Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
“Đệ tử là Pháp Huy. Muốn tầm cầu Đạo lớn. Nghe danh Thầy, nên con không quảng đường xa, mong được Thầy dạy cho con học cách ly thoát sinh tử, vượt khỏi biển lửa trầm luân.” Lão sư không trả lời, ngài thổi cho lửa lên cao, rồi hỏi hắn, “Nước sôi chưa?” Hắn ngạc nhiên, không biết trả lời ra sao? Lão sư nhìn hắn, nhắc lại, “Tên tiểu tử kia, ngươi có thấy nước sôi chưa?” Hắn vội dở nắp nồi nhìn vào nồi. Nước được đổ lưng chừng nồi. Hắn dợm thò ngón tay vào xem thử nước đủ nóng chưa, nhưng lão sư cầm đủa gõ vào tay của hắn một cái nên hắn vội rút tay ra.
Hắn đã tìm đến nơi này vào một chiều gió lộng. Con dốc thoai thoải lên đỉnh núi như con rắn uốn mình trên vách núi thẳng đứng. Hàng cây xanh che khuất mất ánh tà dương, kéo theo tia nắng cuối cùng sau lùm cây rậm rạp. Có vài cây nghiêng ngã dưới cơn gió dữ. Những đóa hoa mầu tím ẩn mình một cách thầm lặng như chờ ai che chở. Tiếng rít của gió xuyên qua rừng thông nghe thật thê thảm như tiếng gào rú của nghìn chúng sinh trong biển lửa trầm luân. Bóng của một con thú nào đó xào xạt rình mồi, hai mắt như điểm nhãn, long lanh dưới tàn cây tối. Mầu xanh của lá đan kết vào nhau, thành một màng lưới chằng chịt khổng lồ đan kín khu rừng dưới bóng hoàng hôn. Con đường nhỏ trần trụi xơ xác những chiếc lá vàng lào xào mỗi khi gió lớn thổi qua. Bóng núi như một gã khổng lồ nghênh ngang thách đố cùng trời đất khôn cùng, sừng sững một cách kiêu ngạo, nhưng vách núi thì đầy hằn những vết chém của những người thợ đào đá hầu mong tìm được những tảng đá lớn để điêu khắc tượng. Có những vết chém thật sâu thẳm trong lòng núi, như vết dao xuyên tâm, còn có những vết nhỏ chém hời hợt, như để lại dấu ấn khắc ghi lòng sân hận.
 Ngôi làng dưới núi, lãng đãng vài ngọn khói huyền, có tiếng chó sủa đó đây. Hắn vội rão bước. Hắn phải cần đến đỉnh núi trước khi màn đêm bao trùm vạn vật.  Hắn nghe nói ở nơi này nhiều thú dữ chực chờ rình mò khách bộ hành. Hắn còn nghe những dân làng ở ngôi làng cận kề núi, cho rằng trên núi có quỷ dữ sẵn sàng ăn thịt một ai dám xông pha vào chốn thần bí thâm u. Họ còn kể cho hắn nghe rằng, thỉnh thoảng có vài khách bộ hành tìm lên đỉnh núi, nhưng sau đó thì không còn thấy xuống núi nữa. Họ quả quyết là có một vài người thợ săn thấy được xương cốt của họ rã rục dưới những gốc cây to bằng cả mười người ôm. Họ còn đoan chắc với hắn là hắn sẽ không trở về, hắn sẽ không đi ngang qua ngôi làng của họ nữa. Hắn sẽ bỏ xác ở nơi nào làm mồi cho thú dữ.
Khi ở quán trọ, hắn lặng lẽ nghe những lời thuật lại của chủ quán. Ông rót cho hắn một ly trà và hỏi,
“Ông tính lên đỉnh núi thật sao?”
