Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tôi nhìn lại chính mình, từng cử chỉ, lời nói, đi đứng, ăn uống, tôi bắt đầu sửa chữa thân và miệng mình. Tôi bắt đầu quay lại suy nghĩ về mình, nhưng cũng chỉ tiến lên hơn được một ít rồi lại ì ạch trong việc tu học. Vậy mới biết học tu dễ hay khó.
Trong cái nắng hanh của ngày đầu đông tháng mười. Những chiếc lá Sala Song thọ đang nhẹ nhàng rơi xuống sân khu Tăng xá chùa Hoằng Pháp. Thế là tôi đã đến đây học tu Phật thất và làm công quả tròn ba năm. Có lẽ đây là thời gian không dài nhưng đối với người có hoàn cảnh ràng buộc nhiều như tôi, thì đây là công trình tuyệt mỹ mà tôi thực hiện được trong đời.

Ngày đó tôi đến xin Thầy Trụ trì cho tập sự xuất gia, vì Thầy không có độ Ni chúng, nên tôi phải chuyển sang tu công quả. Sư phụ dạy tôi: “Cạo đầu chỉ mất 5 phút, cạo tâm thì cả đời. Làm gì cũng phải từ cái tâm, làm việc có tâm thì việc gì cũng được thành.”

 Bỏ lại sau lưng vai trò của người quản lý ngoài đời. Tôi lao vào những công việc mình chưa quen: Quét dọn, giặt phơi, thái rau quả, ai sai gì cũng không ngại trên dưới sang hèn, sạch dơ, xấu đẹp…Tôi tâm tâm niệm niệm phải tiêu diệt bản ngã tại đây. Tôi đã khởi đầu cho chuyến xe về Tây phương bằng phương tiện tri túc biết đủ: Ăn chay, từ ngủ giường nệm Hàn quốc sang ngủ nền gạch, hạn chế dùng điện thoại. Từ có nhà riêng sang không nhà. Áp dụng chế độ 3 y một bát, không giữ tiền bạc. Từ có người thân xung quanh sang những người hoàn toàn xa lạ. Từ có xe sang không có xe. Ngủ 10 tiếng xuống 6 tiếng. Không ăn cơm chiều, thiết kế công quả... Trải qua ba năm như vậy, tôi đã không bỏ qua một cơ hội nào để tìm chân lý đời người. Đọc bao nhiêu kinh sách, tài liệu Phật học, nghe bao nhiêu băng đĩa. Nhưng tôi vẫn thấy tất cả những gì đã học được đều là của các Ngài, không phải do tôi tự tìm ra. Các Bậc Tiền nhân đã tu học như thế nào? Làm cách nào chứng đạo? Thời gian bao lâu? Ở đâu? Tôi thật sự không tìm ra được lối thoát cho chính mình.  Bởi thời gian tu tập của tôi quá ít, tâm chưa phát triển lên được.

Tôi bắt đầu tuyệt vọng khi tôi không thấy một manh mối nào của sự giải thoát như lời nói của các bậc Thượng thiện nhân, dù trong quá trình tu học niệm Phật đến một niệm, bất niệm tự niệm, nhất tâm bất loạn, vô niệm…Nhưng tôi vẫn còn thấy thiếu thiếu một điều gì, bởi nhất tâm rồi loạn trở lại, vô niệm rồi khởi niệm. Làm sao giữ mãi? Suy nghĩ không ra nên tôi đi quét lá.

Trong khu tăng xá có 2 cây Sala Song thọ rất đẹp, mỗi năm hai mùa lá rụng. Ngày ngày quét lá Sala tôi tự nhủ không biết vào thời Đức Phật, Ngài Bàn Đặc hoàn toàn dốt, chỉ quét dọn thôi mà chứng đạo, tôi nghĩ mãi không biết Ngài đã nhẩm bao nhiêu lần câu “tảo tuệ”. Tôi cũng bắt chước Tiền nhân lẩm nhẩm “tảo tuệ”. Sự thật thì tôi đã nhẩm câu này lâu lắm rồi, tôi đã từng quét sạch bong cả sân cỏ ở Nội Ni Thiền viện Trúc Lâm không biết bao nhiêu lần.

