Có hai hạng người khó tìm ở đời. Hai hạng người đó là gì? Một hạng người biết thi ân trước và một hạng người là biết ơn và đền ơn. (Tăng chi bộ kinh 2.118)
Khi nói rằng người thi ân và tri ân là hiếm, không có nghĩa là đức Phật đơn giản chỉ phát biểu một sự thật phũ phàng về con người. Hơn thế, Ngài khuyên chúng ta biết trân quý những con người biết thi ân và tri ân nếu mình có duyên gặp họ, và một điều quan trọng hơn nữa là hãy thể hiện rằng mình có thể trở thành một người trong số những người hiếm hoi biết thi ân và tri ân đó.
Thi ân và tri ân là các đức tính chúng ta có thể nuôi dưỡng được, và chúng cần phải được nuôi dưỡng cùng nhau. Yếu tố này cần yếu tố kia để được thuần khiết. Sự thuần khiết trở nên hiển nhiên để tỏ lòng biết ơn từ trong đáy lòng khi chúng ta nghĩ đến ba phương diện sau:
1. Chúng ta thật sự có được lợi ích từ việc làm của người khác.
2. Chúng ta tin tưởng động cơ tốt nằm đằng sau những hành động ấy.
3. Chúng ta có cảm nhận rằng người khác đã nhín bớt phần mình, bằng cách này hay cách khác, để đem lại lợi ích cho ta.
Điều thứ nhất và điều thứ hai là những bài học mà lòng tri ân dạy hạnh thi ân. Nếu muốn thi ân thuần túy, chúng ta phải đem lại lợi ích thật sự cho người nhận. Chẳng ai muốn mình là người nhận “sự giúp đỡ” mà thật ra chẳng có gì đỡ giúp cả. Và chúng ta đem lại lợi ích cho người bằng cách nào đó thể hiện được sự thông cảm và tôn trọng với những gì người khác đang cần. Không ai thích nhận một món quà nào đó với động cơ tính toán đằng sau, hoặc theo kiểu xuề xòa tiện tay mà cho hoặc cho với thái độ miệt thị.
Điều thứ hai và điều thứ ba là những bài học mà hạnh thi ân dạy lòng tri ân. Chỉ khi nào bản thân mình thi ân với người khác thì chúng ta mới chấp nhận ý tưởng rằng người khác có thể thi ân với mình. Đồng thời, khi chúng ta trải lòng thi ân với người, chúng ta mới hiểu hết nỗ lực mà mình đã dồn vào đó. Bản tánh thiện và bản năng bất thiện luôn tranh đấu với nhau trong tâm, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng làm người có ích. Có khi chúng ta cần đến sự hy sinh không nhỏ, một sự hy sinh chỉ có thể có khi nào chúng ta đặt niềm tin nơi người nhận rằng họ sẽ sử dụng hợp lý những gì mình giúp đỡ. Do đó, khi nhận lấy kết cuộc của sự hy sinh như vậy, chúng ta thấy ra rằng chúng ta mang theo mình một món nợ, đó là bổn phận đáp lại lòng chân thành của người khác.
Đó là lý do tại sao đức Phật luôn nói về lòng tri ân như là một sự đáp lại hạnh thi ân, chứ không xem lòng tri ân như là sự ghi nhận chung chung. Tri ân là một sự ghi nhận đặc biệt, tạo cảm hứng cho một sự phản hồi nghiêm túc hơn. Sự khác nhau ở đây được đức Phật minh họa sinh động nhất qua hai đoạn kinh trong đó Ngài dùng hình ảnh mang theo.
Đoạn kinh thứ nhất nói về sự ghi nhận chung chung.
Thế rồi người kia, sau khi gom tụ cỏ, nhánh cây nhỏ, cành và lá cây để bện lại thành một chiếc bè, rồi người ấy vượt qua dòng sông đến được bờ kia an toàn nhờ vào chiếc bè, cùng với sự nỗ lực của tay và chân. Sau khi sang được bờ bên kia, người ấy có thể nghĩ “chiếc bè này lợi ích cho ta biết bao. Nhờ có nó, cùng với sự nỗ lực của tay và chân, mà ta sang đến bờ bên kia an toàn. Vậy thì tại sao ta không đội nó trên đầu hay vác lên trên lưng mà đi đến bất cứ nơi nào ta muốn?” Các thầy nghĩ gì? Người ấy, làm như vậy, có phải là việc cần làm đối với chiếc bè không?
