦN I: TỔNG THUẬT MÔN HỌC
1.Tính chất môn học:
Phật giáo Khất sĩ là một bộ phận trong môn học Lịch sử Phật giáo Việt Nam, thuộc Khoa Phật học Đào tạo từ xa, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.
2.Giới thiệu môn học:
Ở học phần này giới thiệu tổng quát về hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam - một trong chín thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Khất sĩ có mặt và góp phần tô điểm thêm trang sử Phật giáo Việt Nam gần thế kỷ qua, và không thể thiếu trong trang sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn 30 năm từ ngày thành lập cho đến nay.
3.Mục đích của môn học:
Lịch sử Phật giáo Việt Nam gắng liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tích rời trong lịch sử văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt. Thông qua môn học giúp chúng ta có thêm những thông tin, kiến thức về tình hình Phật giáo qua các thời kỳ
của lịch sử Việt Nam; những diễn biến lịch sửcủa Phật giáo trong chiều dài lịch sử
 
nước nhà luôn đồng hành cùng dân tộc; và những thăng trầm của nội tại của Phật giáo.
Từ đó, giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn và khách quan hơn về Phật giáo trong quá khứ.
Hy vọng trong học phần này, sẽ góp thêm tư liệu về hệ phái Phật giáo Khất sĩ, một hệ phái Phật giáo ra đời tại Việt Nam - thuần túy của dân tộc Việt Nam; một hệ phái Phật giáo góp sức với các hệ phái Phật giáo khác cùng xây dựng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, hòa hợp và phát triển vững bền.
 
4.Nội dung chính của môn học:
Tiết 1: Giới thiệu tổng quát Phật giáo Việt Nam
Trong phần này giới thiệu sơ lượt về Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền du nhập vào mãnh đất Nam bộ và sự có mặt của Phật giáo Khất sĩ.
Tiết 2: Sơ lược bối cảnh ra đời của Phật giáo Khất sĩ
Trong phần này, giới thiệu khái quát về tình hình xã hội và vấn đề tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo ở Nam bộ.
Tiết 3: Các giai đoạn phát triển của Phật giáo Khất sĩ
Trong phần này trình bày về các giai đoạn của Phật giáo Khất sĩ. Mười năm đầu Tổ sư Minh Đăng Quang trực tiếp lãnh đạo Tăng đoàn hành đạo. Đến giai đoạn sau khi Tổ sư vắng bóng các Giáo đoàn hình thành, tới thời kỳ hiệp nhất, cuối cùng là giai đoạn tham gia thành lập, tu học và sinh hoạt trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tiết 4: Chủ trương và tổ chức của Phật giáo Khất sĩ
Giới thiệu sơ lược về chủ trương của Phật giáo Khất sĩ và hình thức sinh hoạt xưa và nay.
Tiết 5: Một số tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang
Giới thiệu điển hình vài chủ trương của Tổ sư Minh Đăng Quang, trong việc tu trì, cũng như những quan điểm mới của Tổ sư.
5.Tài liệu kham khảo:
Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nxb Tp.HCM, năm 1998.
Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Nxb Tôn giáo, năm 2004. Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, Nxb Long Giang, năm 1962. HT. Thích Giác Toàn, Ánh Minh Quang, Nxb Tp.HCM, năm 1999.
HT. Thích Giác Toàn, Tập san ĐUỐC SEN, hệ phái Khất sĩ ấn hành.
Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam (tập 2), Nxb Giáo dục, năm 2005.
Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2004.
 
Viện NGPHVN, Hội thảo khoa học: 300 năm PG Gia định – Sài gòn – Tp. HCM, Nxb Tp.HCM, năm 2002.
Thích Giác Duyên, Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, Nxb Phương Đông, năm 2011. Thích Giác Trí, Sự hình thành và.., Luận văn Cử nhân tại HV PGVN khóa 5, tại HCM.