Hắn gật đầu với chủ quán nhưng đôi mắt lại lơ đãng nhìn lên ngọn núi cao ngất như muốn chạm cả những tầng mây chập chùng trên trời cao. Đỉnh hoang sơn thâm u, kẻ tha hương lữ thứ đã bao dặm đường tìm đến đây. Chắc hẳn núi cao không thể vô tình. Hắn nhất quyết là mình phải lên đỉnh núi bằng mọi cách, dù cho sông cạn đá mòn thế nào đi nữa.
Tóc hắn đã lốm đốm vài sợi bạc. Hắn chớm nghĩ cuộc đời tựa như phù vân. Kẻ lãng du, không màng đến thế sự, chỉ muốn tìm đến một bí mật huyền diệu nào đó có thể giúp hắn lìa được bánh xe sinh tử. Hắn nghe nói trên đỉnh hoang sơn đó có một huyền giả ấn sĩ, vốn có thể giúp được hắn tìm về cội nguồn chân nguyên. Hắn đã lang thang bao nhiêu năm trời, tìm thầy học Đạo. Trên bước đường lưu lạc, hắn có gặp một vài vị thầy nổi tiếng, nhưng hắn thất vọng vì những vị thầy đó vốn hữu danh nhưng vô thực, không cho hắn được vốn liếng gì khả dĩ để hắn có thể thấy được ánh sáng cuối đường hầm thăm thẳm.  Rốt cuộc, hắn lại phải vác hành trang lên đường dù đôi lúc hắn mệt mỏi vô cùng tận, chỉ muốn bỏ dỡ cuộc du hành. Ngẫm nghĩ lại, hắn thấy mình vốn không phụ những vị thầy đó, nhất là vị thầy cuối cùng mà hắn gặp mặt. Hắn đã phục dịch thầy hết lòng, chỉ mong thầy ban cho các huấn từ cao siêu. Hắn lục tìm trong kho tàng kinh luận, mong mỏi thấy được bí quyết trường cửu để khiến hắn có thể đến được tận cùng vũ trụ không nghi ngại. Vị thầy khả kính đó nhìn hắn một cách tội nghiệp, bâng quơ khuyên hắn một vài lời, nhưng hắn không chịu nghe, vẫn hết lòng thuyết phục ông cho hắn bí quyết huyền nhiệm để vượt tử sanh. Hắn cho rằng hắn không còn bao nhiêu ngày nữa. Hắn như kẻ ngồi trên đống lửa, lúc nào cũng nôn nóng sợ hãi quỷ vô thường tìm đến rủ ren dạo chơi cõi địa ngục. Hắn tu tập, nhưng vẫn nghĩ là tuy giáo pháp cao thâm của Đức Phật có đó, nhưng thiếu Thiền sư đắc ngộ dạy thì chỉ lỡ một đời mà thôi. Hắn tu tập nhưng vẫn ngóng trông, tâm luôn sôi sục ngọn lửa nóng, chỉ muốn hướng về phía trước thật nhanh, thật vội, kẻo cuộc đời trôi qua. Và hắn cũng thấy được thời gian như bóng câu qua cửa rồi. Nếu không vội vã, thì kiếp người như bong bóng, chợt hiện rồi chợt biến trong dòng chảy của vũ trụ vạn hữu. Nghĩ đến đó, hắn lại càng sợ hãi, và càng sợ hãi, hắn càng cảm thấy mình tuyệt vọng, như đang lâm vào tình trạng bế tắc không lối thoát.