Thưa không, bạch Ngài.
Và người ấy nên làm gì để gọi là việc cần làm đối với chiếc bè đó? Trong trường hợp này, người đã qua đến bờ bên kia có thể nghĩ “chiếc bè này lợi ích cho ta biết bao. Nhờ có nó, cùng với sự nỗ lực của tay và chân, mà ta sang đến bờ bên kia an toàn. Tại sao ta không kéo nó đến chỗ đất khô hay thả nó lại xuống nước rồi đi đến bất cứ nơi đâu mình muốn.” Khi làm như vậy, người ấy đã làm một việc cần làm đối với chiếc bè. (Trung bộ kinh, số 22)
Đoạn kinh thứ hai liên hệ đến lòng biết ơn cụ thể là:
Này các thầy, có hai người ta không thể nào đền ơn một cách dễ dàng được. Hai người đó là ai? Đó là mẹ và cha ta. Thậm chí nếu ta có thể cõng mẹ một vai, vai kia cõng cha trong suốt trăm năm; và nếu đấm bóp, thoa xức, tắm gội, rửa ráy tay chân, và dầu mẹ cha có tiểu tiện đại tiện tại đấy [trên lưng], chúng ta vẫn chưa làm đủ hay đền ơn đủ đối với cha mẹ. Hơn nữa, nếu có đưa cha mẹ vào một nơi nào đó có quyền uy tối thượng trên quả đất được bao bọc bằng bảy thứ châu báu, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cha mẹ. Tại sao vậy? Cha mẹ đã làm nhiều cho con cái. Cha mẹ nuôi nấng, nuôi dưỡng con lớn khôn, giới thiệu con vào cuộc đời này.
Nhưng người nào đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn và tạo dựng niềm tin nơi cha mẹ; đối với mẹ cha không giới hạnh, hướng dẫn và đưa cha mẹ vào nếp sống giới hạnh; đối với mẹ cha keo kiệt bủn xỉn, hướng dẫn và đưa cha mẹ đến chỗ biết bố thí; đối với mẹ cha thiếu trí tuệ, hướng dẫn và đưa cha mẹ vào trí tuệ. Làm được như vậy, một người mới có thể báo đáp ơn cha mẹ.(Tăng chi bộ kinh 2.32)
Nói cách khác, như đoạn kinh thứ nhất diễn tả, chẳng có gì không ổn trong việc ghi nhận những lợi ích mà chúng ta có được từ chiếc bè và các lợi ích thực tế khác mà không có cảm giác gì về sự cần thiết phải đền ơn. Chúng ta chăm chút chúng chỉ vì chúng có thể đem lại cho chúng ta lợi ích sau này nữa. Cũng giống như những con người và hoàn cảnh khó khăn buộc chúng ta phải phát triển tính cách mạnh mẽ. Chúng ta có thể ghi nhận rằng mình học được tính kiên nhẫn khi phải dọn cỏ dại trong vườn nhà mình, hoặc học được tánh hỷ xả khi tiếp xúc với người hàng xóm không biết điều mà không hề có ý niệm biết ơn cỏ dại hay người hàng xóm. Xét cho cùng, họ không hề có tấm lòng tử tế ra tay giúp mình. Và nếu chúng ta lấy đó là gương để noi theo, thì chúng ta học toàn những sai lầm về hạnh thi ân. Đó đơn giản chỉ là sống theo bản năng tự nhiên của mình, hoặc tệ hơn nữa là xử sự theo lối không biết điều, và cho đó là thi ân.