 
PHẦN II: NỘI DUNG
 
Tiết 1: Giới thiệu tổng quát Phật giáo Việt Nam
 
  • Phật giáo truyền nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam trên 2000 năm qua, và được dung hợp với văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt. Phật giáo trãi qua chiều dài lịch sử luôn thể hiện sự hài hòa và đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã hình thành những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo của các nơi khác trên thế giới. Đặt biệt là Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á nhưng Phật giáo Việt Nam lại là một nước gần 80%Tăng ni, Phật tử tu học theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, khác với các nước như Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia, v.v..đa phần là theo truyền thống Phật giáo Nam truyền.
  • Phật giáo Bắc truyền (Phật giáo Đại thừa) du nhập vào miền Nam nước Việt chúng ta có nhiều quan điểm khác nhau, như: Trong tham luận của Hòa thượng Thích Hiển Pháp, tại Hội thảo 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định – TP.HCM, đã đề cập tác giả Thạch Voi – Hoàng Túc trong bài “Tìm hiểu vốn vắn hóa dân tộc khơme Nam bộ” (NXB Tổng hợp Hậu Giang, năm 1988) cho rằng: “Phật giáo Đại thừa đã truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ thứ IX và rất thịnh hành vào những năm từ 1181đến 1218”. Hòa thượng cho rằng, với quan điểm trên vẫn chưa đủ cứ liệu để chứng minh. Và Hòa thượng đã dẫn chứng 2 sự kiện đáng tin cậy, đó là: Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, để thiết lập mối quan hệ giao bang của hai nước Viêt – Miên. Theo đó, dân chúng 2 nước cũng dễ dàng qua lại. Như vậy các Tăng sĩ chắn chắn cũng theo dân chúng có mặt trong vùng đất mới này. Và sự kiện thứ 2, Năm 1679, khi nhà Thanh khuynh loát nhà Minh ở Trung Hoa, hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cùng 3 ngàn người vượt biên đến Việt Nam tỵ nạn và được chúa Nguyễn chấp thuận và cho định cư tại Đồng Nai. Theo đó, chắc chắn các vị Thiền sư cũng có mặt trong các đoàn dân chúng này.
=> Nhìn chung là Phật giáo có mặt tại miền Nam nước Việt rất sớm.
 
  • Phật giáo Nam truyền (Phật giáo Nguyên thủy) ở Việt Nam gồm có hai hệ phái khác nhau. Đó là Phật giáo Nguyên thủy người Khmer và Phật giáo Nguyên thủy của người Việt.
Đối với Phật giáo Nguyên thủy người Khmer, như chúng ta biết theo các nhà nghiên cứu cho rằng: Từ thế kỷ thứ VII người Chân lập đã thôn tính đất nước Phù Nam và đã đồng hóa suốt mười thế kỷ. Đến thế kỷ XVII, một phần lãnh thổ của vùng này thuộc lãnh địa của Việt Nam và hiển nhiên tộc người này cũng trở thành cộng đồng các dân tộc anh em trong nước Việt Nam. Phù Nam là một nước chịu ảnh hưởng lớn bởi Ấn Độ, nên việc đến lui làm ăn của các thương gia thường mời các Tăng sĩ Ấn Độ đi cùng để cầu nguyện. Khi các Tăng sĩ có mặt thì người dân bản xứ cũng đón nhận để học hỏi và gửi gấm niềm tin. Từ đó, có thể nói việc có mặt của các nhà tu sĩ Ấn Độ cũng như Phật giáo trên đất nước này là điều tất yếu. Như vậy, với Phật giáo Nguyên thủy người Khmer có mặt rất sớm trên mãnh đất Nam bộ này.
Đối với Phật giáo Nguyên thủy của người Việt, thì mãi đến những năm cuối thập niên 1930, Phật giáo Nguyên thủy của người Việt mới chính thức có mặt tại Việt Nam. Người có công trong việc truyền bá và thành lập Phật giáo Nguyên thủy của người Việt là bác sĩ Lê Văn Giảng, sau này xuất gia với Pháp danh là Hộ Tông, cùng với một số cư sĩ khác, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiểu cùng tham gia để hệ phái này được thành lập tại Việt Nam.