            Trời chưa kịp sáng, hắn đã đi rồi, và bây giờ hắn đã đến gần đến đỉnh núi. Hắn ngạc nhiên ở những lời đồn đãi của đám nông phu dưới núi, vì con đường không hiểm trở như hắn nghĩ. Con đường uốn vòng vách núi, mới đầu thật khó đi vì có những tảng đá ngã nghiêng sau nhiều trận bảo, không ai dọn dẹp nên che khuất cả con đường lên núi. Và cây mọc trùm lên những khóm đá, trông giống những bóng ma chập chờn lẩn khuất dưới ánh nắng le lói còn sót lại của hoàng hôn. Khi cố gắng vượt qua được đoạn đường đó rồi, dù cũng thật trầy trụa và gian khổ, nhưng hắn cũng vượt qua vì hắn cũng vốn thuộc giống chai lỳ, và mang dòng máu phiêu lưu trong mình, nên con đường này dốc núi này đối với hắn vốn chẳng ra gì cả. Hắn chỉ cần hướng tới trước, đến một mục tiêu mà hắn nghĩ là sẽ không xa lắm. Và hắn đoán đúng, sau đoạn đường đó, hắn thấy con dốc cao dần, mở rộng như con rồng uốn khúc giỡn đùa dưới nắng, và cuối cùng, khi vượt qua được một con dốc dài thỏai thoải, hắn ngạc nhiên ở sự vắng lặng u tịch gần như không có một tiếng gió vi vu, không cả lời chim hót líu lo, thâm u như chẳng có một con người nào từng sống ở đây.
            Có một thảo am, dựng sơ sài bên vách núi. Hắn thấy rồi. Có một lão sư đang đứng chênh vênh ở triền núi, cạnh lão sư là vực sâu ngàn trượng. Ngài khóac chiếc y đã sờn nhạt cũ kỹ, nhưng đôi mắt ngài ngời sáng tinh anh. Ngài ngồi cạnh một cái bếp sơ sài, dựng bằng ba cục gạch thế chân vạc, trên có một chiếc nồi đất cũ kỹ. Vài khúc cũi cháy dưới nồi. Hắn dừng lại, nhìn lão sư, rồi quỳ sụp xuống,
“Đệ tử là Pháp Huy. Muốn tầm cầu Đạo lớn. Nghe danh Thầy, nên con không quảng đường xa,  mong được Thầy dạy cho con học cách ly thoát sinh tử, vượt khỏi biển lửa trầm luân.”
Lão sư không trả lời, ngài thổi cho lửa lên cao, rồi hỏi hắn,
“Nước sôi chưa?”
Hắn ngạc nhiên, không biết trả lời ra sao? Lão sư nhìn hắn, nhắc lại,
“Tên tiểu tử kia, ngươi có thấy nước sôi chưa?”
Hắn vội dở nắp nồi nhìn vào nồi. Nước được đổ lưng chừng nồi. Hắn dợm thò ngón tay vào xem thử nước đủ nóng chưa, nhưng lão sư cầm đủa gõ vào tay của hắn một cái nên hắn vội rút tay ra.
“Ta hỏi ngươi nước đã sôi chưa?” Hắn kính cẩn trả lời, “Dạ, thưa ngài, nước chưa sôi ạ?” Lão sư càu nhàu, “Nước chưa sôi thì làm được gì? Ngươi có thấy đủ ấm hay chưa?’ Hắn nhìn vào nồi nước, chẳng thấy hơi nước đâu cả. Chắc là chưa sôi rồi.  Lửa đun không lớn lắm, chỉ nghi ngút đầy khói thì làm gì mà nước sôi nỗi. Hắn thầm nghĩ, “Đệ tử nghĩ là nước chưa sôi đâu?” Lão sư gõ đầu hắn, “Nghĩ với không nghĩ. Ta đâu có bảo ngươi xem nước có sôi qua cái đầu của ngươi đâu?” Hắn ngơ ngác rồi thưa, “Phải đun thêm nữa ạ.” Lão sư nhìn hắn gật đầu, “Đúng rồi.  Ngươi ở đây trông chừng nồi nước cho ta. Khi nào nước sôi thì bưng vào cho ta.”
            Lão sư đứng dậy bỏ vào thảo am. Hắn đứng ngơ ngẩn, nữa muốn chạy theo nữa không. Cuối cùng, hắn ném giỏ hành trang trên đất, cặm cụi đun nước, nhưng củi ướt quá, không làm cách nào lửa lên cao đủ có thể làm cho nồi nước sôi được, nhưng hắn vẫn kiên nhẫn. Cuối cùng, khi thấy nước sôi lên, hơi nước lan tỏa, hắn mừng rỡ, dùng hai tấm vãi bưng nồi vào thảo am. Lão sư đang ngồi bất động, nhìn hắn, nhưng chẳng lộ vẻ gì cả.