Nghĩa vụ biết ơn được thực hiện với cha mẹ, các bậc thầy và ân nhân, những người đã góp phần đem lại sự lợi lạc trong tâm mình. Những người này đã nỗ lực tận tình giúp đỡ chúng ta, và đã dạy ta nhiều bài học quý giá về lòng bao dung và cảm thông qua những việc họ làm. Trong trường hợp chiếc bè, tốt nhất là chúng ta khởi tâm biết ơn người đã chỉ cho ta cách làm chiếc bè. Trong trường hợp cỏ dại và người hàng xóm, lòng biết ơn hướng đến người nào dạy cho ta biết sống thế nào để không bị nghịch cảnh chi phối. Nếu trong cuộc đời này, chúng ta có nhận được phần lợi ích nào từ sự vật và hoàn cảnh mà mình không thể tìm thấy một tác nhân rõ ràng, thì hãy biết ơn chính mình với những nghiệp tốt mình đã tạo ra trong quá khứ để rồi kết thành những quả tốt đẹp trong hiện tại. Và hãy biết ơn những nghiệp tốt đã tạo duyên để chúng ta nhận được sự giúp đỡ ban đầu của người khác và có được lợi ích từ việc giúp đỡ ấy. Nếu chúng ta không đủ duyên tốt thì đã không thể tiếp cận với họ rồi.
Như đức Phật đã nêu ra trong đoạn kinh thứ hai, nghĩa vụ biết ơn mà chúng ta đối với ân nhân của mình không nhất thiết là đền trả sòng phẳng, và không nên thực hiện trực tiếp chỉ với người ta thọ ơn. Bây giờ, cái ơn cha mẹ sinh ta ra và cho chúng ta sự sống là vô cùng to lớn. Ở nhiều chỗ trong kinh, đức Phật dạy hãy thể hiện lòng biết ơn của mình bằng sự phục vụ, chăm sóc cha mẹ với tất cả tình thương yêu.
Mẹ và cha ta,
Thương yêu gia đình,
Ta gọi cha mẹ,
Là bà-la-môn,
Là thầy đầu tiên,
Đáng được cung dưỡng,
Từ các người con.
Do vậy người trí,
Tôn trọng, cung kính,
Dâng lên cha mẹ,
Vật uống, thức ăn,
Quần áo giường nằm,
Xức dầu xoa bóp,
Tắm rửa sạch sẽ,
Làm mọi phận sự,
Người trí được khen,
Sau khi mãn phần,
Cõi trời vui sống.
(Kinh Phật thuyết như vậy, số 109)
Tuy nhiên, Tăng chi bộ kinh (Kinh số 2.32) chỉ ra rằng cách báo ân chân chánh nhất đối với cha mẹ là củng cố và nuôi dưỡng bốn đức tính nơi cha mẹ: có niềm tin vững chắc, có đức hạnh, có tâm rộng lượng và có trí tuệ sáng suốt. Muốn thực hiện được điều này, tất nhiên là chúng ta phải phát triển những đức tính này nơi bản thân mình, cũng như học cách thể hiện các đức tính này một cách khéo léo, tế nhị để làm gương cho cha mẹ. Một khi được huân tập, bốn đức tính này là những yếu tố tạo nên một người bạn đáng ngưỡng mộ (Tăng chi bộ kinh 8.54). Điều này có nghĩa rằng, một khi chúng ta đền ơn cha mẹ, đồng thời chúng ta cũng trở thành một người bạn đáng ngưỡng mộ đối với nhiều người. Chúng ta có thể trở thành một con người chính trực, người mà theo như đức Phật nói, đã học từ lòng biết ơn cách không làm tổn hại đến bất cứ ai và biết giúp đỡ người khác với tâm thông cảm: giúp đỡ với thái độ tôn trọng, giúp đúng thời điểm người ấy cần, và với ý niệm sẽ đem những điều tốt đẹp đến với người nhận qua sự giúp đỡ này (Trung bộ kinh, số 110; Tăng chi bộ kinh, mục 5.148). Với cách đó, chúng ta đền đáp nhiều lần hơn những điều tốt đẹp cha mẹ đã làm cho mình bằng cách mở tầm ảnh hưởng từ phạm vi gia đình nhỏ hẹp rộng ra đến cả thế giới. Khi làm như vậy, chúng ta có thể nới phạm vi thiện lành ngày càng rộng lớn hơn.