Mỗi ngày, Sư phụ đi qua lại trong khu tăng xá, nhìn dáng từ hòa khả kính của Người, tôi như có thêm người Cha. Tôi vẫn trăm ngàn lần tự nhắc mình phải học được hạnh của Sư phụ, tôi hạ quyết tâm phải học được tông  chỉ của Người. Nhưng lần nào thử thách đến tôi cũng đều thất bại. Tham sân si cứ vẫn nổi dậy khi gặp chuyện bất như ý. Thế rồi cơ hội cũng đến.

Khởi đầu khi tôi gặp một chị bạn tu học trong chùa. Chị đến chùa sau tôi, khi tôi ôm một số tọa cụ đem cất trên chánh điện. Chị đứng quay lưng lại nên không nhìn thấy tôi, Chị đang xắp tọa cụ lại cho ngay ngắn nhưng lại làm cản lối nên tôi gắt: “Chị bước ra đi, nặng quá”. Chị lui ra, chắp tay kính cẩn, nhẹ nhàng cất tiếng:  “A Di Đà Phật. Chị xin lỗi em.” Tôi tròn mắt ra: “Chị có lỗi gì”. Chị xá dài xuống: “A Di Đà Phật. Chị không thấy em”. Chị bước lại nắm lấy tay tôi thật chặt: “Em đừng giận nha!”. Tôi há miệng ra nhưng không nói được lời nào. “Ơ hay! Chị này, thật là!” Thường ngày tôi hay ăn to nói lớn, nhưng hôm nay tôi gặp phải đối thủ rồi. Tôi chỉ còn biết cười gượng gạo, từ hôm đó tôi bắt đầu suy nghĩ, học cách xử sự.

Tôi nhìn lại chính mình, từng cử chỉ, lời nói, đi đứng, ăn uống, tôi bắt đầu sửa chữa thân và miệng mình. Tôi bắt đầu quay lại suy nghĩ về mình, nhưng cũng chỉ tiến lên hơn được một ít rồi lại ì ạch trong việc tu học. Vậy mới biết học tu dễ hay khó.

Tôi bắt đầu lạc vào lối tu trì trệ, không muốn làm nhiều vì sợ phiền não, không muốn tiếp xúc ai. Thế rồi một hôm, trong quá trình làm việc với một vị Tỳ kheo trong chùa về việc Ấn phẩm văn hóa, tôi phải liên lạc điện thoại với Thầy. Một lần về thăm nhà, khi đi ngủ tôi nhận ra là mình còn phải gọi cho Thầy thêm  một việc nữa. Tôi nghĩ sao mình phải gọi nhiều thế? Tôi bắt đầu nhìn thấy tâm mình trong đêm khuya tịch mịch. Đây rồi, cái mà tôi tìm bấy lâu nay đây rồi, chính là nhìn thấy cái tâm của chính mình. Trong hành động nào, dù thiện đến đâu cũng có những thứ khác đi chung: Mến, ghét, đố kỵ, tham cầu…Kể từ ngày đó tôi không chú ý đến cái thân và cái miệng nữa, mà tôi chú ý đến cái tâm. Tôi nhận ra mỗi khi nó khởi lên: “Người này dữ và ác quá”. thấy tâm xấu, Tôi nhận ngay: “Cái này là sân_ Thôi đi!, mình đang sân mình mới thấy khó chịu với người ấy”. Thế là tôi bơi lội với cái biển tâm mênh mông của mình để thấy tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tôi trở thành kẻ thù của chính mình. Tôi bắt đầu quản lý từng ý niệm của mình, ghê sợ những ý nghĩ chính mình, cuối cùng tôi thấy mệt với chính mình!!!

