Trung thu, Sư phụ lại mua về một bao hạt cỏ giống, gọi chú tiểu đem bao hạt giống này đi gieo. Gió mùa thu trỗi lên và cuốn đi những hạt giống vừa gieo. "Không xong rồi! Các hạt giống bị gió thổi bay đi cả rồi", chú tiểu kêu la.
“Thôi đi con, không sao đâu, hạt giống vẫn còn rất nhiều, gió cuốn đi cũng không mọc được.” Sư phụ nói, "Tùy tính".
Sau khi cơn gió đã lấy đi những hạt giống, tiếp theo lại có mấy chú chim đáp xuống mổ ăn. "Chết rồi! Hạt cỏ giống lại bị chim ăn hết rồi!" chú tiểu vừa nhảy vừa la.
"Không sao! Hạt giống còn nhiều, ăn không hết đâu!" Sư phụ nói, "Tùy ngộ".
Nữa đêm lại bị một trận mưa dữ dội. Vừa mờ sáng chú tiểu vội vã chạy vào phòng thầy: "Sư phụ, lần này thì xong thật rồi! Những hạt giống bị mưa cuốn trôi hết rồi"
"Trôi đến đâu, thì nó sẽ mọc ở đó." Sư phụ nói, "Tùy duyên".
Hơn nữa tháng sau, một vùng đất trơ trụi lúc trước giờ lại mọc lên những mầm cỏ non xanh biên biết, có một số ngốc ngách không hề gieo trồng nhưng vẫn mọc lên xanh rờn. Chú tiểu vỗ tay và vô cùng vui sướng.
Sư phụ gật gật đầu: "Tùy hỷ".
(lược dịch)
Cảm nhận cuộc sống:
Tùy duyên trong cuộc sống không có nghĩa là phó thác cuộc đời mình cho tự nhiên, cho xã hội quyết định. Không phải như những cành cây khô mặc tình cho dòng nước cuốn trôi, vùi dập để rồi một lúc nào đó dòng nước lại dạt chúng vào bờ, đây là sự biểu hiện vô ý thức, không định hướng. Mà tùy duyên là sự hòa mình vào tự nhiên để cải thiện tự nhiên, là sự dấn thân vào xã hội để góp phần điều chỉnh những hành vi xấu, bất thiện đang tồn tại trong xã hội.
Tùy duyên trong cuộc sống là sống mà không câu nệ và chấp trước bất cứ một sự việc nào dù đó là thuận hay nghịch trong cuộc sống. Những việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta đều là những bài học làm tăng thêm vốn kinh nghiệm cho bản thân dù đó là những việc tốt hay xấu, đem đến thành công hay thất bại. Với những kinh nhiệm ấy chúng ta sẽ vận dụng trong cuộc sống hiện tại và tương lai, sử dụng chúng để tiếp nhận và ứng đối với những gì đang và sẽ diễn ra. Những hiện tượng của cuộc sống, của xã hội đều là vô định tính. Con người, xã hội và điều kiện cuộc sống luôn thay đổi và vận động, đây là sự tồn tại hoàn toàn hiện thực và khách quan. Bởi lẽ, mọi việc trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sắp đặt được, có những sự việc do mình thiết lập, nhưng cũng có những việc do điều kiện tự nhiên và nhân duyên kết hợp tạo nên. Vì thế, chúng ta không thể trốn tránh những gì đang diễn ra trong cuộc sống, ngược lại chúng ta phải đối diện, phải có bản lĩnh tiếp nhận và giải quyết trên cơ sở những điều kiện vốn có và đang diễn ra đó. Cần hòa mình vào quy trình cuộc sống để rồi từ đó phát huy và cống hiến cho cuộc sống những gì tốt đẹp mà mình đang có và xã hội đang cần. Cuộc sống là mãnh đất để chúng ta sống với chính mình và thực lý tưởng của chính mình. Đây chính là giá trị thực tiễn của sự "Tùy duyên".
Sự biểu hiện của nước là hình ảnh, là tấm gương của lối sống tùy duyên. Nước dù ở điều kiện nào, môi trường nào chúng vẫn thích ứng "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", dù thay đổi hình thức, tướng dạng nhưng không hề thay đổi bản chất của nó. Đây là tinh thần "Tùy duyên bất biến", tùy duyên là để thuận theo nguyên lý cuộc sống, bản chất cuộc sống; sống Đời mà không mất Đạo, với tinh thần này chúng ta có thể hiện hữu khắp nơi cùng chốn, hiện hữu trong từ ý niệm, hiện hữu trong từng cử chỉ hành vi. Nếu chúng ta có thể sống và vận dụng được tinh thần "Tùy duyên bất biến" thìchúng ta sẽ luôn luôn duy trì được ánh sáng của tự tâm, sẽ không bị những cám dỗ lôi kéo, không bị bất cứ hiện tượng sự vật nào làm cản trở hoặc đánh mất giá trị cuộc sống, con đường lý tưởng của chúng ta.
Bhikkhu Phương Nam