 
 
“Nước sôi chưa?” Một lần nữa, hắn kính cẩn trả lời, “Thưa sư phụ, nước sôi rồi ạ.” Lão sư gật đầu, “Được lắm, vậy ngươi bỏ trà vào cho ta.” Trà được bỏ vào, lão cầm bốn cái chung trà đem ra, đặt ngay ngắn trước mặt, lão sư rót trà vào hai chung, một chung trước mặt lão sư, còn hai chung kia, một chung, lão sư chỉ rót đủ vừa thắm ly, còn một chung nữa, lão sư rót đầy một nửa, còn chung thứ ba trước mặt hắn, thì lão sư dừng lại, nhìn hắn rồi đặt bình trà xuống trước mặt. Hắn đở bình trà lên, tính rót vào chung của mình thì lão sư ngăn lại, “Ngươi không được uống. Ta còn chưa biết là ngươi có xứng đáng uống chung trà thứ ba này hay không? Ta chỉ còn chung duy nhất này mà thôi. Chẳng lẽ ta lại vội vã rót cho một kẻ chưa hết lòng hay sao?” Hắn ngơ ngác, nhưng thưa, “Đệ tử sẽ chứng minh cho lão sư thấy.”
 Lão sư lườm hắn, nhấp nhấp chung trà trước mặt một cách tự nhiên thoải mái như hắn không có mặt, rồi lão sư bắt đầu với âm thanh trầ ấm, “Xưa kia ta có hai người đệ tử, một người ta đặt cho pháp hiệu là Pháp Kỳ. Ta gọi hắn là gã hiếu kỳ. Đạo với hắn chỉ là một sự hiếu kỳ. Hắn chỉ muốn tầm cầu ngẫu nhiên. Hắn chỉ tha thiết vừa đủ mà thôi. Hắn làm việc tùy hứng, thích thì làm, không thích thì lăn ra ngủ, luôn tùy thuộc vào thái độ của hắn. Lúc thì hắn làm việc này, lúc thì hắn làm việc kia, chẳng có việc nào xong cả. Hắn làm một ngày, rồi rong chơi một ngày, chẳng có cái gì ra cái gì. Ta đành chỉ rót cho hắn một chút trà vào chung trà qua thái độ dở dở ương ương của hắn. Hắn phải luôn bắt đầu lại. Và cứ như thế, hắn chẳng bao giờ biết hắn là ai. Cuối cùng, hắn bỏ đi.
            Rồi, người đệ tử thứ hai tìm đến. Ta đặt cho hắn pháp hiệu là Pháp Vấn, Tham vấn. Hắn không tầm đạo vì hiếu kỳ. Khổ nổi, hắn tuy thật sự hết lòng, nhưng vẫn chưa đủ thành ý. Hắn chỉ chạy đuổi theo tri  kiến. Hắn suy gẫm cả ngày, đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng chẳng bao giờ chịu tọa thiền. Hắn dựng lập đủ loại hệ thống, rồi cuối cùng hắn cũng bỏ đi. Ta nghe đâu đó là bây giờ hắn trở thành một triết gia thì phải. “
            Lão sư ngừng lại, thong thả nhấp một chút trà. Hắn hỏi, “Còn đệ tử thứ ba, người này thì sao?”
            Lão sư dừng lại, nhìn hắn một lúc lâu, “Để xem người thứ ba có xứng đáng là người thật sự nỗ lực tầm cầu Đạo lớn hay không? Ta còn đang chờ.” Lão sư ngừng lại, rồi thản nhiên nói tiếp, “Bắt đầu bây giờ ngươi ở đây.  Mỗi ngày ngươi có nhiệm vụ pha trà cho ta. Ngươi chỉ chăm chú chỉ một điều mà thôi, là canh nước khi nào thật sôi thì hãy bỏ trà vào rồi bưng vào cho ta.”
