Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Thiện tâm là lòng tốt, là tình yêu thương và là cảm xúc tốt đẹp nhất của nhân loại. Thiện tâm sẽ cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc nhất.

Vì sao cần sống thiện tâm

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

Chư ác mạc tác.

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý.

Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là:

Không làm các điều ác.

Hãy làm các hạnh lành.

Giữ tâm ý thanh tịnh.

Là lời chư Phật dạy.

Chúng ta thấy rõ chủ yếu của đạo Phật là chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện và thanh lọc tâm cho thanh tịnh. Cho nên đạo Phật chủ trương chuyển hóa người ác thành người thiện, chuyển hóa phàm nhân thành thánh nhân, chuyển hóa phân rác thành hoa tươi, chuyển hóa nước đục thành nước trong, chứ không chủ trương tiêu diệt tất cả kẻ ác trên đời.

Bông sen từ bùn nhơ vươn lên tỏa hương thơm ngát là ví dụ tượng trưng cụ thể người xấu cũng có thể chuyển hóa thành người tốt, nếu như biết sám hối ăn năn, quyết tâm chuyển ba nghiệp xấu ác, trở thành ba nghiệp thanh tịnh.

Trên đời không ai hoàn toàn xấu ác, cũng không ai toàn thiện, cho nên người tu theo Phật cố gắng biết các điều ác nên bỏ, biết các việc thiện nên làm. Được như vậy, mọi người trong xã hội sống chung trong hòa hợp, bình an, và ngăn ngừa các mâu thuẫn, xung đột giữa người với người.

 

 

Phật dạy: Sống thiện tâm vạn sự như ý, sung túc thiện lành

Tuy nhiên sự khác biệt của đạo Phật với các tôn giáo khác nằm ở câu kệ thứ ba: "Giữ tâm ý thanh tịnh". Con người đang tu tập, chưa biết "bỏ ác làm thiện" được hoàn toàn chưa, thường vội tự hào, cho mình là người thiện, người tốt, người lành, bèn khởi tâm tự đắc, đó là vọng tâm, chưa phải minh tâm.

Nếu tâm mình còn nổi sân khi thấy chuyện bất thiện, chuyện chẳng lành trên thế gian, khởi vọng tâm, vọng niệm muốn trừng phạt nặng nề kẻ xấu ác, thậm chí đòi tiêu diệt tất cả kẻ ác trên đời, ước mơ phải chi mình có võ công xuất chúng, có quyền thế vô song, để tung hoành ngang dọc giang hồ với đường kiếm tuyệt luân chém gục hết bọn xấu ác, thì lúc đó không biết: Ai ác hơn ai?

Bởi vậy cho nên, tu theo đạo Phật, cốt yếu là luôn luôn sống với bản tâm thanh tịnh, có nghĩa là lúc nào cũng niệm Phật, tức là niệm thiện, không khởi niệm ma, tức là không khởi niệm ác, không khen mình khinh người, không lợi mình hại người, niệm Phật phải gắng tu, không chạy theo vọng tâm vọng niệm, tự thanh lọc tâm ý mình, cho được minh tâm kiến tánh.

Tu thiện nghiệp, hay tu cầu phước, tức là mình đang gieo nhân lành, mình sẽ gặt quả lành, được hưởng phước báu nhân thiên, chứ chưa giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Mình không cố chấp thiện và ác, để khỏi khởi vọng tâm chấp kính trọng người thiện, khinh khi kẻ ác, chứ không phải chẳng phân biệt thế nào là thiện, thế nào là ác, như một ít người lầm tưởng. Vượt qua được sự cố chấp thiện và ác, tức là mình thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp, mới đi đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

 

 

Phật dạy: Sống thiện tâm vạn sự như ý, sung túc thiện lành

Thiện tâm theo lời Phật

– Xả bỏ lòng giận dữ, trừ diệt tính kiêu căng, giải thoát mọi ràng buộc, không chấp trước danh sắc, người không có một vật chi ấy, sự khổ chẳng còn theo dõi được.

– Bố thí trước hết phải tập thế nào để đừng va chạm đến tự ái và làm tổn thương kẻ khác. Làm được như thế có nghĩa là tránh không làm hại đến chính ta, vì làm tổn thương kẻ khác chính là tự làm tổn thương đến ta trước đã.

– Phải dùng “tâm cám ơn, tâm bình thường, tâm hoan hỷ” để đối diện với tất cả những việc xảy ra trên thế gian này. Tâm niệm thiện từng bước đều trở nên tốt đẹp; nếu con tâm niệm bất thiện thì từng bước trở nên xấu ác.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ bi dạy bảo: ''Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy. Giữ ba điều ấy là theo chánh Đạo, đạo của Chư Phật đó''.

Đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện. Đạo Phật chủ trương đem lại niềm an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội.

Người tu theo đạo Phật phải trưởng dưỡng tâm từ bi, phát triển tánh sáng suốt, đạt minh tâm thì được kiến tánh, cho nên không gây thù hận, không có kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm hay hiểu lầm mà thôi.

Cảm thông và thương yêu là cửa ngõ an lạc và hạnh phúc.

Từ bi và trí tuệ là yếu tố giác ngộ và giải thoát.

Tất cả đều ở ngay trên thế gian này.

 

 

Phật dạy: Sống thiện tâm vạn sự như ý, sung túc thiện lành

Sống thiện tâm vạn sự như ý, sung túc thiện lành

Một cuộc sống vật chất sung túc mang đến cho chúng ta hạnh phúc tạm thời, nhưng một trái tim lương thiện lại mang đến cho chúng ta hạnh phúc trong cả một đời. Không ai hiểu được giá trị chân thực của cuộc sống không phải nằm ở nhận, mà nằm ở cho.

Trong kiếp nhân sinh, danh lợi, tiền tài, vàng bạc, châu báu,… đều là vật ngoại thân, và chúng không thể thỏa mãn một người luôn truy cầu vào mọi lúc. Còn thiện tâm là sự giàu có trong tâm hồn.

Nó giống như một tia sáng mặt trời tỏa sáng thế giới của chúng ta, cùng những người xung quanh chúng ta. Thiện tâm là lòng tốt, là tình yêu thương và là cảm xúc tốt đẹp nhất của nhân loại. Thiện tâm sẽ cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc nhất.

Thiện tâm cũng giống như nước vậy. Nó làm tươi mát nơi khô cằn và thỏa mãn cơn khát của nội tâm. Một người thiện tâm sẽ không đối xử với mọi người như kẻ thù. Anh ta luôn biết hài lòng với bản thân mình. Anh ta sẽ không bị làm phiền hay xáo động bởi đủ loại rắc rối và mâu thuẫn trong cuộc sống. Hạnh phúc và vui vẻ thật sự nằm sẵn trong tâm anh ta.

Lão Tử, nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại nói như sau trong cuốn “Đạo Đức Kinh”: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”. Nghĩa là biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì. Một người thiện tâm có thể không có nhiều của cải, tài sản, xe hơi hay tiền tiết kiệm, nhưng anh ta biết thế nào là đủ và vui hưởng một cuộc sống hạnh phúc.

Đừng bỏ lỡ
 
ST