Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trong quá trình hoằng pháp, thực hiện sứ mạng khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ tại Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang đã vạch ra một kế hoạch truyền bá tư tưởng có trình tự rõ ràng. Nhằm mục đích thuyết phục mọi người chấp nhận giáo lý Khất Sĩ, Tổ sư đã phải trình bày nhiều vấn đề khác nhau, nhưng mục đích tập trung là vẽ ra cho thấy con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp đến cao, từ ác đến thiện. Con đường tiến hóa này được coi là chơn lý, là tư tưởng chủ đạo trong tất cả các bài Chơn lý của Tổ sư.

Chúng ta thử bình tâm để lòng tĩnh lặng đi ngược thời gian hơn 60 năm trước, trở về với bối cảnh lịch sử khi Tổ sư trình bày bài pháp Võ trụ quan này chúng ta sẽ thấy gì ở đó? Một nơi xa xôi hẻo lánh, đường sá chật hẹp, lầy lội. Có thể là một căn nhà tranh, không điện, không quạt máy, không có máy phóng thanh, không có bàn ghế, mọi người ngồi xếp bằng dưới đất để lắng nghe. Đối tượng để Tổ sư trình bày là những người nông dân, buôn bán, làm thuê, ít học, có thể có nhiều người không biết chữ quốc ngữ nữa. Trong một bối cảnh như thế, tại sao Tổ sư lại đưa vấn đề vượt quá mức hiểu biết của người nghe ra để trình bày? Cho nên chúng ta có thể xác định rằng: Tổ sư chỉ mượn hình ảnh vũ trụ để trình bày con đường tiến hóa của chúng sanh. Với mục đích chỉ cho chúng ta thấy lộ trình chúng ta đã đi qua, vị trí chúng ta đang đứng và phương hướng chúng ta sẽ đi tới. Qua đây Tổ sư trình bày mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người và vạn vật chung quanh. Chúng ta đã thấy, sau khi giới thiệu tổng quát về vũ trụ và con đường tiến hóa của chúng sanh, cuối cùng Tổ sư xác lập ý pháp qua ba đoạn cuối, từ đó chỉ cho chúng ta con đường tiến lên, đi tới, để có cuộc sống yên vui tốt đẹp đúng với chơn lý vũ trụ.

Trình bày Chơn lý “Võ trụ quan”, Tổ Sư hướng đến mục đích giáo dục bằng những lời kêu gọi: Võ trụ ví như bà mẹ, chúng ta những kẻ sống chung, chúng sanh tất cả con chung của võ trụ. Ta được thân người, có được thức trí, đối với muôn loại, như kẻ đàn anh, sanh trước đi trên, nếu ỷ mạnh hiếp yếu, làm sao cho phải lẻ? Vì cái tham sống cho ta, mà muôn loài chết thảm, nghĩ lại thật là bất nhơn, vô nhơn, phi nhơn. Ai sanh trước hiền hơn, sáng hơn, trẻ em sanh sau dữ hơn, ngu hơn: Ta lẽ nào lấy cái hung, cái gian mà làm lớn? Thật là tội lỗi, sống tội lỗi, xác thân tội lỗi, hành vi tội lỗi, lời nói tội lỗi, ý niệm tội lỗi, sự ăn tội lỗi, sự mặc tội lỗi… mớ tội lỗi dẫy tràn kia, nào có xứng đáng với loại trên trước, tiến hóa vượt trỗi hơn bao hạng thấp hèn?

Hãy sống với võ trụ! Hãy học hiểu rõ thấu chơn lý, ta sẽ thấy cái ta không còn cách biệt với vạn vật nữa, ta sẽ được an vui!

Như vậy chúng ta đã thấy rõ mục đích của Tổ Sư khi giảng bài Pháp này, vũ trụ chỉ là đề tài, mượn đề tài để trình bày con đường tiến hóa của chúng sanh, muôn loại và các pháp. Qua đây Tổ Sư chỉ ra chặng đường chúng ta đã đi qua, vị trí chúng ta đang ở và phương hướng để chúng ta đi tới.

Để rõ hơn, chúng ta thử đọc thêm một đoạn khác:

Chúng sanh là tiến hóa, từ địa ngục đến Niết bàn do nhơn duyên chuyền níu sanh ra. Từ nơi không sanh ra có, nhỏ tới lớn, có rồi có mãi, không hết không rồi: mượn vật chất làm thân để nuôi tâm, còn thân trả lại tứ đại; đời kiếp không dư thiếu.

Chúng sanh chẳng phải lưng, Phật thánh chẳng phải đầy, dầu đến bao lâu, xem ra cũng vậy. Thật là võ trụ mênh mông, mà như tuồng sắp đặt.

Người mà giác ngộ chơn lý, mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui; mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi. Hết mê lầm. Không loạn vọng. Không sở chấp chi nữa hết.