  • Hệ phái Phật giáo Khất sĩ được hình thành tại miền Nam Việt Nam vào nữa đầu thế kỷ XX (1944), do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, tu tập và hành đạo theo phương châm “Nối truyền Thích Ca chánh Pháp, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Tổ sư đã tu học theo hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy, sau đó đã dung hợp hai hệ tư tưởng này và hình thành “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, một hệ phái mang tính biệt truyền chỉ có tại Việt Nam. Phật giáo Khất sĩ có nhiều nét đặt thù, như: Tử tưởng giáo lý, phương thức hành đạo, hệ thống tổ chức, và cả kiến trúc xây dựng, v.v..
Như vậy, nhìn tổng thể của Phật giáo Việt Nam, mà cụ thể là từ miền Trung và Nam bộ thì gồm có 3 thành phần chính là Phất giáo Đại thừa, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Khất sĩ, mà phần lớn là theo truyền thống Đại Thừa.
 
Tiết 2: Sơ lược bối cảnh ra đời của Phật giáo Khất sĩ
 
1.Tình hình Chính trị, Kinh Tế, Văn hóa trước năm 1945:
Như chúng ta biết, tình hình chính trị nước ta trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lúc bấy giờ nước ta đang là một nước thuộc địa nửa phong kiến, bị sự thống trị của thực dân Pháp và triều đình Nhà Nguyễn theo chính thể quân chủ chuyên chế. Tuy nhiên Nhà Nguyễn lúc này đang bị thực dân Pháp giám sát chặt chẽ, Triều đình tồn tại nhưng thực chất là bộ máy tay sai của thực dân Pháp.
Trong bối xã hội như thế, người dân Việt Nam phải chịu nhiều thống khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại thêm vào đó là nạn mù chữ. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc Việt Nam có trên 90% dân số bị mù chữ. Vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Bình dân học vụ” trong toàn quốc, đây là chương trình xóa nạn mù chữ; Kêu gọi toàn dân thi đua để “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Trước sự xâm lăng của Pháp, trước chính sách hà khắc của thực dân, trước một hoàn cảnh xã hội bất công và bóc lột, đã làm cho người dân Việt Nam tranh đấu làm thế nào để giành lại độc lập dân tộc, làm thế nào để người đân được tự do, thoát khởi sự thống khổ, làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh đó, người dân cũng muốn hướng về đời sống tâm linh để tìm nguồn an lạc giải tỏa bớt sự đau khổ của
tinh thần. Đây là một trong những tiền đề, những điều kiện để các hệ phái Phật giáo
và các đạo giáo khác ra đời, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc bấy giờ. Trong đó có Phật giáo Khất sĩ.
2.Tình hình Tôn giáo trước năm 1945:
Phật giáo có mặt và gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử nước nhà trên hai ngàn năm. Vì thế, khi vân mệnh Đất nước thay đổi thì Phật giáo cũng cùng chịu sự thăng trầm của dân tộc. Khi thực dân Pháp bắt đầu giày xéo trên đất nước ta, văn hóa của dân tộc đang bị tấn công, thì “Phật giáo thời bấy giờ cùng chung số phận ấy, đã bị mất chủ quyền dân tộc, giáo quyền đạo Phật bị chà đạp trắng trợn hơn bao giờ hết (các Sư phải nộp thuế thân, phải đi lính cho thực dân Pháp, chẳng được tự truyền đạo như bên Thiên Chúa v.v…). Tình trạng khốn đốn của Phật giáo buổi này chẳng khác nào đóng cửa để chờ chết vì chẳng còn hệ thống (đoàn thể) tổ chức như trước kia, nguyên do thực dân Pháp cố tình cắt đứt sự tổ hợp của Phật giáo buổi này, chúng sợ dân ta trá hình là Phật giáo để rồi chống đối chúng nên mọi hình thức của Phật giáo bị chúng làm tê liệt cả. Trong Tăng giới thời này chẳng biết làm gì hơn trước sự dòm ngó theo dõi của thực dân nên sự sống hết sức là rời rạc vô tổ chức”i . Về khách quan, thì bị thế lực bên ngoài đàn áp, bên trong thì Tăng chúng rời rạc thiếu đoàn kết, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi của Phật giáo. Vì