Nguyên tắc này cũng đúng khi ta cư xử với bậc thầy của mình, như lời đức Phật dạy các đệ tử:
Như vậy, đây là điều các thầy nghĩ về ta: “Thế Tôn, đầy lòng cảm thông, tìm kiếm an lạc cho chúng ta, dạy chánh pháp với tâm từ.” Rồi các thầy nên tự rèn luyện mình, hòa hợp, thân ái và không có tranh cãi, trong các pháp mà Ta đã chứng đạt và chỉ dạy. Đó là bốn cơ sở để tâm quán niệm (tứ niệm xứ), bốn cách nỗ lực chân chánh (tứ chánh cần), bốn cơ sở của sức mạnh (tứ như ý túc), năm nền tảng tâm linh (ngũ căn), năm sức mạnh tâm linh (ngũ lực), bảy yếu tố giác ngộ (thất bồ đề phần) và con đường thánh tám nhánh (bát chánh đạo), cần trải nghiệm trực tiếp. (Trung bộ kinh, số 103)
Nói cách khác, cách chúng ta đền đáp tâm từ ái và cảm thông của một người thầy khi người ấy dạy cho ta là lấy bản thân mình để ứng dụng tốt những gì học được. Chỉ khi nào làm được như vậy, chúng ta mới có thể phổ biến những ảnh hưởng tốt đẹp từ các bài học này đến người khác.
Và để đền ơn cho chính mình với những nghiệp thiện trong quá khứ, cách trả ơn tốt nhất là sử dụng những điều tốt đẹp mình đang có như là những cơ hội để tạo thêm nhiều nghiệp thiện nữa, chứ không chỉ dừng lại ở đó mà thọ hưởng những gì nghiệp tốt đem lại. Ở đây, một điều quan trọng nữa là cần ghi nhớ những gian khó đã giúp chúng ta biết hành động một cách thiện xảo, và để trân quý những nỗ lực thiện lành của mình trong quá khứ, chúng ta không thể để chúng hoài phí trong hiện tại. Ví dụ có lần thiền sư Ajahn Lee nói rằng, không dễ gì có được cái miệng người, do đó, nên đảnh lễ cái miệng mình mỗi ngày. Nói cách khác, hãy trân trọng khả năng giao tiếp của mình, sử dụng cái miệng chỉ để nói những gì chân thật, đúng thời và có lợi ích.
Lòng biết ơn sâu sắc có thể dạy ta một số bài học về tâm thiện lành và cảm thông. Đó là những bài học dạy chúng ta biết cách cho và nhận trong cuộc sống xã hội một cách có trách nhiệm và khôn ngoan. Một điều khá thú vị là đức Phật nói rằng biết ơn được xem như là một đặc tính để định nghĩa một con người văn minh (Tăng chi bộ kinh 2.31).
Tuy nhiên, lòng biết ơn sâu sắc cũng có thể dạy nhiều bài học để có thể áp dụng nhằm trau luyện tâm phát triển hơn nữa.
Đầu tiên là các bài học liên quan đến bản chất của chính hành động con người. Cảm nhận mình có được sự lợi ích từ hành động của một người khác tạo cho chúng ta lòng xác tín rằng hành động luôn đem lại kết quả tương ứng; và điều quan trọng là mình làm cho người muốn giúp mình hiểu rõ rằng chất lượng hành động nằm trong chủ ý đằng sau hành động ấy. Cảm nhận được người kia nỗ lực tận tâm giúp mình nhấn mạnh rằng hành động giúp đỡ không hoàn toàn được định trước và chúng ta cảm thấy biết ơn những người đã giúp đỡ mình vì chúng ta nhận ra rằng người ta có thể dễ dàng từ chối việc giúp đỡ ấy và cuộc sống mình có thể trở nên khó khăn chật vật thế nào nếu người ấy đã chọn cách từ chối giúp đỡ như vậy. Cha mẹ chúng ta chẳng hạn, nếu cha mẹ mình không nuôi nấng, không sắp đặt người khác thay thế cha mẹ nuôi nấng ta, cha mẹ có thể đã từ chối mạng sống ta, hay bỏ mặc ta cho đến chết. Do đó, một sự thật rõ ràng là chúng ta còn sống để đọc được mấy dòng này nghĩa là có một người nào đó đã chọn lựa, chọn lựa và cứ chọn lựa như vậy, để giúp đỡ chúng ta khi bản thân mình không có đủ khả năng tự làm mọi việc. Cảm nhận được như vậy, ta hiểu rằng lựa chọn là một yếu tố tạo cho mình cảm giác biết ơn.