Bài tiếp theo sau đó là bài Ngũ Uẩn. Thông thường chúng ta biết rằng ngũ uẩn chỉ cho tổng thể hình thành nên con người hay nói cách khác: con người là tổng thể của năm uẩn. Nhưng Tổ sư giải thích ngũ uẩn là năm pháp căn bản hình thành vũ trụ, vì vũ trụ cũng là một cơ thể sống. Từ đó Tổ sư vạch ra con đường tiến hóa từ thấp đến cao. Chúng ta thử nghiên cứu đoạn sau đây theo hàng dọc từ trên xuống sẽ rõ.

Địa ngục là tứ đại, hay thân hình trong thai, có sắc.

Ngạ quỉ là cây cỏ, hay đứa trẻ mới sanh, có thọ.

Súc sanh là con thú, hay em nhỏ sáu tuổi, có tưởng.

Nhơn là người, hay người nhỏ, có hành.

Thiên là trời, hay người lớn, có thức.

(Phật hay người già, bốn mươi tám tuổi, có giác).

Như vậy Tổ sư cũng chỉ mượn giáo lý Ngũ Uẩn để chỉ con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp đến cao, không như chúng ta chỉ biết ngũ uẩn là tổ hợp sắc và tâm pháp cấu tạo nên con người. Đây là tư tưởng nhất quán trong loạt bài đầu tiên của bộ chơn lý, cũng giống như bài Võ Trụ Quan vậy.

Tổ Sư dạy:

Phân chia ra ngũ uẩn, chỉ rõ từng giới hạn ấy để cho dễ phân biệt, cái giác có từ đâu? Giác là gì? Tại sao mà có? Có để chi? Ngũ uẩn cũng là nấc thang hay trình độ, lớp học tiến hóa của chúng sanh, mà trong ấy cái khổ là gió làm duyên để đưa lên. Lên đến cái tột vui là Phật, Niết-bàn, hay mục đích của chúng sanh. Thế nên khổ là tiến hóa, là bài học đưa từ vật chất lên đến tinh thần.

Ngũ uẩn là duyên tiến hóa của chúng sanh, từ đất, nước, lửa, gió đến lớp cỏ cây, con thú, loài người, bậc Trời và rốt ráo là vị Phật. Cho nên nói: Ngũ uẩn ví như một thân hình: Thức là đầu, hành là tay, tưởng là ngực, thọ là bụng, sắc là chân, gồm cả năm thể thành một thân hình.

Ngoài ra, Tổ sư còn liên hệ Ngũ Uẩn đến nhiều góc độ, nhiều phạm trù khác nhau với mục tiêu duy nhất là chỉ cho chúng sanh con đường tiến để đi lên, lên đến chỗ nghỉ ngơi rốt ráo là Niết Bàn hay quả Phật.

Qua bài Chơn Lý Lục Căn, Tổ Sư cũng theo cách trình bày của Ngũ Uẩn tức là trình bày mối liên hệ của Căn, Trần, Thức qua tiến trình tiến hóa của chúng sanh. Chúng ta thử nghiên cứu bảng phân chia sau đây sẽ rõ.

 

 

Loại

 

 

Trần

 

 

Thức

 

 

Căn

 

 

Nước

 

 

Sắc

 

 

Thấy

 

 

Nhãn

 

 

Đất

 

 

Thinh

 

 

Nghe

 

 

 Nhĩ

 

 

Cỏ

 

 

Hương

 

 

Hửi

 

 

 Tỷ

 

 

Cây

 

 

Vị

 

 

Nếm

 

 

Thiệt

 

 

Thú

 

 

Xúc

 

 

Rờ

 

 

Thân

 

 

Người

 

 

Pháp

 

 

Tưởng

 

 

Ý

 

 

Trời

 

 

Huệ

 

 

Hiểu

 

 

Trí

 

 

 Phật

 

 

Chơn

 

 

 Biết

 

 

Tánh

 

 Tiếp theo các bài sau đó như: Thập nhị nhơn duyên, Bát chánh đạo, v.v… cũng bằng cách mượn đề tài Giáo lý của Đạo Phật để trình bày cho chúng ta con đường tiến hóa này. Tuy rằng mỗi đề tài mang nội dung khác nhau nhưng mục tiêu hướng đến của Tổ sư là trình bày, chỉ rõ con đường tiến hóa để chúng ta tiến lên, đi tới.

  Như trong bài Bát chánh đạo, mới đọc chúng ta tưởng chừng như Tổ Sư luận giảng Bát chánh đạo theo một cách riêng của Ngài không giống như chúng ta học ở các sách luận giải giáo lý đạo Phật của các vị tiền bối. Thực ra Tổ sư cũng đã y theo cách giảng giải lâu nay trong giáo lý Đạo Phật, nhưng đặc biệt như đã nói, Tổ sư mượn giáo lý Bát Chánh Đạo cũng để trình bày giới thiệu con đường tiến hóa của chúng sanh, con đường mà Tổ đã khám phá ra, nó là chơn lý của vũ trụ.