thế, Phật giáo cần phải chấn hưng, chấn hưng để được đoàn kết, thanh tịnh Tăng đoàn nhằm dùy trì mạng mạch Phật giáo, đồng thời hổ trợ và phục vụ cho đời sống tinh thần người dân, góp phần vào bảo vệ Tổ quốc. Và như thế, hàng loạt các phong trào chứng hưng Phật giáo ra đời dưới sự lãnh đạo của các vị Cao Tăng, các vị Nhân sĩ trí thức của Phật giáo. Như: Hòa thượng (HT) Khánh Hòa cùng một số bạn bè đã thành lập Hội Lục hòa vào năm 1920; HT Khánh Anh đã cùng với HT Khánh Hòa, HT Huệ Quang thành lập các trường Phật học, như vào năm 1935 thành lập Hội Phật học Lưỡng xuyên tại Trà Vinh, v.v.. Và nhiều Hội Phật giáo khác cũng được thành lập. Với nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo, kể cả việc xuất bản sách tiếng Việt, xuất bản các Tạp Chí, v.v.. đều thể hiện mục đích nhằm góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Trong bối cảnh xã hội như thế, cũng có nhiều đạo giáo mang màu sắc Phật giáo cũng ra đời để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Riêng Phật giáo Khất sĩ ra đời nhằm góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo với phương châm là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, xây dựng Tăng đoàn như thời Phật còn tại thế.
Hơn lúc nào hết, tại miền Nam tình xã hội còn nhiều rối rắm, giắc bên ngoài
bốt lột, Triều đình không có thực quyền, nhân dân chịu cực khổ lầm than thì mãnh đất này xuất hiện và hội tụ nhiều tôn giáo, giáo phái khác nhau. Ngoài Phật giáo ra, còn có nhiều đạo phái khác như: Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, Bửu sơn Kỳ Hương, đạo Dừa, v.v..
Đối với Phật giáo thì “từ thế kỷ XVII đến XIX, Phật giáo Nam bộ đã hình 
thành nên một ngôi nhà Phật giáo với đầy đủ cả hai hệ thống Nam truyền và Bắt truyền. Đến những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số hệ phái mới được ra đời như hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng năm 1944 tại Vĩnh Long, và giáo phái Phật giáo Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939 tại làng Hòa Hảo(Châu Đốc)... Tuy nhiên, trên thực tế, Phật giáo Hòa Hảo mang nhiều màu sắc “tín ngưỡng dân gian” hoặc là “Phong trào tín ngưỡng” hơn là một tôn giáo chính thống, mặc dù cũng thực hành các hình thức tín ngưỡng tương tự như một bộ phận tín đồ Phật giáo. Trong hai hệ phái và giáo phái mới này, như chúng ta biết, cho đến nay chỉ có hệ phái Khất sĩ là phát triển hơn hết, đồng thời cũng là một bộ phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.”ii
 
Tiết 3: Các giai đoạn phát triển của Phật giáo Khất sĩ
 
Phật giáo Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Tổ sư thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm Quý Hợi (1923) Niên hiệu Khải Định thứ 8, tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Thân phụ là ông Nguyễn Tồn Hiếu, và thân mẫu là bà Phạm Thị Nhàn. Ngài là con trai út trong gia đình có năm anh em. Song thân đều là Phật tử thuần thành, từng được nghe học pháp với Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Khánh Hòa, đặt biệt là được học pháp và tiếp cận nhiều với Hòa thượng Chơn Minh. Cứ mỗi mùa nước nổi Hòa thượng Chơn Minh đi du thuyền hành đạo thì có ghé thăm gia đình ông bà.
Năm 1938, Nguyễn Thành Đạt lìa gia đình sang Nam Vang (Campuchia), vừa làm việc vừa tìm hiểu và học đạo theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Sau gần 4 năm nghiên cứu và tu tập Nguyễn Thành Đạt trở về Việt Nam tiếp tục làm việc tại Chợ Lớn – Sài Gòn. Trong thời gian này, Nguyễn Thành Đạt tiếp tục nghiên cứu Phật giáo. Vốn được ảnh hưởng truyền thống gia đình tu học theo tinh thần Phật giáo Bắt truyền, nên đã trợ duyên cho người trai trẻ này tiếp tục nghiên cứu và tu tập theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền.