Tôi lại về nhà, chân lý đâu chưa thấy, sụt mất mấy kí lô, thân gầy còm, mặt xanh xao, toàn là vết muỗi cắn trên mặt do ngồi tịnh tọa. Đọc bao nhiêu kinh kệ, trì bao nhiêu chú, lạy Phật không đếm nữa. Thức đêm trắng cả mắt cũng chẳng thấy giải thoát chút nào. Tôi nghĩ, ngày xưa trong pháp hội của Đức Phật Thích Ca, trời người đủ các loài mà Phật thọ ký cho Ngài Di lặc thành Phật kế tiếp mà tại sao Phật không thọ ký một vị nào khác. Tôi nghĩ mãi, thế rồi tôi cũng tìm ra câu trả lời cho chính mình. Có lẽ vì Ngài Di lặc đã có thể dung chứa những điều khó dung trong thiên hạ. Ngài luôn hoan hỷ, vì vậy Ngài đã nhổ bật được cái gốc đố kỵ, hết thương ghét thì hết ái, hết ái thì vô ngã…

Ngài Bàn Đặc chính là đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc mà chứng đạo, Ngài đã không còn sự hơn thua, đố kỵ, dua dối, nịnh bợ, bè phái,… Không còn chỗ cho cái tốt và xấu, cao thấp, hay dở…. Lần dò đến đây, tôi thấy tâm mình khá hơn, nên tôi quyết định học chữ vô ngã, oán thân bình đẳng, tôi không muốn làm việc theo kiểu lấy lòng Sư phụ, tôi muốn tự đi trên đôi chân của mình. Thật chẳng dễ chút nào:
Có cô đạo hữu luôn chửi mắng, tranh thủ cao thấp với tôi, nhiều lần tôi phiền não vô cùng, nhưng cố nhẫn chịu vì học Ngài Quán Âm đã nhẫn chịu mà thành tựu. Nhưng có lần cô ta hung dữ quá, đấm đá, chửi bưới ầm ĩ làm tôi thật sự phiền não, tôi từng đọc kinh Kim Cang Bát Nhã, nhưng lúc cô ấy chưởi dử dội quá thì tôi mới nhận ra mình không dứt ba nghiệp. Tôi giận mình quá.  Làm động chúng, tôi thấy mình vô tích sự khi bưng chén cơm đàn việt ăn mà chẳng tu được tí nào. Xấu hổ vì ở trong Tam bảo mà không tu tập tốt được, vì sợ nợ Tam bảo nên tôi muốn về nhà. Tôi đến chào Chị để về luôn, Chị lại nắm chặt lấy tay tôi: “Em ơi, đây là trường thi để cho Chị Em mình thi đó, em mà không thi thì không lên lớp được. Em đừng về, học được thành tài là việc khó, gặp được Đạo tràng và Sư phụ tốt cũng khó, phát tâm hỗ trợ Tam Bảo khó, vượt lên để tu học thành tựu càng khó, nay em có đầy đủ duyên lành, em xem có bao nhiêu người có duyên lành, số đó ít lắm, em nên suy nghĩ, đừng quan tâm đến những việc khác, vô thường lắm, ai nói gì mặc kệ, mình đừng quan tâm đến họ. Hãy làm tốt công việc của Tam Bảo giao, Em làm việc cho Tam bảo chứ không phải làm việc cho riêng họ”.

Tôi lạnh sống lưng khi nghe Chị nói câu làm việc cho riêng họ. Vậy là mình đang bị họ chi phối. Sức định của sự tu tập đâu rồi? Tôi tự hỏi mình đã và đang làm gì?