Tất cả ba yếu tố này, hiệu lực của hành động, tầm quan trọng của chủ tâm tác ý và sự có mặt của chọn lựa, là các yếu tố quan trọng trong giáo lý về nghiệp của đức Phật. Và sự cộng hưởng cảm xúc mà lòng biết ơn và cảm thông tạo ra liên quan đến các yếu tố này có thể lý giải tại sao khi đức Phật giảng về nền tảng căn bản về thuyết nghiệp, Ngài trưng dẫn các đề tài liên hệ đến các tình cảm chứa đựng trong giá trị của bố thí và bổn phận đền ơn đối với cha mẹ (Trung bộ kinh, số 117). Ngài không nói đến cơ sở mà ba yếu tố trên y cứ vào, có lẽ vì điều này chỉ có thể biết được từ kinh nghiệm tu chứng tự thân. Thế nhưng, bằng cách chỉ cho chúng ta thấy rằng nhờ giáo lý mà việc mở lòng giúp đỡ được hiểu là một hành động có ý nghĩa và lòng tri ân được hiểu là một tình cảm có ý nghĩa, Ngài đã đưa ra lý do có tính thuyết phục về phương diện tình cảm để chúng ta chấp nhận những lời dạy của Ngài.
Trong quá trình tu tập, lòng biết ơn cũng trợ duyên trong việc phát triển các đặc tính cần thiết cho thiền định. Như đức Phật từng ghi nhận, khả năng định tâm dựa trên năng lực nhận thức. Luyện tập lòng biết ơn cho chúng ta hiểu được nhận thức có năng lực như thế nào, vì lòng biết ơn đòi hỏi sự phát triển một chuỗi các nhận thức cụ thể về cuộc sống và thế giới. Nếu chúng ta coi thường sự giúp đỡ, thì lòng biết ơn tự nó cũng không ra gì. Nhưng nếu chúng ta nhìn sự giúp đỡ là cách thể hiện lòng tin tưởng, tức là người khác không muốn giúp chúng ta trừ phi người ấy thấy rằng chúng ta tiếp nhận sự giúp đỡ một cách hợp lý, thì lòng biết ơn trở nên cao thượng, là một sự hỗ trợ cho lòng tự trọng. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cảm nhận cuộc đời là nơi cạnh tranh, thì chúng ta thấy rất khó tin tưởng vào động cơ của người giúp mình; chúng ta không hài lòng và thấy việc cần phải đền ơn người giúp mình là một gánh nặng không đáng có. Tuy nhiên, nếu chúng ta cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống là kết quả của sự cộng tác, thì việc cho và nhận hạnh thi ân và lòng tri ân trở thành một sự trao đổi dễ thương hơn nhiều.
Tương tự như vậy, biết ơn cần có tỉnh thức, theo đúng nghĩa gốc từ lời đức Phật dạy, là ý thức rõ một điều gì đó trong tâm. Thật ra, sự liên kết giữa hai đặc tính này thể hiện cả ở phương diện ngôn ngữ. Trong tiếng Pāli, từ biết ơn kataññu nghĩa đen là có cảm giác đã làm xong một việc gì đó. Trong Tương ưng bộ kinh (kinh số 48.10), đức Phật định nghĩa tâm tỉnh thức là tâm “nhớ và có khả năng hồi tưởng lại trong tâm thức ngay cả những việc đã làm hay nói đã qua lâu rồi.” Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chúng ta dạy rằng, hãy ghi nhớ lòng tốt và tấm lòng tử tế của người khác, và đây là một trong những bài học đầu tiên về tỉnh thức. Khi chúng ta nuôi dưỡng lòng biết ơn, chúng ta có dịp thực hành hạnh nuôi dưỡng trong tâm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bài học mà lòng biết ơn và cảm thông dạy ta đều làm ấm lòng hết đâu. Có khi, chúng cho ta cảm giác samvega, có thể dịch là chùng lòng hay hơn thế nữa là lo sợ về sự rủi ro và mong manh của các pháp thiện lành trên đời này. Trước hết, thực tế là chúng ta không thể chọn trước được sự thi ân nào mà chúng ta sẽ đền ơn. Chúng ta không thể nói được mình sẽ có cha mẹ như thế nào. Đức Phật đâu có sai khi nói rằng, có một số cha mẹ bủn xỉn, vô đạo đức và ngu si. Cha mẹ như thế không những làm sỉ nhục con cái mà còn sẽ không hài lòng hoặc hoan hỷ với cách đền ơn mà theo như đức Phật nói là tốt nhất dành cho họ. Họ có thể yêu cầu đền ơn theo cách không hợp lý, liên hệ đến các hành động trực tiếp đem lại sự nguy hại cho chúng ta, cho chính cha mẹ và cho nhiều người khác. Và điều này không làm cho chúng ta quên đi cái ơn mà chúng ta nhận từ hai đấng sinh thành vì một sự thật đơn giản là cha mẹ đã cho ta sự sống này.