Năm 1942, Nguyễn Thành Đạt lập gia đình và sinh được một bé gái. Sau đó chưa đầy một năm thì người vợ hiền và con thơ lần lược bệnh và qua đời.
Năm 1943, Nguyễn Thành Đạt quyết chí xuất gia và thực hành theo hạnh của Phật tăng xưa. Nhưng trước khi thực hành pháp này, Nguyễn Thành Đạt đã vào vùng núi Thất Sơn để tu hành và thực nghiệm những điều giáo lý đã được nghiên cứu và tu học trong thời gian qua.
Do tình hình xã hội lúc bấy giờ còn nhiễu loạn, và tình hình chính trị vẫn còn nhiều phức tạp, lại thêm nạn cướp bóc, nên các vị tu hành dù trong núi nhưng cũng khó bề yên thân.
Năm 1944, Nguyễn Thành Đạt đã rời núi Thất Sơn dự định hướng ra Phú Quốc để tiếp tục hành trì thực nghiệm giáo pháp, nhưng khi đến Mũi Nai – Kiên Giang thì muộn chuyến tàu. Tại đây, Nguyễn Thành Đạt đã nhập định liên tục 7 ngày đêm. Trong thời gian này Ngài đã lắng đọng nội tâm và soi chiếu ngoại cảnh, có lẽ 
hình ảnh của những con thuyền nhấp nhô trong đêm tối nương ngọn hải đăng trở về bến cũ, mà Ngài đã chứng đắc lý pháp “Thuyền Bát Nhã”. Cũng có thể từ sự kiện này, mà sau này biểu tượng ngọn đèn Chánh Pháp được sử dụng làm biểu tượng đặt trưng của Phật giáo Khất sĩ. Ngay cả pháp hiệu Minh Đăng Quang cũng có thể liên quan đến sự kiện chứng đạo của Tổ sư tại đây.
Năm 1944 – 1947, Sau khi Tổ sư đắc pháp thì trở lại vùng Thất Sơn tiếp tục thể nghiệm lý pháp mà Ngài đã chứng đắc. Trong khoảng thời gian này Tổ sư có về chùa Linh Bửu tu tập thiền định trong nhiều tháng liền, và cũng tại đây Ngài đã phát nguyện thọ trì giới pháp và hành trì Tứ Y pháp trung đạo.
Năm 1947, Tổ sư rời chùa Linh Bửu và bắt đầu cho một hành trình hoằng pháp của người khất sĩ, thực hiện sự nghiệp “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Và đến đầu năm 1954, trên đường đi hoằng pháp thì gặp nhóm người ngoại đạo bắt đi và từ đó Tổ sư của Phật giáo Khất sĩ vắng bóng đến nay.
Như vậy, có thể xem như Phật giáo Khất sĩ bắt đầu và hình thành từ năm 1944 đến nay (2012). Chúng ta có thể tìm hiểu sự hình thành và phát triển qua các giai đoạn sau:
1.Giai đoạn 1944- 1954
Trong gần mười năm đầu, Tăng đoàn Khất sĩ do chính Tổ sư lãnh đạo, sống và tu học đúng tinh thần Tứ Y Pháp trung đạo.
Trong quyển Chơn lý HÒA BÌNH, Tập 3, Tổ sư đề cập: Những phần đặc sắc của Giáo Pháp Khất sĩ là:
  1. KHÔNG CHEN LỘN TRONG ĐỜI VỀ CHỔ Ở: Một phen xuất gia nhập đạo, Khất sĩ không còn trở lại cảnh đời, không đi vào nhà thế, phải nhập chúng Tăng già, đi đi mãi, giải thoát chổ ở, không ở một nơi nhứt định. Đạo tràng Giáo hội ấy là cõi Cực Lạc, không còn tiếng khổ, nhờ giới luật bao vây, lập thành cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm. Người người đều cổi bỏ hết phiền não nơi ngoài, vào đó quyết chí cần tu cho đắc quả. Vì vậy, nơi đó đã chọn lọc những bậc hiền nhơn minh triết, sống chung nhau muôn người như một (phép Tăng chẳng lìa đoàn) và nhờ sức oai thần của hiệp chúng, mà mỗi người đều tấn hóa rất mau.