            Thế rồi, hắn cư trú trong thảo am này với lão sư già. Những công việc trong thảo am, lão sư không cho hắn đụng đến. Hắn chỉ có việc đun nước sôi cho lão sư. Ngày ngày, ba lần uống trà. Và lần nào lão sư cũng chỉ rót một chung đầy, còn một chung chỉ có một chút nước trà mà thôi, còn chung thứ hai thì một nửa, chung thứ ba thì lão sư để không. Hắn không hỏi lão sư tại sao, dù cực kỳ thắc mắc. Thời gian sẽ cho hắn câu trả lời. Bây giờ, hắn chỉ biết là mỗi ngày, hắn chăm chú, nấu nước trà cho lão sư. Và mỗi lần hắn nấu nước, lão sư lại nhìn ra hỏi, “Nước sôi chưa?’ Và hắn chỉ kính cẩn trả lời, “Dạ, chưa sôi.” Và có lúc, hắn lại thưa, “Dạ, sắp sôi rồi.” hoặc, “Nước đã đủ sôi.” Hoặc, “Nước đã sôi lắm rồi.” hoặc, “Hơi nước đã bốc lên khiến con không còn thấy được nước trong nồi trà nữa.” Những câu trao đổi giữa lão sư và hắn ngắn gọn, chỉ quanh quẩn bên cạnh nồi nấu trà, và nước đun sôi. Ngày ngày, hắn nhìn nước, một cách thành khẩn, chú tâm hết lòng như trên cõi thế này không có gì khác quan trọng hơn. Nồi nước như vấn đề sinh tử của một đời người. Hắn phải chuyên tâm hết lòng, tận tụy với nồi nước và mang vào cho lão sư pha trà mỗi lần sau buỗi ăn trưa bằng tất cả nhiệt tâm của mình.
            Rồi một năm, ba năm, bốn năm rồi năm năm trôi qua, đời sống lặng lẽ trên đỉnh hoang sơn này khiến hắn không còn nhớ được những cảnh bôn ba gió bụi phong trần mà hắn thường dong ruổi. Con đường vạn dặm đã bỏ lại dứới chân núi. Hắn quên cả thời gian đang lặng lẽ trôi qua, nếu không muốn nói là hắn quên cả thời gian. Hắn chỉ mỗi ngày bận rộn với nồi nước, chỉ chuyên tâm với nồi nước mỗi giờ mỗi thời khắc, nhìn hơi nước bốc nghi ngút trên nồi, và cái cơm ăn áo mặc, đơn giản bình dị với lão sư già trên đỉnh núi. Lão sư không nói gì nhiều, nhưng hắn quan sát  lão sư rất kỹ lưỡng, như mèo rình mồi. Từng bước chân của lão sư, từng dáng điệu thong dong tự tại, cách ăn trầm tịch, cách ngồi bất động hằng giờ bên suối đến khi mặt trời chìm khuất sau vực thẳm. Hắn quen thuộc từng cử chỉ nhỏ của lão sư, cách lão sư giặt quần áo bên bờ suối. Và vì mãi quan sát lão sư, hắn bắt đầu ý thức là hắn cũng dần như chiếc bóng của lão sư. Hắn bắt đầu làm nhiều việc nhiều hơn ngoài việc trông chừng nước sôi. Hắn cũng giặt quần áo chăm chú, kính cẩn trong mỗi công việc của mình. Hắn trân trọng từng cành cây ngọn cỏ, đào hố trồng cây như là hắn đang làm việc gì thiêng liêng lắm. Hắn xem trọng từng sát na trôi qua, quán sát tự thân như hắn là một con người xa lạ đang nhìn thấy hắn trên một đỉnh đồi cao, và mỗi lúc hắn càng thấy hắn tách biệt, xa thẳm với cái hắn trong hiện tại. Hắn không còn thấy hắn nữa mà chỉ còn là công việc của hắn làm, như nồi nước hắn đun mỗi ngày, từng giây từng phút trân trọng như nồi nước sôi là báu vật duy nhất. Mỗi cử động của hắn chỉ là cử động. Mỗi một bước đi chỉ còn là bước đi. Mỗi cách quay mình chỉ còn là cách quay mình, mỗi lần đốn củi, chỉ còn sự đốn củi. Và cứ thế thời gian dần trôi qua, năm năm rồi sáu năm, dần mười năm… đến hắn không còn nhớ là hắn ở thảo am bao nhiêu lâu nữa. Thời gian đối với hắn không còn quan trọng nữa. Chẳng còn gì để mong cầu, chẳng còn gì để tưởng nhớ lưu luyến, hay mong mỏi. Hắn chỉ biết có  giây phút hiện tiền ngay trong thực tại này mà thôi.