Có lẽ chúng ta đã đọc đoạn kinh đức Phật dạy rằng:
“Không dễ gì tìm được một chúng sanh nào đó trong quá khứ chưa từng một lần là mẹ ta,… là cha ta,… anh ta,… chị ta,… em ta,… con trai ta,… con gái ta. Vì sao vậy? Vì vòng luân hồi vốn vô thỉ vô chung.”
Khi nghĩ về những khó khăn trong mỗi một mối quan hệ có thể có như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đức Phật nói ra điều này không phải để làm cho chúng ta cảm thấy ấm lòng với tất cả chúng sanh mà ta có duyên gặp. Ngài nói như vậy là để đánh động tâm nhàm chán và vượt thoát (samvega):
“Đã lâu rồi chúng ta đã chịu khổ chịu đau, mất mát, chết chóc đầy nghĩa địa. Ngần ấy đủ để nhàm chán tất cả các pháp phù du, đủ để ly tham, đủ để giải thoát.”
(Tương ưng bộ kinh, 15.14-19)
Ngay cả nghĩa vụ biết ơn đối với chính bản thân mình về những nghiệp tốt mình đã gieo tạo cũng đủ để đưa đến cảm giác không thanh thản. Chúng ta hiểu rằng không phải tất cả những chủ ý của ta trong quá khứ đều thiện lành và đây là những nhân duyên tạo nên cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Chúng ta đang ở vào vị thế mong manh. Điều này đủ để chúng ta muốn tìm con đường thoát khỏi tình cảnh này ngay cả khi mạng lưới của hạnhthi ân và lòng tri ân giữ lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Thậm chí lòng mong muốn đó tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi chúng ta cho phép mình trải lòng cảm thông đến những ai từng hy sinh một cách miễn cưỡng để góp phần đắp bồi mạng sống của mình. Đức Phật khuyên dạy rằng, mỗi ngày chúng ta cần quán sát một sự thật rằng cuộc sống tồn tại phụ thuộc vào bốn loại vật dụng thiết yếu là thức ăn, đồ mặc, nơi trú ngụ và thuốc trị bệnh. Nhiều sanh linh chết và đau khổ không cách này thì cách khác chỉ vì để cho chúng ta thỏa mãn những nhu cầu này. Trái với lời bài hát trong bản giao hưởng số 4 của Mahler, cừu non không sung sướng gì nhảy vào trong nồi để làm thức ăn cho chúng ta đâu. Và ngay cả khi chúng ta may mắn có thể quyết định loại thức ăn cho mình, chúng ta chỉ ăn chay, chúng ta cũng thọ ơn rất nhiều từ những người nông dân và công nhân đã làm việc quần quật dưới các điều kiện khó khăn để cung cấp những vật dụng chúng ta cần.
Cảm nhận về ơn sâu mà những cách quán chiếu như vậy mang đến vượt ngoài lòng tri ân và chắc chắn chúng ta sẽ động lòng khi nghĩ đến ơn sâu ấy. Đó là lý do tại sao có nhiều người cố gắng phủ nhận rằng họ không để mình nợ ơn ai cả. Hoặc lý giải tại sao có những người một mực khuyến khích quán chiếu về lòng biết ơn như là nguồn hạnh phúc; họ có khuynh hướng xem lòng tri ân giống như là sự ghi nhận chung chung và hài lòng, như một tác giả đã diễn tả rằng “hãy muốn những gì ta có,” hoặc “biết hài lòng với những gì ta có, và như vậy là đủ rồi” để tránh cảm giác mang ơn. Biết ơn theo cách này có khuynh hướng tập trung vào đồ vật, bởi vì biết ơn đồ vật dễ dàng hơn nhiều so với biết ơn con người. Đồ vật không biết yêu cầu. Đồ vật không biết khổ và chúng không xen trộn sự thi ân với lạm dụng.