    KHÔNG BẬN VỀ VẤN ĐỀ ĂN MẶC: Khất sĩ mỗi ngày một bửa ngọ chay, khất thực nuôi sống thân mình, mỗi năm thay một bộ tam y, do người thiện tâm bố thí, giải thoát được vấn đề ăn mặc, không cất dành, chẳng chứa để, ngày qua ngày, thong thả rảnh rang, tâm không tham chấp, dể tu nhập định tham thiền.
  1. KHÔNG TIỀN: Khất sĩ không được giữ tiền, bạc, vàng, đồ quý giá. Chính tiền, bạc đã làm cho con người phân biệt ra kẻ sang người hèn, tôn ti giai cấp. Bởi sự chưng diện xa hoa, tốn xài phung phí, mượn nơi vật chất cung phụng cho sắc thân mình, nổi bật lên trên những sắc thân khác; lấy làm hãnh diện của sự cao sang sung sướng tốt đẹp, giục lòng tham muốn, sanh sự đấu tranh, chiếm đoạt cho lợi lộc thuộc về mình. Đó là nguyên nhân bất bình đẳng ở đời, và do đó tạo sanh biết bao tội lỗi. Giáo pháp Khất sĩ trừ diệt lòng tham, trước nhất là sự ly gia cắt ái, buông bỏ hết sự nghiệp của mình. Lộc trời mà mỗi người đều có phần thọ hưởng, nay đem ra bố thí cho đời tất cả một lần. Ra đi không đem theo mảy bợn vật chất trong người, trọn đời không biết đến tiền, bạc, vàng, của quý. Để được nhẹ mình trong sạch bay cao.
  2. BÌNH ĐẲNG VÔ TRỊ : Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước, để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng Khất sĩ như nhau. Cõi không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy, mà tất cả được yên.
Trong thời gian gần mười năm đầu Tổ sư và Tăng đoàn đã sống và tu hành đúng theo phương châm “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, và Tổ sư đã xây dựng hệ thống tổ chức hoàn hảo của một “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Từ hệ thống tư tưởng cho đến giáo Luật cho Tăng Ni hàng xuất gia và tại gia Phật tử, thậm chí đến hệ thống tịnh xá cũng được hình thành, xem như là cơ sở hạ tầng để Phật giáo Khất sĩ hành đạo.
2.Giai đoạn 1954 - 1964
Sau khi Tổ Sư vắng bóng các Giáo đoàn Du Tăng được hình thành và phát triển: Giáo đoàn I khởi thuỷ do Tổ Sư Minh Đăng Quang thành lập (1944) và trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia, hướng dẫn hành đạo (1947). Sau khi Tổ Sư vắng bóng, Giáo đoàn vẫn tiếp tục hành đạo, mở đạo do quí Trưởng Lão Nhị Tổ Giác Chánh hướng dẫn đoàn Du Tăng khoảng 20 vị thực hiện hạnh nguyện du phương hoá duyên hành đạo suốt các tỉnh miền Trung (1956-1957); sau đó về các làng mạc vùng sâu, vùng xa một số tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ. Trưởng lão Trị sự Giác Như thì quán xuyến chư Tăng và các tịnh xá liên hệ các Giáo đoàn.
Giáo đoàn II do Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh đứng ra thành lập sau khi cùng Giáo đoàn Du Tăng đầu tiên hành đạo ra miền Trung. Bấy giờ, khi Giáo đoàn Du Tăng cùng Trưởng lão Nhị Tổ Giác Chánh quay về Nam thì quý Ngài Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh có duyên trụ lại, tiếp tục hành đạo thu nhận Tăng chúng xuất gia, thành lập Giáo đoàn II (1957- 1958).