Có một ngày, hắn trầm tịch trong bó cũi trên tay, vác lên vai trở về thảo am, thong dong như một gã tiều phu, từng bước, từng bước một, trên con đường lấp lánh những đốm trăng ngời sáng long lanh như kim cương trải đầy trên đất. Và hắn bỗng thấy mình mất hút, sụp đổ tan tành. rồi lại tuôn ào ạt, biển cả mênh mang sóng vỗ trong hắn, ào ào những cơn thác đổ, đầy những vọng động đuổi xô, chập chờn như bao cơn sóng dữ làm hắn choáng ngợp, bao nguồn nước sông đều tuôn ra biển cả, cuồng nộ khôn cùng, cuốn hút theo dòng nghiệp bao đời tích tập, mọi sự gần như hỗn loạn. Hắn đâm ra hoảng hốt, thậm chí muốn quay đầu lại nhìn, nhưng hắn vẫn lao mình vào, với sự vững chãi kiên định như núi, không còn thời gian không gian nào có thể chế ngự được hắn…. và rồi, hắn thấy tinh hà trôi giạt trong hắn, những dòng sinh tử chập chờn biến hiện mất hút. Hắn không còn thấy mình đồng hóa với bất cứ gì nữa. Hắn ung dung tự tại, quán xét tất cả mọi dòng bến bờ rung chuyển, cuồn cuộn lững lờ rồi cuối cùng ngộ nhập vào nhau, tan chảy rồi biến mất. Hắn không còn thấy hắn nữa mà chỉ thấy mình là dòng đại dương mênh mông… bao la đến vô hạn…
            Đêm đó, hắn trở về, lão sư tự tay đun nước sôi, pha trà. Ngài kính cẩn đặt bốn chung trà trước mặt, rót đầy chén của ngài, rót sơ trên chung trà thứ hai, và chung trà thứ ba kia chỉ một nửa, ngài dừng lại ở chung trà của hắn, hắn ngồi im tịch lặng nhìn lão sư, lão sư cười vang rồi rót đầy chung trà cho hắn nói, “Con xứng đáng là đệ tử thứ ba của ta. Bây giờ, ta đặt pháp hiệu cho con là, “Đạo Ngộ.” Hắn nâng chung trà uống cạn. Lão sư cũng uống cạn chung trà. Cả hai bỗng nhiên đồng cất tiếng cười vang. Tràng cười vang động cả núi rừng… rung chuyển cả trời đất mênh mang, ánh sáng chói lòa cả màn đêm tối tăm thăm thẳm, và toàn pháp giới hầu như nghiêng ngữa chấn động…
            Trên tầng trời cao, cơn mưa bỗng ào ạt tuôn, cả hai nhìn ra, muôn vạn đóa hoa thơm ngào ngạt lững lờ rơi trên đất. Tiếng nhạc trời văng vẳng đâu đó trên thinh không và tràng cười mãi kéo dài… không dứt…
05/20/2018
Minh Nguyệt

THư Viện Hoa Sen