Tuy nhiên, một sự thật không thể chối cãi là cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào sự thi ân cũng như những khó khăn của người khác, và chúng ta không thể phủ nhận ân sâu tất yếu đó bằng cách nhẫn tâm từ chối chúng hay vô tình mong chúng tự nhiên biến mất. Nếu chúng ta không đền trả bây giờ, chúng ta sẽ phải đền trả về sau, có khi còn phải trả lãi nhiều hơn. Thậm chí chết cũng không xóa được những ơn mình đã thọ nhận và chắc gì chúng ta không trở lại để trả tiếp nữa.
Để tránh những rối ren này, chúng ta cần một lối ra. Đó là con đường mà đức Phật đã tìm ra nhờ luyện tập tâm mình, đạt đến hạnh phúc, không còn phụ thuộc vào sự thi ân và hy sinh của người khác. Mặc dù loại hạnh phúc này mở ra một lối thoát, lối thoát ấy không mang tính đào tẩu. Con đường đó đặt ơn nặng mà chúng ta thọ nhận vào một cách sống có trách nhiệm và rộng lượng với tất cả.
Sở dĩ như vậy là vì hạnh phúc vô điều kiện cho phép chúng ta từ bỏ tham ái và chấp trước mà chính vì chúng mà ta cứ phải liên tục định hình mình là một chúng sanh. Định hình mình là một chúng sanh nghĩa là chúng ta cần phải tìm thức ăn, cho cả thân và tâm, để giữ cho sự định hình này tồn tại. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta là một chúng sanh, chúng ta cần phụ thuộc vào mạng lưới thi ân, tri ân và hy sinh. Nhưng khi chúng ta bỏ được nhu cầu định hình như thế, tâm không cần thức ăn để nuôi nữa. Nó không còn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai. Còn đối với thân, khi nào chúng ta còn sống, những ai cung cấp những nhu cầu cần thiết của thân tự họ thành tựu các công đức lớn gấp nhiều lần hơn những món quà họ hiến tặng. Điều này, thật ra, là một trong những động cơ để đạt đến giác ngộ:
Chúng ta sẽ thọ dụng [vật thực] và thực hành các pháp của một người tu tập thiền định… để chúng ta khi thọ dụng sự cúng dường những nhu cầu thiết yếu về y phục, thức ăn, chỗ ở và thuốc trị bệnh, sẽ đem lại kết quả lớn và công đức lớn.
(Trung bộ kinh, số 39)
Đồng thời, hành vi gương mẫu và sự giải thoát tâm của mình là một món quà dành cho người khác, với ý nghĩa rằng, đó là tấm gương để họ thấy rằng họ cũng có thể giải thoát khỏi ơn nặng của chính họ. Đây chính là lý do tại sao đức Phật nói rằng chỉ có người nào đạt đến sự giác ngộ thì thọ nhận thức ăn cúng dường khắp xứ mới không mang ơn. Những vị này cũng trả được ơn giảng dạy con đường giải thoát của đức Phật. Như Ngài đã dạy rằng, cách cung kính duy nhất mà Ngài yêu cầu là mọi người hãy thực hành Pháp như Pháp, nghĩa là không mê chấp và không tham ái sẽ đưa đến giải thoát (Trường bộ kinh, số 16; Tương ưng bộ kinh, mục 22.39-42), để cuộc đời không thiếu vắng những người giải thoát. Bằng cách này, đạt đến giải thoát hoàn toàn không phải là một việc làm ích kỷ, thay vào đó, đây là sự biểu hiện cao quý nhất của hạnh thi ân và lòng tri ân.
Tất nhiên, sẽ không có nhiều người chọn con đường này để đi đến giải thoát, nhưng như vậy không có nghĩa giá trị và ứng dụng của pháp này bị giảm đi. Cũng như đối với lòng biết ơn và giúp đỡ, đây là cơ hội đặc biệt và hiếm hoi mở ra cho mọi người nhận thức đúng để ý thức đầy đủ và hạ quyết tâm để trở thành người tốt thật sự và giải thoát khỏi phạm trù thọ ơn và đền ơn.
Tác giả: Tỳ-kheo Thanissaro
(Trích cuốn “Tâm và Đạo”, NXB Đà Nẵng 2013; NXB Hồng Đức tái bản năm 2014)