Giáo đoàn III do Trưởng lão Giác An thành lập. Cũng như chư vị Tôn túc. Giáo đoàn II, sau khi Tổ sư vắng bóng, Trưởng lão đã tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo ra miền Trung. Khi Giáo đoàn quay về Nam thì Trưởng lão trụ lại, tiếp độ Tăng chúng và thành lập Giáo đoàn III (1957- 1958). Ngoài ra, Trưởng lão Giác An khi quy tịch cũng đã chấp nhận cho một số vị Ni xuất gia. Sau này trở thành phân đoàn Ni giới Khất sĩ Giáo đoàn III.
Giáo đoàn IV do Hoà thượng Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng Giáo đoàn. Hoà thượng Pháp sư là một trong những đại đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang. Sau ngày Tổ sư vắng bóng, Hoà thượng Pháp sư đã hai lần tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo ra miền Trung và khi trở về Nam thì Hoà thượng Pháp sư đứng ra thành lập Giáo đoàn IV (1957).
Giáo đoàn V do Trưởng lão Giác Lý, cũng là một trong những đại đệ tử của ổ sư Minh Đăng Quang, Trưởng lão cũng như các huynh đệ của mình nổ lực hành đạo, mở mang giáo pháp Khất sĩ giáo hóa chúng sanh. Đến năm 1960 Trưởng lão đứng ra thành lập Giáo đoàn II.
Giáo đoàn VI do Hoà thượng Giác Huệ đứng ra thành lập từ năm 1962 đặt trung tâm điều hành Giáo đoàn tại Tịnh xá Lộc Uyển (giảng đường Lộc Uyển), quận 6, Tp. Hồ Chí Minh tham gia Giáo đoàn Du Tăng hành đạo miền Trung (1957 – 1958 - 1960). Đối với Hòa thượng Giác Huệ thì khác với các vị Trưởng lão khác, Ngài cũng là đệ tử của Tổ sư nhưng còn nhỏ tuổi, nên lúc đó Tổ sư chỉ thọ ký Pháp danh là Huệ Chơn mà chưa cho xuất gia. Sau khi Tổ sư vắng bóng Hòa thượng tuổi cũng đã lên 15 tuổi, nên Ngài đã xin xuất gia và hành đạo cùng Tăng đoàn Khất sĩ do Đức Trưởng lão Nhị tổ Giác Chánh hướng dẫn. Năm 1962 được sự giúp sức của chư Tôn đức Tăng Ni… Hoà thượng đứng ra thành lập Giáo đoàn VI và làm trưởng Giáo đoàn .
 
Ngoài ra còn có một số Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ do Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên là Trưởng tử Ni của Tổ sư Minh Đăng Quang đứng ra điều hành. Buổi đầu, hàng Ni Giới do Tổ sư tiếp độ và giáo dưỡng đến khi Tổ sư vắng bóng, năm 1956, quý Ni sư kế thừa trực tiếp lãnh đạo và thành lập Giáo hội Ni Giới Khất sĩ Việt Nam, đặt trụ sở tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Gia Định, nay là Tp. Hồ Chí Minh.
3.Giai đoạn 1964- 1974
Đây là thời kỳ hiệp nhất về Pháp lý của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Được sự khuyến khích hỗ trợ của Tăng tín đồ, Hoà thượng Giác Nhu và Hoà thượng Giác Tường thuộc Giáo đoàn I đứng ra làm sáng lập viên vận động thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam có tư cách pháp nhân, pháp lý đương thời.
Thượng tuần tháng 05 năm 1966 đại hội đầu tiên được triệu tập để thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, nhiệm kỳ I (1966 - 1969). Đến năm 1971, do yêu cầu phát triển tổ chức Khất sĩ thành lập hai Viện:
Thứ 1, là Viện chỉ đạo: gồm quý Trưởng lão tôn đức lãnh đạo.
Thứ 2, là Viện hành đạo: gồm quý Thượng Toạ, Đại Đức có năng lực.
Đây là lần hội nghị cuối cùng của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam cho đến ngày đất nước hoà bình độc lập và thống nhất.