1. Trong nước có sở kiến, là sự thấy.

2. Trong đất có tư duy, là thức sống hay cái biết đang cử động.

3. Trong cỏ có ngư, là lời nói do sự rung khua.

4. Trong cây có nghiệp là trái hột của cải.

5. Trong thú có mạng sống, là tư tưởng (sống lâu mau tự nó tìm ăn).

6. Trong người có tinh tấn, là hành vi tiến hóa.

7. Trong Trời có niệm, là sự ghi nhớ điều lành, nên được vui thanh nhẹ.

8. Trong Phật có định, là sự đứng ngừng yên lặng, cái sống mới vững vàng.

Từ nước đến Phật, từ kiến đến Định, là nấc thang tấn hóa kêu là Đạo, đến Phật, Định, kêu là đắc đạo. Kết quả của sự sống là đắc quả, hay là bậc giải thoát hoàn toàn. Định là dứt khổ. Định là có ta, dứt luân hồi sống mãi đời đời.

Tuy nhiên, trọng tâm bài này Tổ sư giới thiệu Bát Chánh Đạo như là một con đường duy nhất để đến nơi yên nghỉ rốt ráo “quả Phật” sau chặng đường dài tối tăm, đau khổ mà chúng sanh đã trãi qua.

Ngoài ra, còn rất nhiều bài Chơn lý khác mang âm hưởng của tư tưởng này. Do đó chúng ta có thể nói con đường tiến hóa của chúng sanh là chủ đề lớn được Tổ sư trình bày trong bộ Chơn lý của Ngài vậy.

Tóm lại, qua các bài Chơn lý: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, v.v…  chúng ta thấy Tổ sư vận dụng một cách sáng tạo giáo lý trong việc trình bày Giáo Pháp. Con đường tiến hóa của chúng sinh từ thấp đến cao được Tổ sư coi như một chơn lý chắc thật, điều này đã thể hiện rất rõ qua các bài Chơn lý trên. Mặc dù luận giảng nhiều vấn đề khác nhau, nhưng Tổ sư đã tập trung giới thiệu con đường này một cách nhất quán. Chúng ta có thể coi như con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp đến cao là chơn lý thứ nhất mà Tổ sư muốn trình bày cho chúng ta.

Tư tưởng xuyên suốt của Chơn Lý là đề cao vai trò của người xuất gia giải thoát Khất sĩ, vì Tổ sư coi như đây là con đường duy nhất đến với quả Phật, không có con đường thứ hai. Ngoài ra Tổ sư còn trình bày một số sự thật (chơn lý phổ biến) đương bị mọi người nhận lầm, hiểu sai. Tổ sư muốn mọi người nhận ra sự thật và sống đúng chơn lý vũ trụ.

Khảo sát tổng quát nội dung bộ Chơn lý cho chúng ta thấy dù điều kiện khách quan rất hạn chế, nhất là Kinh - Luật - Luận thời bấy giờ phần nhiều còn nguyên chữ phạn (Pali) hoặc chữ Hán, vả lại thời gian tìm tòi nghiên cứu của Tổ Sư cũng không lâu, thế mà Tổ Sư cũng đã hình thành và hệ thống một số phạm trù căn bản, nhằm để giới thiệu những phần nền tảng tư tưởng giáo lý đạo Phật đến với mọi tầng lớp quần chúng, qua đây Tổ Sư giới thiệu những điều được coi là chơn lý của vũ trụ.

Bài đầu tiên trong Chơn lý là Võ trụ quan. Nếu chúng ta đọc bài này ở góc độ của một người nghiên cứu vũ trụ để tìm hiểu những bí ẩn trong vũ trụ bao la này, chúng ta sẽ thất vọng, không đạt được mục đích. Bởi vì Tổ sư không phải là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vũ trụ và mục đích của Tổ sư cũng không phải trình bày những lẽ huyền bí còn ẩn chứa bên trong vũ trụ mà các nhà khoa học chưa khám phá được. Ở đây Tổ Sư chỉ mượn hình ảnh vũ trụ để trình bày nấc thang tiến hóa của nhân loại. Đặc biệt Tổ Sư dựa theo lý duyên sinh vô ngã, chỉ cho chúng ta thấy sự hình thành và phát triển của chúng sanh là do các duyên chung hợp, phù hợp với lời dạy của đức Phật qua các kinh điển. Điều này cũng gián tiếp bác bỏ thuyết Thượng đế sanh ra muôn loài vạn vật đương được truyền bá thời kỳ đó.

 
Thích Giác Pháp