Với kinh nghiệm này, tôi đi nói với mọi người tôi sẽ về nhà luôn, vì tôi muốn tìm ra thêm những người bạn như Chị. Tỉ số 500/3 làm cho tôi hơi buồn, có người còn mừng tôi về nhà, người thì hỏi tôi sao chưa về, chừng nào về, người thì xin đồ đạc, người thì kêu gọi tôi về nhà,… Có lẽ tôi đã làm cho mọi người khó chịu nên ai cũng mong tôi ra về, hay vì lý do nào khác tôi không biết nữa. Dẫu sao tôi cũng rất hạnh phúc vì tôi đã gặp thêm 3 vị Bồ tát trong đời. Bởi họ không vì tôi hay vì họ mà vì lợi ích chung trên con đường tìm về chân lý.

Hôm nay, quyển Hương pháp do Thầy Tâm Chánh thiết kế ra đời. Cầm quyển Hương pháp tôi vui mừng khôn tả. Tôi vui vì mình lại có tâm vui mừng việc làm của người. Kinh Hoa Nghiêm có dạy lợi hành đồng sự  là hạnh của chư Bồ tát trong Thập địa. Tôi tự nhủ rằng nếu tôi không tùy hỷ được thì không đáng được bưng chén cơm đàn việt. Tôi đi khắp chùa nói với mọi người rằng tôi đã hiểu được vì sao Phật thọ ký cho Ngài Di lặc thành Phật trước rồi, chú Thịnh bảo tôi rằng nói mãi coi chừng dập câu đó luôn!

Cầm chổi trên tay, trong buổi sớm mai ở khu tăng xá, tôi nghe lòng mình ấm áp. Tôi nhẹ nhàng quét từng chiếc lá Sala một cách thận trọng. Chánh niệm Nam mô A Di Đà Phật “tảo tuệ”, “quét sạch sự nhơ bẩn trong tâm ý”. Nam mô A Di Đà Phật “tảo tuệ”. “Đoạn trừ phiền não, đoạn trừ lậu hoặc”. Nam mô A Di Đà Phật “Tảo tuệ” Lợi hành đồng sự,… Trực tâm niệm Phật, kết nối những điểm vô niệm thành khối vô niệm, sự thanh thản trong lòng tôi lan tỏa. Cuối cùng tôi cũng hiểu được câu nói của chư Tổ. Một câu Phật hiệu, ngàn bảy trăm công án. Niệm Phật được sáng tâm, lạ thật!  Việc tịnh tọa của tôi gần đây có nhiều chuyển biến. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao Bà già ở chùa Hội Long_Long An chỉ  lặc rau quét rác mà thành tựu vãng sanh, khi sinh tiền còn được thấy Phật ngồi cội bồ đề tỏa hào quang rực rỡ.

Hơn bao giờ hết, ý định xuất gia lại cháy trong tôi. Nhưng có lẽ phước của tôi không đủ nên không được Sư phụ tế độ Ni. Chúng con kính thỉnh mong Sư phụ độ Ni để chúng con được thọ giới, tu học độ sinh theo Người. Tôi chợt bùi ngùi khi nghĩ một ngày phải rời xa mái chùa Hoằng Pháp. Nhưng ước vọng tu học và độ sinh mạnh mẽ luôn thôi thúc tôi. Dù Sư phụ chưa nhận tôi là con trong hàng ngũ xuất gia, nhưng với những gì có được trong tâm, tôi tin rằng tôi đang đi trên con đường mà Người đã dạy. Kính mong Sư phụ thân tâm luôn an lạc, chúng con kính thỉnh Ngài ở mãi, luôn là đại bồ đề che mát cho chúng con.

Trời vừa rạng sáng, Sư phụ đang đi bộ dưới gốc Sala, dáng khiêm cung, từ hòa, giản dị, bao dung của Người khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Những cánh hoa Sala dường như cũng đang vói theo chân Người. Chúng tôi, những đứa con từ mọi nẻo đường tụ hội về đây tu học theo bước chân Người. Phước duyên này chúng tôi xin mãi ghi dấu, trân trọng trên bước đường chuyển hóa thân tâm, trở về với quê hương Cực lạc của chính mình.

BTT Vuontam.net