4.Giai đoạn 1974 - 1980
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 đất nước hoà bình, chư Tăng Ni Khất sĩ dừng chân du hoá an tịnh thường trú tại những ngôi tịnh xá được thành lập trước đây tiếp tục con đường tu hành theo lối giáo huấn của Tổ sư “Nên tập sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung và cái linh là phải tu chung”. Tăng Ni Khất sĩ đã ứng hiệp làm tròn bổn phận “Tác như lai sứ, hành như lai sự” tại mỗi quốc độ đạo tràng tuỳ duyên hoan hỷ tham gia, các công trình lao động, sản xuất tiểu thủ công nghiêp, trồng chế biến thuốc dân tộc Đông Y, châm cứu, nông nghiệp v.v..
Đặc biệt trong những năm này, dù an trú mỗi đạo tràng, nhưng tinh thần hoà hợp, đoàn kết Tăng Ni Khất sĩ ngày càng được củng cố thể hiện thực sự.
5.Giai đoạn 1980 tới nay (2012)
Năm 1980, Hòa thượng Giác Toàn (lúc bầy giờ là Thượng tọa) và Ni trưởng Huỳnh Liên (lúc bầy giờ là Ni sư) đã tham gia công tác vận động để tiến tới thành lập
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Từ đó, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam trở thành một trong chín thành viên sáng lập GHPGVN. Danh xưng được thay đổi là hệ phái Phật giáo Khất sĩ.
Từ khi tham gia vào ngôi nhà GHPGVN, Phật giáo Khất sĩ tiếp tục duy trì đường lối tu tập theo truyền thống của mình, còn đường lối tổ chức thì theo chủ trương của GHPGVN, tuy nhiên về hình thức quản lý việc tu hành cũng như hoàng pháp vẫn còn tiếp tục duy trì, nhưng chỉ mang tính nội bộ.
Ngoài ra, chư Tôn đức giáo phẩm hệ phái Phật giáo Khất sĩ chủ trương đầu tư về hướng giáo dục cho thế hệ kế thừa. Nhằm phục vụ cho Phật giáo Việt Nam nói chung, và trang bị kiến thức để hổ trợ nâng cao đạo phong của thế hệ Tăng Ni trẻ của Phật giáo Khất sĩ.
 
Tiết 4: Chủ trương và tổ chức của Phật giáo Khất sĩ
  •  Phương châm tu học và hành đạo của Phật giáo Khất sĩ là “Nối truyền Thích Ca chánh Pháp”
  • Phương pháp hành trì chú trọng về Tam vô lậu học -”Giới, Định, Tuệ”.
  • Thể hiện rõ rệt về sự biệt truyền của “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”.
Trong tinh thần kết hợp tư tưởng của Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền.
  • Sinh hoạt theo Tăng đoàn (Giáo đoàn), truyền trao giới pháp vẫn còn duy trì, dù rằng xem như tính nội bộ (phương trượng), nhưng áp dụng rất khắt khe. Còn về pháp lý thì vẫn theo các giới đàn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh thành tổ chức.
  • Sinh hoạt theo truyền thống và hiện đại.
Tiết 5: Một số tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang
  • Tử tưởng chủ đạo là hai từ “Khất sĩ”. Thể hiện từ danh xưng đến ý nghĩa của việc hành trì. Quan trọng hơn hết là mục đích tu theo“Khất sĩ” là để phá chấp, phá ngã, theo Phật giáo thì chỉ khi nào hành giả tu hành hoàn toàn không còn chấp vào Ngã và Ngã sở thì mới có cơ hội giải thoát đúng nghĩa của Phật giáo.
  • Theo Tổ sư quan niệm Khất sĩ có 3 hạng: Khất sĩ Thanh văn, Khất sĩ Duyên giác và Khất sĩ Bồ tát.
  • Tinh thần dung hợp của hai hệ tư tưởng Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền.
  • Tinh thần hòa hợp và đoàn thể: Nên tập sống chung tu học: Cái SỐNG là phải sống chung; Cái Biết là phải học chung; Cái LINH là phải Tu chung.
 Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam (Dẫn lại từ Tìm hiểu Hệ phái Khất sĩ của tác giả Thích Giác Duyên, tr.28)ii Thích Tâm Thiện, Hội thảo Khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – tp. HCM, nxb tp.HCM,tr51
PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
(Học phần thuộc môn học: Lịch sử Tông phái PGVN)
Giảng viên: Thích Giác Nhường